Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Kinh doanh nông sản online tăng trưởng mạnh trong bối cảnh dịch bệnh

Mạnh Hương-CĐ - 22:59, 29/08/2021

Dịch Covid-19 khiến hoạt động mua bán, kinh doanh các mặt hàng nông sản bị gián đoạn. Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, trong đó có các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), nhưng phải bảo đảm an toàn luôn được các doanh nghiệp quan tâm hàng đầu. Theo đó, lựa chọn kinh doanh online, kinh doanh qua sàn thương mại điện tử, đã giúp được nhiều doanh nghiệp đã đứng vững trong bối cảnh dịch bệnh, tạo doanh thu ổn định. Báo điện tử Dân tộc và Phát triển giới thiệu đến bạn đọc một số doanh nghiệp tiêu biểu...

Ông Đỗ Hoàng Thạch, Giám đốc điều hành Công ty CP Ubofood
Ông Đỗ Hoàng Thạch, Giám đốc điều hành Công ty CP Ubofood

Ông Đỗ Hoàng Thạch, Giám đốc điều hành Công ty CP Ubofood: “Chúng tôi đang đa dạng hóa phương thức và các mặt hàng nông sản”. 

Công ty CP Ubofood Việt Nam là một trong những đơn vị cung ứng các loại thực phẩm tươi sống, đông lạnh, rau củ quả lớn tại Hà Nội. Sản phẩm của Công ty được nhập từ các đơn vị đã khẳng định được uy tín trên thị trường như: Vissan, An Việt, Đông Thành, CJ Foods…

Sàn thương mại điện tử Ubofoof của chúng tôi đã hoạt động được 3 năm nay, thời điểm đó không mấy đơn vị lựa chọn lĩnh vực kinh doanh là thực phẩm như Ubofood với phạm vi phục vụ chỉ gói gọn trong 12 quận nội thành Hà Nội. Giai đoạn đầu đơn vị hoạt động rất khó khăn bởi người dân chưa quen với việc phải tải app về điện thoại, máy tính của mình, nhiều người vẫn thích tự tay đi chợ, chọn lựa mớ rau, con cá, cân thịt... 

Từ khi dịch Covid -19 xảy ra, thói quen tiêu dùng của người dân buộc phải thay đổi, nhiều người đã tự tìm hiểu rồi tải app để mua bán qua mạng. Trong bối cảnh này, chúng tôi đã chủ động chạy các chương trình quảng cáo trên Facebook, Fanpage, tuyên truyền qua các cộng tác viên về sàn thương mại điện tử Ubofoof, nên tổng lượng người tải app đã đạt con số vài chục ngàn…

Hiện, sản phẩm chủ đạo của Ubofoof là thực phẩm đặc sản vùng miền; thực phẩm tươi sống như: thịt lợn sinh học, thịt gà, thịt bò, rau củ quả, sữa và các sản phẩm từ sữa, trứng gia cầm, gạo và thực phẩm khô… 

Ubofoof đang phân phối hơn 1.500 sản phẩm của 200 nhà cung cấp trên địa bàn 30 tỉnh, thành phố, trong đó có gần 100 sản phẩm OCOP chủ yếu của Hà Nội. Điển hình như: thịt lợn sinh học A-Z của HTX Hoàng Long đạt OCOP 4 sao, mỳ miến của Công ty Thực phẩm Minh Dương đạt OCOP 4 sao, xạ đen của Công ty CP MD Queens đạt OCOP 4 sao... 

Nhờ đó, trong những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, lượng khách đặt hàng tăng gấp 60 lần, doanh thu tăng 10 lần so với những tháng trước đó… Trung bình mỗi ngày, đơn vị tiêu thụ sản lượng khoảng 5-10 tấn.

Ông Tô Đức Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Hanofarm: “Thay đổi cách tiếp cận khách hàng”. 

Ông Tô Đức Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Hanofarm
Ông Tô Đức Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Hanofarm

Trong thời điểm Thành phố Hà Nội đang áp dụng các Chỉ thị giãn cách xã hội, nhằm bảo đảm phòng chống dịch, chuỗi cung cấp thực phẩm Hanofarm thuộc Công ty CP Đầu tư Hanofarm đã chuyển hướng kinh doanh từ phương thức bán lẻ truyền thống sang tập trung tiếp cận và chăm sóc khách hàng Online.

Trước đây, người tiêu dùng Hà Nội chưa có thói quen mua online. Trên 80% khách hàng vẫn mua hàng trực tiếp tại cửa hàng Hanofarm. Thế nhưng, từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, người tiêu dùng chuyển sang mua online nhiều hơn. Chính vì thế, chúng tôi đã đẩy mạnh hình thức bán hàng trực tuyến qua Facebook, Zalo, đồng thời chăm sóc khách hàng online thường xuyên hơn để khách hàng tin tưởng vào Hanofarm.

Nhằm bảo đảm cung chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm lưu thông ổn định trong thời điểm dịch bệnh, Công ty CP Đầu tư Hanofarm đã tiến hành đăng ký ô tô chạy luồng xanh, đăng ký xe máy hoạt động với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, giúp cả hai hệ thống bán buôn và bán lẻ hoạt động thuận lợi. 

Đội ngũ shipper là nhân viên của Công ty tuân thủ chặt chẽ quy định phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Nhờ vậy, bán hàng trực tuyến hiện chiếm tới trên 95% tổng doanh thu của Công ty. Dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động của nhiều doanh nghiệp, tuy nhiên, nếu chúng ta biết biến những khó khăn thành lợi thế, thì doanh nghiệp vẫn có thể bảo đảm doanh thu, tạo sự an tâm cho khách hàng cũng như đội ngũ nhân viên của mình.

Chủ thương hiệu Bác Tôm -Trần Mạnh Chiến: “An toàn và tiện lợi từ sản xuất nông sản.

Chủ thương hiệu Bác Tôm -Trần Mạnh Chiến
Chủ thương hiệu Bác Tôm -Trần Mạnh Chiến

Là một trong những thương hiệu thực phẩm sạch uy tín được người tiêu dùng ưa chuộng, chuỗi cửa hàng Bác Tôm những ngày qua, luôn trong tình trạng căng mình để đáp ứng thật tốt nhu cầu thực phẩm tăng cao của khách hàng trong mùa dịch Covid -19.

Trong thời điểm Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội, chúng tôi phối hợp rất tốt với nhà cung cấp để chuẩn bị chu đáo hàng hóa cả về chủng loại và số lượng, không để xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá. Dịp này, mặc dù sản lượng hàng bán ra tại các chuỗi cửa hàng tăng khá nhiều (khoảng 30%), tuy nhiên giá cả chúng tôi vẫn giữ ổn định, không hề tăng giá bất cứ một mặt hàng nào”, ông Trần Mạnh Chiến chia sẻ.

Kênh bán hàng chính hiện nay của Bác Tôm là chuỗi 20 cửa hàng thực phẩm hữu cơ và OCOP ở Hà Nội, chủ yếu bán online và qua Facebook. Đây là chuỗi cửa hàng chuyên thực phẩm sạch, hữu cơ thuận tự nhiên đầu tiên ở Hà Nội, ra đời từ năm 2009 và giữ vững đến nay. Tất cả sản phẩm tại cửa hàng đều có xuất xứ rõ ràng, có thể truy xuất nguồn gốc. Sự trung thực với sản phẩm rõ xuất xứ, là nguyên tắc sống còn của thương hiệu rau sạch Bác Tôm.

Đặc biệt, người mua nông sản được Bác Tôm tạo điều kiện để họ có thể đến tận trang trại tại Lương Sơn, Hòa Bình hay Trác Văn, Hà Nam hoặc Phú Thọ để tham quan cánh đồng rau hữu cơ, với quy trình sản xuất, chăm sóc. Những năm gần đây, Bác Tôm đã thành công với tour du lịch nông sản, thu hút nhiều đoàn khách nước ngoài đến trải nghiệm quá trình canh tác, trồng rau tại các trang trại rau ở Hà Nam, Phú Thọ, Hòa Bình.

Bác Tôm đã đưa nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng rau tập huấn cho bà con nông dân tiếp cận những công nghệ nông nghiệp của thế giới. Là Giám đốc Công ty, bản thân người đứng đầu cũng là thành viên Ban Điều phối Dự án Nông nghiệp Hữu cơ (ADDA/Đan Mạch).

Hiện, Bác Tôm đang hợp tác với khoảng 500 hộ nông dân, nhưng không làm việc với từng cá thể mà thường 10 - 20 hộ nhóm lại (tổ hợp tác, hợp tác xã). Nông dân phải tuân thủ các tiêu chuẩn mà Bác Tôm đưa ra, còn Bác Tôm thu mua sản phẩm với giá định trước.

Đơn vị đang phân phối gần 300 sản phẩm của hơn 100 nhà cung cấp trên địa bàn 10 tỉnh, Thành phố, trong đó các sẩn phẩm OCOP chiếm khoảng 10% như: Thịt lợn sinh học, rau, quả sạch... Nhờ đó, trung bình đơn vị cung cấp cho thị trường khoảng hơn 2 tấn rau, quả các loại/ngày, doanh thu tăng 50% so với khi chưa có dịch Covid-19.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.