Tỉnh Kon Tum đặt ra mục tiêu có thêm 200 thôn, làng vùng đồng bào DTTS đạt nông thôn mới trong năm 2025Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12 ngày 18/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng thôn, làng nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao trong Nhân dân, nhiều thôn, làng đồng bào DTTS đã mang diện mạo mới, nhà cửa được sửa sang khang trang hơn; đường nội thôn, liên thôn được mở rộng; các thiết chế văn hóa được xây dựng. Đến nay, có 119/510 thôn, làng cơ bản đạt chuẩn 10/10 tiêu chí; trong đó, có 63/95 thôn, làng vùng đồng bào DTTS thực hiện điểm các cấp (tỉnh, huyện, xã) cơ bản đạt chuẩn 10/10 tiêu chí.
Tuy nhiên, tiến trình xây dựng thôn, làng vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới còn những hạn chế, tồn tại cần được khắc phục. Trong đó, tiến độ bị chậm so với lộ trình đề ra; một số địa phương chưa có thôn, làng nào được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Nhiều thôn, làng thuộc diện chỉ đạo điểm các cấp vẫn chưa đạt chuẩn; ở một vài địa phương, các thôn điểm mới cơ bản đạt từ 5 đến 8 tiêu chí.
Diện mạo các thôn, làng vùng đồng bào DTTS tỉnh Kon Tum đang từng ngày đổi thay Vì vậy, Kế hoạch số 817 của UBND tỉnh Kon Tum về xây dựng thôn, làng nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS được kỳ vọng đem lại sức bật mới cho tiến trình này. Với mục tiêu năm 2025 phấn đấu có thêm 200 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới; các thôn, làng còn lại phấn đấu cơ bản đạt chuẩn từ 6 tiêu chí trở lên.
Để thực hiện được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần xác định việc xây dựng thôn, làng nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Huy động mọi nguồn lực, lồng ghép nguồn vốn các Chương trình MTQG đầu tư, xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng các thôn, làng; ưu tiên thực hiện các mô hình, hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng phát triển hiệu quả các vùng nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo các mô hình liên kết sản xuất.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân dám nghĩ, dám làm, từng bước thoát ra khỏi cách suy nghĩ, làm ăn kiểu cũ, tự lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.