Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo

Kon Tum: Người có uy tín khẳng định vai trò nơi bản làng

Minh Thu - 09:20, 05/04/2025

Giai đoạn 2023 - 2027, toàn tỉnh Kon Tum có 620 Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Với những đóng góp thầm lặng, những Người có uy tín đã và đang chung tay, góp sức cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương và đồng bào các dân tộc xây dựng quê hương Kon Tum ngày càng phát triển.

Các già làng, Người có uy tín luôn tích cực đi từng nhà dân để tuyên truyền, vận động.
Các già làng, Người có uy tín luôn tích cực đi từng nhà dân để tuyên truyền, vận động.

Nỗ lực vì cộng đồng

Trước đây, trên địa bàn thị trấn Đăk Glei, huyện Tu Mơ Rông, trước thực trạng một số hủ tục còn lạc hậu, Người có uy tín, mục sư A Hùng, theo đạo Tin Lành đã chủ động tuyên truyền, vận động các tín đồ tôn giáo chung tay xóa bỏ. Sau nhiều năm kiên trì vận động, đến nay, cơ bản những phong tục không còn phù hợp ở vùng đồng bào DTTS đã được xóa bỏ.

Mục sư A Hùng chia sẻ: Vừa là Người có uy tín, vừa là người có đạo, chúng tôi luôn quan niệm sống “tốt đời, đẹp đạo”. Chúng tôi luôn răn dạy con cháu, cộng đồng cùng chung tay xây dựng đời sống văn hóa mới, đẩy lùi các tập tục lạc hậu, đoàn kết phát triển kinh tế, xây dựng quê hương giàu mạnh.

Tương tự bà Y Gar, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn 12, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy - người luôn phát huy vai trò của mình trong việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.

Theo chia sẻ của bà Y Gar: Là cán bộ mặt trận, những năm qua, bà luôn chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động thanh thiếu niên có lối sống lành mạnh, tập trung học hành, không được kết hôn sớm và kết hôn với người cận huyết thống. Bà cũng tích cực phổ biến về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình và các vấn đề về giới tính, bằng cách lồng ghép qua các buổi sinh hoạt thôn, sinh hoạt tại trường hoặc đến nhà vận động, nếu phát hiện các thanh thiếu niên có quan hệ tình cảm…

Nghệ nhân A Thút cùng đoàn cồng chiêng làng Đăk Wơk, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy thực hiện nghi thức lễ hội cầu an (Ảnh Q.Đ).
Nghệ nhân A Thút cùng đoàn cồng chiêng làng Đăk Wơk, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy thực hiện nghi thức lễ hội cầu an (Ảnh Q.Đ).

Với đồng bào Ba Na ở làng Đăk Wơk, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, Người có uy tín, già làng A Thút có công lớn trong việc vận động dân làng giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Ba Na. Với niềm đam mê văn hóa truyền thống, già làng A Thút đã dành nhiều công sức sưu tầm dân ca, sử thi, nghiên cứu, sáng tác các điệu chiêng, xoang, bài hát trên nền dân ca cũ.

Già làng A Thút tâm sự, vì văn hóa là nền tảng tinh thần, là hồn cốt của dân tộc nên ông luôn khao khát được truyền dạy để trao truyền giá trị văn hoá cho thế hệ trẻ. Thời gian qua, được cấp ủy, chính quyền địa phương hoan nghênh và hỗ trợ, già làng A Thút đã mở được nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa xoang cho dân làng Đăk Wơk, Kơ Tol ở xã Hơ Moong.

Tạo điều kiện để Người có uy tín khẳng định vai trò

Là địa bàn miền núi, biên giới với 43 dân tộc sinh sống, trong đó có 7 thành phần dân tộc, việc phát huy vai trò của già làng, Người có uy tín luôn được các cấp, các ngành tỉnh Kon Tum chú trọng. Từ đó, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tiếp tục đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh Kon Tum đã có nhiều chủ trương, chính sách hữu hiệu nhằm phát huy vai trò của già làng, Người có uy tín vùng đồng bào DTTS trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân. Đồng thời, quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ, động viên những Người có uy tín được Nhân dân tín nhiệm, có sức ảnh hưởng trong cộng đồng làng xã tham gia vào các phong trào xã hội, các mô hình phát triển kinh tế, các cuộc vận động của các đoàn thể chính trị - xã hội với “vai trò đầu tàu” trong công tác tuyên truyền vận động để người dân học tập và noi theo.

Người có uy tín luôn phát huy vai trò, trách nhiệm trong đời sống đồng bào DTTS (Ảnh: Tùng Lâm).
Người có uy tín luôn phát huy vai trò, trách nhiệm trong đời sống đồng bào DTTS (Ảnh: Tùng Lâm).

Cùng với đó, các cấp ủy đảng, chính quyền ở địa phương cơ sở triển khai thực hiện tốt các chính sách, chế độ đãi ngộ, đào tạo nâng cao trình độ, tạo điều kiện thuận lợi để Người có uy tín phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền vận động, giúp người dân hiểu, nghe, tin tưởng và làm theo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Theo Lãnh đạo Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Kon Tum: Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương luôn quan tâm đến đội ngũ Người có uy tín, tổ chức cung cấp thông tin, hướng dẫn và đề xuất một số nhiệm vụ cho Người có uy tín để tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước, các phong trào thi đua, cuộc vận động của địa phương. Qua đó, đã làm chuyển biến nhận thức của đồng bào DTTS trong sản xuất, kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tích cực tham gia đảm bảo trật tự an toàn xã hội tại cơ sở.

Với những nỗ lực, đóng góp của đội ngũ Người có uy tín, đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum tiếp tục được cải thiện. Toàn tỉnh hiện có 48 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, 5 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện có 65/498 thôn, làng vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn thôn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt trên 58,42 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm bình quân giảm từ 3 - 4%/năm. 13/25 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 48/186 thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Tin cùng chuyên mục
Bắc Kạn: Giải ngân vốn các Chương trình MTQG đạt thấp

Bắc Kạn: Giải ngân vốn các Chương trình MTQG đạt thấp

Hết quý I, kết quả giải ngân nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) năm 2025 của tỉnh Bắc Kạn chỉ đạt 11% kế hoạch giao; trong đó, vốn đầu tư giải ngân đạt 14,6% kế hoạch; vốn sự nghiệp giải ngân đạt 0,2% kế hoạch.