Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Kon Tum: Đổi thay từ mô hình làng du lịch cộng đồng

Thùy Dung - 09:16, 21/11/2020

Nhờ sự thúc đẩy, đầu tư, nhằm tôn tạo và bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS Tây Nguyên của các cấp chính quyền, cùng với những người con yêu văn hóa của bản làng, mà mô hình làng du lịch cộng đồng ở làng Kon K’tu, xã Đăk Rơ Wa, TP. Kon Tum (Kon Tum) và làng Kon Pring, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông (Kon Tum) ngày càng phát triển.

Người làng Kon Pring (TT. Măng Đen, huyện Kon Plông) biểu diễn văn hóa để phục vụ du lịch
Người làng Kon Pring (TT. Măng Đen, huyện Kon Plông) biểu diễn văn hóa để phục vụ du lịch

Du lịch cộng đồng ở Kon K’tu, Kon Pring

Nằm bên dòng sông Đăk Bla hiền hòa, Kon K’tu là làng xa nhất của xã Đăk Rơ Wa (TP.Kon Tum). Làng hiện vẫn giữ được những nét kiến trúc, văn hóa mang đậm chất nguyên sơ, mộc mạc của người Ba Na. Theo số liệu thống kê, mỗi năm làng Kon K’tu đón 700 - 900 lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 300 lượt khách nước ngoài, tập trung từ độ tuổi 20 - 50.

Được sự giới thiệu của dân làng, chúng tôi tìm về Homestay của nhà chị Y Bom và anh Alex (người Pháp). Đây là đôi vợ chồng nên duyên từ một lần Alex ghé làng Kon K’tu du lịch. Vì đắm say cô thôn nữ chân chất, thật thà mà Alex quyết định nên vợ nên chồng với Y Bom vào năm 2016. Năm 2019, nhận thấy mô hình Homestay mang lại hiệu quả, vợ chồng Y Bom - Alex bắt đầu xây dựng Homestay và trở thành ngôi nhà đắt khách nhất vùng này.

Homestay của nhà Y Bom có 1 phòng tập thể, 3 phòng cá nhân và 1 nhà chòi. Ngoài ra tại đây, Y Bom còn phục vụ các dịch vụ từ ăn sáng, cà phê và có dịch vụ trải nghiệm các văn hóa người Ba Na như dệt thổ cẩm, múa xoang, lửa trại. Trong Homestay được trang trí các nét đặc sắc của người Ba Na như chuông gió, sản phẩm từ thổ cẩm nhằm quảng bá văn hóa đến khách du lịch.

Chị Y Bom cho biết: “Khách ghé thăm nhà mình đông nhất là vào các dịp lễ tết. Từ ngày làng được đầu tư, phát triển du lịch mà đời sống của người dân ổn định hơn trước rất nhiều. Hiện toàn làng có 6 nhà hoạt động Homestay chính thức. Còn các hộ dân trong làng sẽ cùng hỗ trợ nhau để biểu diễn văn hóa, ẩm thực và phục vụ trải nghiệm cho du khách nếu khách có nhu cầu. 

Cách trung tâm thành phố chừng 60km, chúng tôi đến với làng Kon Pring, thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông). Nơi đây được ví như Đà Lạt thứ 2 vì có khí hậu se lạnh, hoang sơ hùng vỹ của núi rừng. Đón chúng tôi ở làng Kon Pring là bà Y Lim - người được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực Nghệ thuật trình diễn dân gian, vì đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Hiện bà là chủ một Homestay hút khách ở làng Kon Pring.

Bà Y Lim cho biết, vì yêu văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đồng thời với vai trò là Trưởng đoàn nghệ nhân của làng, Đội trưởng đội chiêng nữ, nên bà mong muốn quảng bá văn hóa của đồng bào mình đi xa hơn nữa chứ không chỉ ở địa phương. Để có được như ngày hôm nay, từ khi thành lập Làng Văn hóa du lịch cộng đồng, UBND thị trấn Măng Đen đã thành lập Ban quản lý nhằm hướng dẫn và chỉ đạo các thành viên liên quan trong thôn thực hiện mọi hoạt động du lịch. Đồng thời tổ chức 2 đợt đi học tập kinh nghiệm du lịch cộng đồng tại các tỉnh phía Bắc và mở 4 lớp truyền dạy cồng chiêng, chế tác nhạc cụ tại thôn. “Ngoài ra, dân làng cũng tự truyền dạy văn hóa cồng chiêng cho nhau để phục vụ các đoàn khách ghé thăm”, Y Lim cho biết thêm.

Đổi thay từ du lịch cộng đồng

Anh A Kâm (một chủ Homestay ở làng Kon K’tu) cho biết: Nhà mình cũng học theo người đi trước mở một Homestay vào năm 2019 để cùng phục vụ du lịch. Ở làng này, mỗi nhà đều nuôi heo, nuôi gà, ủ rượu cần, chuẩn bị ống lam để làm cơm khi có khách ghé thăm. Đồng thời luôn có 1 đội cồng chiêng sẵn sàng phục vụ du khách. Các nghệ nhân cũng được mời về để biểu diễn. 

Ở làng Kon K’tu, bà Y Xanh là một trong những người đặc biệt kiếm thêm được thu nhập từ mô hình Homestay của dân làng. Không may mắn như bao người, bà bị liệt 2 chân. Vì vậy đã 23 năm trôi qua bà gắn liền với khung dệt để làm ra sản phẩm kiếm thêm thu nhập. Từ ngày có Homestay, bà được tiếp xúc với nhiều người và đã bán được nhiều sản phẩm. 

Nhờ có sự ra đời của những mô hình Homestay mà dân làng lại yêu thêm văn hóa của dân tộc mình. Đặc biệt, đối với những người văn hóa đã ngấm vào máu cuộn chảy trong người như bà Y Lim thì việc phát triển làng Kon Pring thành làng du lịch lại càng tạo động lực cho bà trong công tác gìn giữ văn hóa truyền thống.

Để quảng bá văn hóa của người Ba Na, bà Y Lim, anh A Kâm, chị Y Bom… cũng đều tận dụng tối đã việc đưa văn hóa vào các trải nghiệm của khách du lịch. Họ giữ gìn nhà rông truyền thống. Họ lên rừng chặt ống lam, hái lá é, lá mì, tiêu rừng về để làm món ăn phục vụ khách du lịch. Rồi họ bàn với già làng, trưởng thôn kêu gọi người dân chung tay làm du lịch để cải thiện cuộc sống. Cứ như thế, từ những người lam lũ, quanh năm chỉ biết cái ruộng hạt lúa, có người chưa từng một lần bước chân ra khỏi làng này đã biết đến du lịch và biết làm du lịch từ văn hóa của dân tộc mình.

Ngoài ra, nhờ có sự vào cuộc của các cấp, chính quyền địa phương mà người dân có thêm động lực để cùng nhau phát triển du lịch làng.

Tin cùng chuyên mục
Gia đình 7 đời làm nghề chạm bạc trên cao nguyên đá

Gia đình 7 đời làm nghề chạm bạc trên cao nguyên đá

Trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang), thôn Lao Xa, xã Sủng Là là cái nôi của nghề chạm bạc truyền thống của người Mông. Đã từ rất lâu, không chỉ riêng người Mông, mà bất cứ ai muốn mua được một món đồ trang sức bằng bạc ưng ý, đều lên đường đến Lao Xa…