Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Tự nguyện đổi đất, có nguy cơ mất nhà

Việt Thắng - Khánh An - 07:41, 09/05/2022

Để xây cầu đền Cờn và mở đường nối Quốc lộ 1A xuống biển, chính quyền thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) đã vận động nhiều hộ dân nhường nhà, đổi đất. Thế nhưng đã 24 năm, hàng chục hộ dân tự nguyện nhường đất ấy, vẫn chưa được cấp bìa đỏ (giấy chứng nhận sử dụng đất) cho thửa đất mới vì bị cho là… trái thẩm quyền.

Cầu Đền Cờn và con đường nối từ cầu xuống đường ven biển xây xong từ rất lâu nhưng hàng chục hộ dân đổi đất, nhường nhà vẫn chưa được cấp sổ đỏ
Cầu Đền Cờn và con đường nối từ cầu xuống đường ven biển xây xong từ rất lâu nhưng hàng chục hộ dân đổi đất, nhường nhà vẫn chưa được cấp sổ đỏ

Cầu xây xong đã lâu

Vào năm 1998, gia đình bà Nguyễn Thị Hồng được xã Quỳnh Phương (nay là phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) vận động đổi đất, di dời nhà cửa để xây dựng cầu đền Cờn. Nghĩ đến lợi ích chung, vả lại nếu xây cầu thì gia đình cũng được hưởng lợi trong việc đi lại, nên gia đình bà đã đồng ý với chủ trương của chính quyền.

Bà Hồng cho biết, lẽ ra chúng tôi phải yêu cầu xã đền bù nhà và đất, nhưng một mặt xã cũng khó khăn, mặt khác khi có cầu, thì mình cũng thuận tiện đi lại nên đã đồng ý, chỉ nhận thửa đất được hoán đổi này, trong lúc chúng tôi cũng rất khó khăn, không có tiền xây nhà nên phải làm nhà tạm để ở.

Cũng giống như bà Hồng, đất đai bố mẹ anh Nguyễn Văn Thành cũng bị mất 16 mét mặt tiền do cầu đi ngang qua. Bố mẹ anh được cấp thửa đất khác rộng 190 m2, sau khi anh lấy vợ thì được bố mẹ cho lại và làm nhà ở từ bấy cho đến nay.

Anh Thành bức xúc: “Tôi đã nhiều lần đi làm bìa đỏ cho đất của mình nhưng họ không làm cho”.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện đang có 34 hộ gia đình thuộc diện vận động đổi đất để xây dựng công trình công cộng chưa được cấp bìa đỏ. Theo báo cáo của UBND phường Quỳnh Phương, thì do trước đây chính sách thu hồi đất chưa quy định rõ ràng nên xã (trước đây là xã Quỳnh Phương), cứ vận động rồi cấp đất mới cho họ. Do thủ tục cấp đất ngày trước mới chỉ là văn bản giao đất của xã, nay được UBND phường Quỳnh Phương xác nhận.

Anh Nguyễn Văn Thành: “Tự nguyện đổi đất để xây cầu, làm đường, chúng tôi thiệt thòi đủ đường”
Anh Nguyễn Văn Thành: “Tự nguyện đổi đất để xây cầu, làm đường, chúng tôi thiệt thòi đủ đường”

Bìa đỏ đã được cấp đâu

Theo bà con, từ nhiều năm nay, các hộ gia đình thuộc diện đổi đất đã đôn đáo khắp nơi để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thửa đất mà lẽ ra họ được cấp sổ đỏ ngay từ đầu. Thế nhưng, cho đến nay họ vẫn đang sống cảnh ở đậu trên chính đất của mình. Lí do là cơ quan chức năng cho rằng, đất do UBND xã Quỳnh Phương cấp trái thẩm quyền.

Cho đến năm 2021, Chi nhánh Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thị xã Hoàng Mai mới tham vấn ngành thuế để giải quyết việc này. Cơ quan thuế đã có hướng dẫn áp dụng điểm C, khoản 1, điều 8, Nghị định 45/2014 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất. Theo đó, các hộ dân nói trên phải nộp 50% tiền sử dụng đất đối với diện tích trong hạn mức giao đất ở theo giá đất quy định, và nộp 100% tiền sử dụng đất đối với phần diện tích vượt hạn mức đất ở.

Nhận thông tin, bà con không khỏi sửng sốt vì số tiền phải đóng quá lớn, vượt quá khả năng của họ. Theo bảng giá do Chi nhánh Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thị xã Hoàng Mai dự tính, thì hộ có mức đóng thấp nhất là 625 triệu đồng và hộ có mức đóng cao nhất là 1,5 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Hồng, người tự nguyện đổi đất, nhường nhà nói trong rơm rớm: “Chúng tôi đã thiệt thòi đủ đường, ngày xưa vì việc chung mà tự nguyện đổi đất, nhường nhà, nay phải đóng số tiền như thế này thì phi lí quá”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Thế Huy, Phó Chủ tịch UBND phường Quỳnh Phương tỏ ra rất chia sẻ với bà con. Ông Huy cho biết, phường đã nhiều lần báo cáo với thị xã để xin ý kiến tháo gỡ, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Và thị xã cũng đã xin ý kiến của các sở, ngành liên quan để có hướng xử lý thấu tình đạt lí. Tuy nhiên, vướng mắc là ở chỗ, hồ sơ lưu trữ lại không có phương án giải phóng mặt bằng được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hồ sơ xây dựng và quyết toán các công trình thời điểm đó lại không thể hiện việc đổi đất lấy mặt bằng làm công trình.

Mới đây, qua trao đổi với ông Phó Chủ tịch phường, ông cho biết, Thị xã đang ráo riết chỉ đạo phường Quỳnh Phương tiếp tục rà soát, bổ sung hồ sơ, dữ liệu lưu trữ để trình UBND tỉnh xem xét, đảm bảo quyền lợi của bà con”.

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum) hỗ trợ bò sinh sản nhưng khi nhận lại là “bê”: Cấp 108 con nhưng chỉ thanh tra 62 con

Đăk Hà (Kon Tum) hỗ trợ bò sinh sản nhưng khi nhận lại là “bê”: Cấp 108 con nhưng chỉ thanh tra 62 con

Thanh tra huyện Đăk Hà (Kon Tum) đã có Kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong thực hiện Tiểu dự án 2 – Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) năm 2023 tại xã Ngọk Wang, với tổng số 62 con bò đã được cấp. Vậy 46 con bò thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được triển khai cùng thời điểm liệu có cấp đúng, đủ trọng lượng hay không mà không tổ chức thanh tra? Đó là điều mà dư luận quan tâm hiện nay.