Dự Đại hội có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc; Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đinh Quốc Tuấn; lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Sa Thầy và 150 đại biểu ưu tú đại diện cho hơn 32.000 người DTTS sinh sống trên địa bàn huyện.
Huyện Sa Thầy có 10 xã và 1 thị trấn, với 64 thôn, làng; trong đó, có 45 thôn, làng đồng bào DTTS. Đồng bào DTTS chiếm trên 57% dân số toàn huyện, với 21 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong 5 năm qua (2019 - 2024), dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong huyện đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu cao và đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực theo Chương trình hành động và Quyết tâm thư tại Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ III đề ra.
Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện từ năm 2019 - 2024 được duy trì ổn định ở mức khá cao, bình quân hàng năm đạt trên 13%. Đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,99%, tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm xuống còn 11,29%; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt hơn 51 triệu đồng, tăng 1,36 lần so với năm 2019.
Đến nay 11/11 xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 11/11 xã, thị trấn có đường liên thôn được bê tông hóa; có 64/64 thôn, làng sử dụng điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 100%; 93% hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; 7 thôn, làng được công nhận thôn, làng nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS, 4 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu; an ninh quốc phòng được củng cố, giữ vững; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Y Ngọc đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp và đồng bào các dân tộc huyện Sa Thầy tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Đổi mới nội dung, phương thức triển khai, thực hiện công tác dân tộc phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Gắn kết chặt chẽ việc phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng - an ninh, nhất là tại các địa bàn xung yếu, vùng sâu, vùng xa.
Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, phát triển đảng viên, phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, Người có uy tín là người DTTS; xây dựng khối Đại đoàn kết các dân tộc, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào DTTS và các tầng lớp Nhân dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn đồng bào DTTS tiếp tục không ngừng phấn đấu vươn lên, phát huy tinh thần tự lực, tự cường; thay đổi nếp nghĩ, cách làm; đoàn kết giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo ổn định cuộc sống, từng bước làm giàu; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cũng như cấp ủy, chính quyền các cấp.
Đại hội đã biểu quyết thông qua Quyết tâm thư với mục tiêu: Tiếp tục xây dựng khối Đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn huyện; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực người đồng bào DTTS; huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng và lợi thế của huyện; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đồng bào DTTS; tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Tập trung nguồn lực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, chú trọng mục tiêu giảm nghèo bền vững ở những vùng khó khăn, vùng đông đồng bào DTTS sinh sống. Giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ. Quyết tâm phấn đấu xây dựng huyện Sa Thầy với tinh thần “Các dân tộc huyện Sa Thầy đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững.
Đại hội cũng đã bầu Đoàn Đại biểu gồm 22 người đi dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ IV năm 2024.