Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Minh Ngọc – Bảo Anh - 19:03, 19/09/2024

Trong kiến trúc xây dựng xưa cũ, nhà rường Huế là một phần quan trọng, độc đáo của văn hóa Huế. Trong dòng chảy hiện đại, kiến trúc di sản nhà rường Huế với tuổi đời gần 400 năm đã xuất hiện những xu thế tích cực, phù hợp với mục đích và công năng sử dụng mới.

Xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế
Một ngôi nhà rường ở làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Di sản của kiến trúc

Những ngôi nhà rường Huế với mái ngói đỏ, cột gỗ chắc chắn và không gian bên trong ấm cúng đã tồn tại qua nhiều thế kỷ, trở thành một phần không thể thiếu trong bức tranh văn hóa của cố đô Huế. Chính vì thế, nhà rường Huế mang trong mình những biểu tượng đặc trưng của văn hóa kiến trúc Việt Nam, với những giá trị lịch sử to lớn và nghệ thuật xây dựng tinh xảo. Kiến trúc nhà rường trong các cung điện, phủ đệ, chùa chiền, lăng tẩm…, cùng nhà vườn dân gian có mặt ở khắp mọi nơi trong thành phố Huế và vùng phụ cận, tạo nên những không gian riêng mềm mại mà cá tính, thể hiện trong cảnh quan kiến trúc truyền thống.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu văn hóa Huế, nhà rường có từ rất sớm, vào khoảng 300 đến 400 năm trước, thậm chí có thể còn sớm hơn nữa. Nhà rường Huế không chỉ là một ngôi nhà gỗ, mà còn là cả không gian vườn bao quanh nó. Nhà rường Huế thường được đặt trong một không gian rộng, có khuôn viên vây quanh, với bức tường thành kiên cố hoặc là hàng chè tàu được cắt tỉa gọn gàng cùng những cấu trúc phụ chung quanh ngôi nhà như bình phong, non bộ, hồ nước…

Kết cấu của nhà rường Huế được xem là di sản quý báu về nghệ thuật kiến trúc, lịch sử văn hóa.
Kết cấu của nhà rường Huế được xem là di sản quý báu về nghệ thuật kiến trúc, lịch sử văn hóa.

Nhà rường Huế có nhiều loại hình, nhưng phổ biến nhất vẫn là ngôi nhà rường 1 gian 2 chái. Về mặt không gian, nhà rường được tạo nên theo các nguyên tắc và triết lí phương Đông truyền thống. Khi dựng nhà rường, các chủ nhân bao giờ cũng cẩn thận tuân thủ những nguyên tắc của thuật phong thủy được lưu truyền từ nhiều đời. Đây là ngôi nhà tiêu chuẩn mà người xưa sử dụng để dựng nhà rường. Gỗ, vật liệu chính cho nhà rường Huế là các loại mít, gõ làm cột, kiền kiền, chua, huỷnh làm hệ khung mái. Các vật liệu khác như đá dùng để đẽo chân táng, ngói lợp, gạch xây, gạch lát cũng được chọn lựa cẩn thận.

Nghệ nhân Lê Kim Tân (84 tuổi, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế), người có gần 60 năm kinh nghiệm xây dựng và sửa chữa nhà rường chia sẻ, những ngôi nhà này thường được xây dựng bằng gỗ quý như lim, mít, với kỹ thuật ghép mộng độc đáo, không sử dụng đinh sắt. Mỗi chi tiết trong kiến trúc nhà rường, từ cột, kèo đến mái ngói, đều thể hiện sự khéo léo và tài hoa của người thợ xưa. Chính sự bền vững này đã giúp nhà rường Huế tồn tại qua thời gian, bất chấp những biến đổi của lịch sử và thời tiết.

Mỗi chi tiết trong kiến trúc nhà rường, từ cột, kèo đến mái ngói, đều thể hiện sự khéo léo và tài hoa của người thợ xưa.
Mỗi chi tiết trong kiến trúc nhà rường, từ cột, kèo đến mái ngói, đều thể hiện sự khéo léo và tài hoa của người thợ xưa.

Gắn liền với việc dựng nhà rường là rất nhiều nghi lễ truyền thống như lễ Phạt Mộc, lễ Động Thổ. Sau khi công trình được khởi công, vẫn còn nhiều lễ khác: Lễ Thượng Trụ để dựng bộ vì đầu tiên của ngôi nhà, lễ Thượng Lương để đặt đòn dông, lễ Gài Nóc để bắt đầu lợp mái công trình. Khi ngôi nhà đã hoàn thiện, có lễ Tống Mộc để xua đuổi ma quỷ, lễ Nhập Trạch để xin phép thổ thần cho gia chủ dọn về nhà mới, lễ An Vị để cung nghinh ông bà vào nhà. Và cuối cùng mới là lễ Tân Gia để gia chủ lễ tạ các thần thánh và mời khách khứa, bạn bè mừng ngôi nhà mới.

Các khu vực nhiều nhà rường tại Huế như Phú Dương, Mậu Tài, Kim Long, Thủy Phù, Tứ Hạ... mỗi làng có vài chục ngôi nhà cổ. Trong đó, có những ngôi nhà cổ gần 300 năm tuổi còn nguyên vẹn như căn nhà ba gian hai chái của bà Cửu Thể, nhà ông Trần Văn Loan ở Mậu Tài, nhà ông Đoàn Kim Khánh, hay nhà rường An Hiên là ngôi nhà rường được xem là mẫu mực của xứ Huế. Nơi đây đã trở thành điểm du lịch thu hút đông đảo người dân và du khách ngược xuôi đã tìm về để được đắm chìm trong không gian cổ kính thơ mộng với hoa thơm trái ngọt, với điệu hò nam ai và mái nhì được những nghệ sĩ ca Huế tiếp đón, có loại bánh đặc sản mời chào.

Nhiều nhà rường tham gia Đề án kinh doanh du lịch, phục vụ du khách củ tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nhiều nhà rường tham gia Đề án kinh doanh du lịch, phục vụ du khách củ tỉnh Thừa Thiên Huế.

Di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Trong bối cảnh hiện đại, việc bảo tồn kiến trúc nhà rường Huế đang đối mặt với nhiều thách thức. Dù vẫn còn hiện hữu nhưng nhà rường Huế đã thay đổi diện mạo rất nhiều. Nhiều nhà rường đã không còn, vì xuống cấp do thời gian, một số không nhỏ khác bị chia năm xẻ bảy, bị thay đổi cấu trúc. Ngay bên trong nhiều khu nhà rường, nhà ống hiện đại cũng đã xuất hiện, khu vườn chuyển đổi thành nhà hàng, quán cà phê. Một số nhà rường Huế còn lại khá nguyên vẹn cũng đang đứng trước những thử thách rất lớn trước cơn lốc đô thị hóa và nền kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, cũng có một số không nhỏ các nhà rường mới được dựng lên với kiểu dáng, hình thức có những thay đổi, biến hóa nhất định, tạo nên một dáng vẻ mới, sức sống mới của nhà rường. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt về nguồn gỗ quý và kỹ thuật xây dựng truyền thống cũng là một vấn đề nan giải.

Nghệ nhân xây dựng nhà rường Huế
Nghệ nhân đang xây dựng nhà rường Huế

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có một kế hoạch hành động xây dựng thương hiệu nhà rường Huế, có thể bằng hình thức chỉ dẫn địa lý cho nhà rường Huế, hoặc nhãn hiệu tập thể. Xác định giá trị văn hóa lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của các nhà rường Huế tiêu biểu để đưa vào diện cần bảo tồn, tiến hành đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di sản nhà rường Huế. Xây dựng bảo tàng nhà rường Huế gắn với quảng bá sản phẩm du lịch và tạo ra nguồn thu nhập cho chủ nhân nhà rường, qua đó khuyến khích việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhà rường được tốt hơn. Đề xuất thành lập Hội sản xuất kinh doanh nhà rường Huế gồm các nghệ nhân, các cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh sản phẩm nhà rường để các cơ sở sản xuất nhà rường tạo dựng cho mình một nhận diện thương hiệu đối với nhà rường, quảng bá thương hiệu nhà rường đi khắp trên cả nước và có thể xuất khẩu.

Nhiều nhà rường cổ Huế đnag được phát huy giá trị di sản để phát triển du lịch
Nhiều nhà rường cổ ở Huế đang được phát huy giá trị di sản để phát triển du lịch

Bên cạnh đó, cần ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong việc ghi lại và lưu trữ thông tin về kiến trúc nhà rường, tái hiện chi tiết từng ngôi nhà. Từ đó dễ dàng theo dõi và bảo trì các công trình kiến trúc cổ. Điển hình như việc nghệ nhân Lê Kim Tân phối hợp với chuyên gia Lê Vĩnh An (Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế) vẽ chi tiết trên máy tính mọi đường nét, cách thiết kế hình tượng theo dạng 3D để lưu giữ chính xác các bản vẽ nhà rường.

Sự phát triển đô thị và tác động của biến đổi khí hậu đã gây ra không ít khó khăn cho việc duy trì và bảo vệ những ngôi nhà cổ kính này. Những năm qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có nhiều hoạt động, dự án triển khai với mục đích trùng tu, phục hồi nhà rường. Không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn, mà còn cần phát huy giá trị của kiến trúc nhà rường Huế trong cuộc sống hiện đại. Các dự án phục dựng và xây dựng mới dựa trên mô hình nhà rường đang được thực hiện, nhằm tạo ra những không gian sống vừa hiện đại vừa giữ được nét truyền thống. Đã có 9 nhà rường tham gia Đề án kinh doanh du lịch, phục vụ du khách. Trong đó có 3 nhà vườn kinh doanh dịch vụ homestay. Có những nhà vườn sau khi trùng tu, tổ chức làm du lịch, dịch vụ đã thu từ 30 - 90 triệu đồng/tháng.

Nội thất một ngôi nhà rường cổ ở Thừa Thiên Huế
Nội thất một ngôi nhà rường cổ ở Thừa Thiên Huế

Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, nhà rường Huế đang mất đi khá nhiều trước cơn lốc đô thị hóa, đồng thời cũng xuất hiện những xu thế tích cực trong việc biến đổi nhà rường, phù hợp với mục đích và công năng sử dụng mới. Để giải quyết những thách thức này, nhiều giải pháp bảo tồn hiện đại đã được đề xuất và triển khai.

Từ năm 2015 chính quyền các cấp đã ban hành Nghị quyết về việc thông qua Đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng”. Theo đó, chính quyền địa phương đã đầu tư hỗ trợ trùng tu cho 18 nhà rường ở Huế, 25 nhà rường ở làng cổ Phước Tích (huyện Phong Điền). Cùng với đó, dọc tuyến đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, các doanh nghiệp đã đầu tư hơn 14 tỉ đồng để xây dựng chỉnh trang, lắp đặt 12 nhà rường tạo không gian hài hòa gắn với kiến trúc khu vực ven sông Hương.

Nhà rường Huế được xem là di sản quý báu về nghệ thuật kiến trúc, lịch sử văn hóa của vùng đất Cố đô. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang hướng đến việc xây dựng thương hiệu nhà rường Huế gắn với những việc phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương như xây dựng bảo tàng nhà rường Huế gắn với quảng bá du lịch, phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp du lịch để xây dựng tour, tuyến du lịch sinh thái.

Tin cùng chuyên mục
Chương trình MTQG 1719 với công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Khmer ở Bạc Liêu

Chương trình MTQG 1719 với công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Khmer ở Bạc Liêu

Những địa bàn có đông đồng bào Khmer sinh sống ở tỉnh Bạc Liêu còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc của đồng bào Khmer. Từ năm 2021 đến nay, Chương trình MTQG 1719 là nguồn lực quan trọng, “tiếp sức” cho tỉnh Bạc Liêu thực hiện mục tiêu “kép”, vừa bảo tồn, vừa phát huy giá trị văn hóa của đồng bào Khmer để phát triển du lịch.