Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS &MN

Kon Tum: Nỗ lực giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào DTTS

Ngọc Chí - Ngọc Thu - 09:05, 12/10/2023

Xác định rõ nguyên nhân của tình trạng tảo hôn, những năm qua, tỉnh Kon Tum đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào DTTS. Trọng tâm là thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021- 2025”.

Tuyên truyền phòng chống tảo hôn ở xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum
Tuyên truyền phòng chống tảo hôn ở xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum

Xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum có 05 thôn, hơn 1.200 hộ, trong đó đồng bào DTTS chiếm hơn 96% (chủ yếu là dân tộc Ba Na). Nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, chính quyền địa phương đã lồng ghép tuyên truyền trực tiếp tại các Câu lạc bộ tiền hôn nhân, các cuộc họp thôn, tại từng hộ gia đình và Mặt trận Tổ quốc các thôn phối hợp chặt chẽ với nhà thờ để tuyên truyền, vận động người dân không cho con, em mình kết hôn khi chưa đủ tuổi. Nhờ đó, trong năm 2022 và năm 2023 này địa phương không còn tình trạng tảo hôn.

Chị Y Chớt ở thôn Măng La, xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum chia sẻ: Năm 16 tuổi thì tôi cũng có tình cảm với một người nam ở trong thôn, nhưng khi gia đình khuyên tôi là đừng có yêu sớm, yêu sớm là sẽ mất việc học hành. Tôi cũng hiểu được nếu lấy chồng sớm sẽ khổ và tôi nghĩ khi đến 20 tuổi trở lên mới lấy chống.

Bộ đội biên phòng phối hợp chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân
Bộ đội biên phòng phối hợp chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân

Thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2025”, các cấp chính quyền và đoàn thể tỉnh Kon Tum đã đổi mới phương thức tuyên truyền theo hướng tiếp cận trực tiếp, phù hợp với điều kiện từng vùng và đúng đối tượng; các tổ tư vấn ở các thôn và già làng, Người có uy tín cũng tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân.

Để không còn tình trạng tảo hôn thì các cấp chính quyền cần triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, giúp cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”; đưa tỷ lệ giảm thiểu tình trạng tảo hôn trên địa bàn vào trong nội dung chương trình kế hoạch hằng năm, để từ đó huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị".

Ông Hà Hồng DuyPhó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum

Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao nhận thức của người dân về những tác hại của tảo hôn và tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã giảm đáng kể. Cụ thể: Năm 2021 tỷ lệ tảo hôn chiếm tỷ lệ 13,27% trong tổng số cặp kết hôn thì năm 2022 tỷ lệ tảo hôn chiếm tỷ lệ 6% trong tổng số cặp kết hôn.

Ông A Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông cho biết: Xã chỉ đạo các đoàn thể, công chức tư pháp, Trạm y tế xã xuống tại các thôn tuyên truyền cho lực lượng thanh niên về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Hiện nay tình trạng tảo hôn trên địa bàn xã đã giảm so với các năm trước.

Mặc dù công tác tuyên truyền đã được các cấp, các ngành và chính quyền địa phương tích cực triển khai nhưng vẫn chưa thể chấm dứt tình trạng tảo hôn. Theo khảo sát của Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, riêng 6 tháng đầu năm 2023 có 73 cặp tảo hôn. Các em lấy nhau ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nên phải gánh vác trách nhiệm nặng nề của một gia đình.

Vợ chồng Y Xen (bên phải) ở thôn Kroong Klah, xã Kroong, thành phố Kon Tum chia sẻ về những khó khăn của gia đình
Vợ chồng Y Xen (bên phải) ở thôn Kroong Klah, xã Kroong, thành phố Kon Tum chia sẻ về những khó khăn của gia đình

Em Y Xen ở thôn Kroong Klah, xã Kroong, thành phố Kon Tum giải bày: Lúc chúng em yêu nhau thì mới 14 tuổi, sau khi có con thì cũng thấy công việc khó khăn, vợ chồng cũng lo không nổi phải phụ thuộc vào gia đình. Con đau ốm không có tiền cũng phải nhờ vào gia đình.

Tỉnh Kon Tum đang rất nỗ lực loại bỏ nạn tảo hôn ra khỏi đời sống cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu của Chính phủ và của tỉnh đề ra đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số thì địa phương còn rất nhiều việc cần làm. Bởi đây không phải là câu chuyện của một sớm, một chiều mà luôn đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành cũng như từ ý thức mỗi người dân địa phương.
Tin cùng chuyên mục
Phước Sơn (Quảng Nam) đẩy lùi tập tục lạc hậu đối với người dân vùng đồng bào DTTS

Phước Sơn (Quảng Nam) đẩy lùi tập tục lạc hậu đối với người dân vùng đồng bào DTTS

Trong 2 ngày (ngày 16 và 17 tháng 10), huyện Phước Sơn tổ chức Chiến dịch truyền thông, nhằm bàn giải pháp xóa bỏ các tập tục lạc hậu và một số vấn đề cấp thiết cho phụ nữ, trẻ em vùng DTTS gắn với triển khai thực hiện Chỉ thị 27 về “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân vùng đồng bào DTTS, để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” của Ban Thường vụ Huyện ủy năm 2024. Chiến dịch truyền thông được tổ chức tại xã vùng cao Phước Chánh và thị trấn Khâm Đức.