Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS &MN

Nhiều cách làm hay trong công tác truyền thông giảm thiểu tảo hôn ở Quang Bình

Th. Hương - Th. Phong - 13:45, 25/09/2023

Huyện Quang Bình (Hà Giang) có 12 dân tộc cùng sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 92,38%. Những năm qua, Quang Bình đã được thụ hưởng nhiều chính sách dân tộc, qua đó đời sống của đồng bào từng bước được nâng lên, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống từng bước được đẩy lùi.

Hội thi truyền thông về phòng, chống tảo hôn tại liên đội Trường THCS Tân Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình
Hội thi truyền thông về phòng, chống tảo hôn tại liên đội Trường THCS Tân Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình

Xây dựng mô hình điểm

Qua rà soát, từ năm 2016 - 2018, trong 2.449 cặp kết hôn thì có 36 cặp tảo hôn, chiếm 1,47%. Nhưng 4 năm trở lại đây, trên địa bàn huyện không còn xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Để có được kết quả này, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện Quang Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời triển khai nhiều mô hình nhằm đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Nổi bật là mô hình điểm thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS” tại xã Tiên Nguyên, một trong những xã đặc biệt khó khăn có tình trạng tảo hôn cao nhất huyện (năm 2010 - 2015 có 15 cặp tảo hôn). Năm 2016 xã Tiên Nguyên được lựa chọn làm mô hình điểm. Đảng bộ xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Đồng thời quán triệt, triển khai cho toàn thể đảng viên, đoàn viên, hội viên ký cam kết không tổ chức cưới tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Cùng với đó, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch tăng cường quản lý, cung cấp thông tin, tư vấn cho các đối tượng chuẩn bị kết hôn; làm thủ tục đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh cho trẻ em trên địa bàn. Các thành viên tổ tư vấn thôn nhận rõ vai trò, trách nhiệm, sâu sát đến từng hộ dân để kịp thời nắm bắt tư tưởng, tổ chức gặp gỡ, vận động những gia đình đang có con, em bỏ học, những trường hợp có ý định kết hôn khi chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật để kịp thời ngăn chặn.

Đồng thời, thành lập 14 Câu lạc bộ “Tư vấn pháp luật” về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống với 98 thành viên tham gia… Với sự vào cuộc quyết liệt từ huyện đến xã, từ năm 2017 đến nay, xã Tiên Nguyên không còn xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Câu lạc bộ phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình được thành lập tại thôn My Bắc, xã Tân Bắc đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân về phòng chống tảo hôn.
Câu lạc bộ phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình được thành lập tại thôn My Bắc, xã Tân Bắc đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân về phòng chống tảo hôn.

Sáng tạo trong truyền thông về giảm thiểu tảo hôn

Ngoài thực hiện mô hình điểm, Ban Tuyên giáo Huyện ủy thường xuyên tham mưu chỉ đạo, định hướng các Chi, Đảng bộ trực thuộc, các cơ quan khối tuyên truyền đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, hướng trọng tâm về cơ sở. Vận động bà con xóa bỏ các luật tục lạc hậu, không tảo hôn, hôn nhân cận huyết, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; bài trừ mê tín, dị đoan, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội; chăm sóc sức khỏe, nâng cao dân trí...

Tổ chức cuộc thi sáng kiến (ý tưởng) về phòng, chống tảo hôn cho trẻ em và người dân trong cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện Quang Bình cũng là một trong những cách làm hay nhằm tăng cường công tác truyền thông về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Trong tổng số 52 bài dự thi, có 39 bài đề cập đến sáng kiến, ý tưởng, giải pháp triển khai thực hiện về công tác tuyên truyền phòng, chống tảo hôn; 13 bài thể hiện sáng kiến, ý tưởng tốt, có khả năng vận dụng tại cơ sở.

Thông qua cuộc thi cũng là cách làm hay, mang tính hiệu quả cao, trong đó phát huy tốt trách nhiệm và huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, phát huy vai trò của MTTQ và tổ chức đoàn thể, các già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong đồng bào DTTS, cộng đồng dân cư cùng tham gia vào công tác tuyên truyền vận động, phát hiện, ngăn ngừa các trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quang Bình cũng đã chỉ đạo các cấp Hội phối hợp với chính quyền, các đoàn thể ở địa phương vận động các hộ gia đình ký cam kết không cho con tảo hôn, thành lập Câu lạc bộ “Phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình”.

Hội Phụ nữ xã Yên Hà (Quang Bình) ra mắt “Hội nàng dâu họ Giàng tham gia xóa bỏ hủ tục” tại thôn Khuổi Cuốm, các hộ gia đình và chị em dâu trong dòng họ Giàng đều nhất trí 100% thực hiện theo “Nghị quyết” của dòng họ là: Không tổ chức cho con cái kết hôn khi chưa đủ tuổi theo pháp luật quy định; không gả con cho anh, em trong dòng họ có cùng dòng máu trực hệ.

Ngoài ra, trong hệ thống giáo dục, các trường học cũng đã chú trọng việc tuyên truyền xóa bỏ hủ tục vào các buổi học ngoại khóa, như Liên đội Trường THCS Tân Bắc, xã Tân Bắc tổ chức thành công hội thi truyền thông về tảo hôn. Tại hội thi, mỗi thí sinh là một tuyên truyền viên bày tỏ thái độ, suy nghĩ nghiêm túc, ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Thông qua hội thi, đã tạo sự lan tỏa đến học sinh, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội chung tay đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; góp phần nâng cao chất lượng dân số, sức khỏe, nguồn nhân lực vùng DTTS.

Tại cấp thôn, tổ dân phố tiếp tục tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết lồng ghép với các buổi sinh hoạt chi bộ và họp thôn để tuyên truyền tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đến từng đảng viên, nhân dân, tăng cường cán bộ trực tiếp xuống cơ sở gặp mặt, động viên, vận động người dân từng bước thay đổi nhận thức để tiếp cận với nếp sống mới, xóa dần các hủ tục.

Theo lãnh đạo Phòng Dân tộc huyện, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn không có trường hợp kết hôn cận huyết thống; tỷ lệ tảo hôn trong vùng DTTS có xu hướng giảm dần, nhiều xã làm điểm đã xóa được tình trạng tảo hôn, như: Tiên Nguyên, Xuân Giang, Yên Hà, Bằng Lang, Vỹ Thượng… Qua đó cho thấy, việc triển khai mô hình giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã góp phần không nhỏ vào việc thay đổi nhận thức từ cấp ủy, chính quyền và các ngành, đoàn thể, đặc biệt là người dân.

Theo quy định pháp luật, nam phải từ đủ 20 tuổi, nữ từ đủ 18 tuổi mới đủ điều kiện kết hôn.

Theo quy định tại Điều 47, Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã và Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110…về xử phạt về hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án nhân dân buộc chấm dứt quan hệ đó.

- Hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng; vi phạm quy định về ly hôn (Điều 48 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ và khoản 35 Điều 1 Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015): Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha mẹ nuôi với con nuôi; kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người có cùng dòng máu về trực hệ.