Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Kim Sơn (Ninh Bình): Tẩy sửa sổ đỏ biến đất ao thành đất ở - trách nhiệm thuộc về ai?

Tuấn Trình - 20:22, 25/08/2022

Ngang nhiên tẩy xóa sổ đỏ của người dân, biến đất ao thành đất ở. Khi dân phát hiện, làm đơn kiến nghị thì được chính quyền sở tại trả lời rằng: “Việc sửa chữa như trên là sửa lại theo đúng với nội dung Hợp đồng… chứ không có vi phạm gì”. Đó là câu trả lời của Lãnh đạo UBND huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình với dân!


Dấu hiệu vi phạm rõ ràng 

Trong Đơn kiến nghị gửi tới Báo Dân tộc và Phát triển, ông Nguyễn Văn Tài, sinh năm 1944, trú xã Ân Hoà, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình cho biết: Năm 1997, gia đình ông Tài được UBND huyện Kim Sơn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), Số:1679627, thửa 143, Tờ bản đồ 28. Trong diện tích 4.565m2 đất được UBND huyện Kim Sơn chứng nhận cho gia đình ông được quyền sử dụng, có 200m2 đất ở và 145m2 đất ao.

Năm 2020, ông Tài đến UBND xã Ân Hoà và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kim Sơn để làm thủ tục tách bìa đỏ chia cho các con. Lúc này, ông Tài bất ngờ khi nhận thông tin thửa đất 143, bản đồ số 28 chỉ còn 155m2 đất ở, và phần diện tích 45m2 đất ao mà gia đình ông chuyển nhượng cho ông Trịnh Xuân Thủy vào năm 2003 bỗng dưng thành “đất ở” nên diện tích đât ở 200 mét của gia đình ông đã bị trừ đi.

Ông Nguyễn Văn Tài cầm sổ đỏ gia đình bị tẩy xóa, sửa chữa
Ông Nguyễn Văn Tài cầm sổ đỏ gia đình bị tẩy xóa, sửa chữa

Để có thông tin chính xác trả lời bạn đọc, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Tài và lãnh đạo UBND huyện Kim Sơn.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tài bức xúc cho biết: “Cơ quan chức năng xác định có việc sửa chữa hồ sơ, nhưng không hiểu tại sao lại để sự việc kéo dài hơn 2 năm nay chưa được xử lý dứt điểm, lấy lại công bằng cho gia đình tôi và điều tra, xác minh xử lý các đối tượng làm sai theo quy định của pháp luật”.

Còn về hợp đồng chuyển nhượng số: 12/CN, ông Tài chuyển nhượng diện tích 45m2 “đất ở” tại thửa số 143, tờ số 28 cho ông Trịnh Xuân Thuỷ, ông Tài khẳng định, không phải chữ ký của ông; đồng thời chỉ ra trên GCNQSDĐ Số 1679627 của ông Tài còn để lại dấu vết rất rõ về việc bị tẩy xoá, sửa chữ “đất ao” thành “đất ở”.

Ngày 10/8/2022, ông Nguyễn Quang Hải, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường cung cấp cho phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển Văn bản số: 1716, do ông Trần Anh Khiêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn kí ngày 15/7, với nội dung trả lời vụ việc của ông Nguyễn Văn Tài như sau: Ông Nguyễn Văn Tài sử dụng đất và đã được UBND huyện Kim Sơn cấp GCNQSDĐ Số 1679627 ngày 3/4/1997, vào sổ cấp GCNQSDĐ Số 40/QSDĐ, với tổng diện tích là 4.565m. Trong đó, thửa số 143, tờ số 28, Bản đồ địa chính xã Ân Hoà lập năm 1996, với diện tích 345m gồm: 200m2 đất ở và 145m đất ao.

Bản gốc GCNQSDĐ của ông Nguyễn Văn Tài bị tẩy xoá sửa chữa (khoanh đỏ)
Bản gốc GCNQSDĐ của ông Nguyễn Văn Tài bị tẩy xoá sửa chữa (khoanh đỏ)

UBND huyện Kim Sơn cho biết, 15/5/2003, theo Hợp đồng chuyển nhượng số 12/CN, thì ông Tài chuyển nhượng diện tích 45m2 “đất ở” tại thửa số 143, tờ số 28 cho ông Trịnh Xuân Thuỷ. Đến ngày 2/6/2003, UBND huyện đã chỉnh lý biến động vào trang 4 GCNQSDĐ, “Chuyển quyền sử dụng đất cho ông Trịnh Xuân Thuỷ, thửa Số 143, diện tích 45m2 “đất ao”.

Tại sao UBND huyện đã biết và chỉnh lý vào ngày 2/6/2003, nhưng 1 tháng sau (ngày 3/7/2003), ông Thuỷ vẫn được UBND huyện Kim Sơn cấp GCNQSDĐ số W538255, với diện tích 45m2 “đất ở”. Đó là câu hỏi mà ông Nguyễn Văn Tài và phóng viên đang cần câu trả lời!

Cơ quan CSĐT vào cuộc

Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cho biết, kết quả làm việc với ông Nguyễn Mạnh Toàn, nguyên Phó giám đốc phụ trách từ tháng 4/2017 - 10/2019 và giữ chức Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Kim Sơn; ông Trịnh An Hải, Cán bộ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Kim Sơn phụ trách xã Ân Hoà từ tháng 4/2017 - 4/2019 và nhiều cán bộ khác đều khẳng định, không tẩy xóa, sửa chữa nội dung tại trang 4 GCN quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Văn Tài.

Như vậy, GCNQSDĐ số 1679627, cấp do gia đình ông Tài, có thời gian được chuyển đến UBND xã Ân Hoà; Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Kim Sơn…Tuy nhiên đến nay, chưa xác định được ai là người sửa chữa từ 45 m2 “đất ao” thành 45m2 “đất ở” tại trang 4 GCNQSDĐ của ông Nguyễn Văn Tài.

Thế nhưng, khi trả lời gia đình ông Tài, UBND huyện Kim Sơn lại cho rằng, “Việc sửa chữa như trên là sửa lại theo đúng với nội dung hợp đồng chuyển nhượng số 12/CN, chứ không có vi phạm gì”

Trước sự trả lời của lãnh đạo UBND huyện Kim Sơn, ông Nguyễn Văn Tài không hài lòng và cảm thấy cán bộ nơi đây còn thiếu trách nhiệm khi thi hành nhiệm vụ.

Chia sẻ với phóng viên, ông Tài cho biết thêm: “Trong Đơn tố cáo gửi tới UBND huyện Kim Sơn còn có nội dung tôi khẳng định chữ ký Ngyễn Văn Tài trong Hợp đồng chuyển nhượng số 12/CN, lập ngày 15/5/2003 giữa tôi và ông Trịnh Xuân Thủy không phải do tôi ký. Tôi đề nghị cơ quan thẩm quyền giám định giám định chữ ký xem đúng hay sai thế nào. Trả lời về vấn đề này, ông Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn lại đề nghị ngược lại tôi cung cấp thông tin giấy tờ tài liệu có liên quan và liên hệ với Phòng Kỹ thuật hình sự công an tỉnh hoặc Viện Khoa học hình sự Bộ Công an. Tôi đã gần 80 tuổi rồi, tuổi cao sức yếu biết đi đâu và kêu ai bây giờ…!

Theo nguồn tin của phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển được biết, hiện cơ quan CSĐT Công an tỉnh Ninh Bình đã vào cuộc liên quan đến việc sổ đỏ của gia đình ông Nguyễn Văn Tài bị tẩy xoá “biến” 45m2 đất ao thành đất ở. Bước đầu, cơ quan điều tra đã đến làm việc với gia đình ông Nguyễn Văn Tài, đồng thời thu thập tài liệu chứng cứ liên quan.

Hy vọng với sự vào cuộc của cơ quan CSĐT Công an tỉnh Ninh Bình thì vụ việc sổ đỏ của gia đình ông Nguyễn Văn Tài bị tẩy xoá “biến” đất ao thành đất ở sớm được điều tra, xác minh làm rõ.

Báo Dân tộc và phát triển sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc khi có kết luận của cơ quan CSĐT Công an tỉnh Ninh Bình.


Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.