Huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum được thành lập năm 2015, trên cơ sở tách ra từ huyện Sa Thầy. Đây là huyện biên giới, tiếp giáp với huyện Đun Mia và huyện Tà Veng của tỉnh Ratanakiri (Campuchia). Toàn huyện có 3 xã là Ia Đal, Ia Dom và Ia Tơi, với hơn 60% là đồng bào DTTS, thuộc 31 thành phần dân tộc.
Theo báo cáo của UBND huyện Ia H’Drai, đến nay, huyện đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, xây dựng quy chế hoạt động; thành lập các Tổ công tác; chỉ đạo các xã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý, Ban Giám sát cộng đồng, bảo đảm công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện được thuận lợi. Kịp thời phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Trung ương thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025, dự toán ngân sách Trung ương các năm 2022, 2023; hoàn thành các thủ tục phê duyệt dự án, dự toán chi tiết và tổ chức triển khai các nội dung, hoạt động thuộc các Chương trình MTQG theo quy định.
Năm 2022, tổng vốn ngân sách Trung ương giao cho địa phương để thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn là hơn 108 tỷ đồng. Đến ngày 20/4/2023, huyện đã giải ngân được gần 38 tỷ đồng. Vốn ngân sách địa phương đối ứng là 9,8 tỷ đồng, đến ngày 20/4/2023 giải ngân được hơn 5 tỷ đồng. Năm 2023, tổng vốn ngân sách Trung ương giao thực hiện các Chương trình MTQG là hơn 114 tỷ đồng, đến ngày 20/4/2023 giải ngân được 6,3 tỷ đồng. Vốn ngân sách địa phương đối ứng là 8,4 tỷ đồng, hiện vẫn chưa giải ngân. Với nguồn lực đầu tư từ các Chương trình, trong năm 2022, trên địa bàn huyện có gần 690 hộ thoát nghèo, số hộ nghèo hiện chỉ còn hơn 20%. Toàn huyện có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng nhìn chung, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của huyện đạt thấp; việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách và bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương thực hiện các Chương trình chưa bảo đảm. Việc tổ chức triển khai một số nội dung, hoạt động thuộc các Chương trình MTQG chưa kịp thời, một số nội dung còn lúng túng, bị động; công tác xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo chưa thực sự bền vững, số hộ nghèo, cận nghèo phát sinh mới năm 2022 còn cao...
Tại buổi làm việc, các cơ quan chủ trì các Chương trình MTQG, các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh đã giải đáp, hướng dẫn đối với từng nội dung địa phương còn vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các Chương trình.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 về xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết những vấn đề cấp thiết, bức bách nhất của đời sống Nhân dân, được Đảng, Nhà nước và người dân đặc biệt quan tâm. Từ đầu năm 2022 đến nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Kon Tum đã ban hành 20 nghị quyết, 3 chỉ thị, trên 60 quyết định, chương trình, kế hoạch, thông báo kết luận và nhiều văn bản chỉ đạo khác để tổ chức triển khai, đôn đốc tiến độ thực hiện 3 Chương trình.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, UBND huyện Ia H’Drai tiếp tục thực hiện hiệu quả, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Khẩn trương xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn2021 - 2025, năm 2023. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các chương trình MTTQ gắn với thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, phong trào thi đua “Kon Tum chung sức xây dựng nông thôn mới”. Tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp xã; chủ động, quyết liệt hơn nữa trong công tác triển khai thực hiện các Chương trình MTQG.
Cùng với đó, huyện cần tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện ngay đối với các nội dung công việc đã có cơ chế, quy định đầy đủ. Cân đối vốn đối ứng từ ngân sách địa phương bố trí thực hiện các Chương trình MTQG theo quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc để hướng dẫn và đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Khẩn trương đánh giá và có các giải pháp quyết liệt phấn đấu cuối năm 2023, xã Ia Đal đạt chuẩn xã nông thôn mới, tỷ lệ giảm hộ nghèo trong năm đạt 10,5% theo chỉ tiêu được giao.