Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Kon Tum: Quan tâm đào tạo, phát triển, sử dụng nguồn nhân lực ở vùng đồng bào DTTS

Ngọc Chí - 01:10, 30/08/2024

Trong những năm qua, công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) người dân tộc thiểu số (DTTS) luôn được tỉnh Kon Tum quan tâm, kịp thời khắc phục tình trạng thiếu hụt cán bộ DTTS ở một số ngành, lĩnh vực. Số đông CBCCVC người DTTS được giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm vào vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước đã củng cố niềm tin của đồng bào DTTS với Đảng, chính quyền và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Kon Tum về việc đào tạo, tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ người DTTS
Đoàn Giám sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Kon Tum về việc đào tạo, tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ người DTTS

Tỉnh Kon Tum có dân số khoảng 568.780 người, trong đó người DTTS chiếm hơn 55%, với 43 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong thời gian qua, UBND tỉnh Kon Tum đã triển khai đầy đủ, kịp thời cụ thể hóa các quy định của Trung ương và cấp có thẩm quyền về thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ người DTTS, kịp thời ban hành các Quy định, chương trình, kế hoạch, các văn bản hướng dẫn để các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện phù hợp, đúng với các quy định của Trung ương về chính sách, pháp luật về công tác cán bộ nói chung và cán bộ người DTTS nói riêng.

Ông Nguyễn Minh Vương – Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà cho biết: Giai đoạn 2016 - 2023, UBND huyện đã tổ chức tuyển dụng 339 viên chức các đơn vị sự nghiệp, số thí sinh người DTTS trúng tuyển là 70 người; 41 công chức cấp xã, số thí sinh người DTTS trúng tuyển là 10 người. Công tác quy hoạch cán bộ là người DTTS trong các cơ quan Nhà nước được cấp uỷ, chính quyền huyện Đăk Hà lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện đúng quy trình, quy định, bảo đảm về số lượng, cơ cấu độ tuổi, cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người DTTS.

Trong những năm qua, một nguồn quan trọng của công tác xây dựng, tạo nguồn cán bộ DTTS tại chỗ của tỉnh Kon Tum là hệ thống trường dân tộc nội trú. Con em các DTTS trong tỉnh được Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương chăm nuôi, ươm mầm. Đặc biệt, các sinh viên, học sinh cử tuyển sau khi tốt nghiệp trở về địa phương được bố trí công tác đúng với chuyên môn được đào tạo. Từ năm 2016 đến nay, có 242 sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp được tỉnh bố trí công tác tại các cơ qua, đơn vị.

Chị Y Chiên (ngoài cùng bên trái) – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk La, huyện Đăk Hà vận động người dân chăm lo phát triển kinh tế
Chị Y Chiên (ngoài cùng bên trái) – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk La, huyện Đăk Hà vận động người dân chăm lo phát triển kinh tế

Chị Y Chiên – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk La, huyện Đăk Hà chia sẻ: Năm 2014, chị tốt nghiệp Đại học hành chính và được bố trí về làm việc tại UBND xã với cương vị là Phó Bí thư Đoàn xã, sau đó được cử đi học Trung cấp lý luận chính trị. Qua quá trình phấn đấu của bản thân, sự dìu dắt của Đảng uỷ, UBND xã và sự tín nhiệm của cử tri, chị được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã từ năm 2012 đến nay.

Hiện nay, tỉnh Kon Tum quan tâm triển khai thực hiện Dự án 5 về phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719).

Ông Đinh Quốc Tuấn – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cho biết: Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 5, Chương trình MTQG 1719 thì tỉnh Kon Tum đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho 104 cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục; tiến hành rà soát, đăng ký đối tượng, chuyên ngành đào tạo sau đại học (trình độ thạc sĩ 09 chỉ tiêu, Tiến sĩ 03 chỉ tiêu).

Hiện tỷ lệ CBCCVC người DTTS tại cơ quan, đơn vị cấp tỉnh chiếm tỷ lệ 8,53%; cấp huyện chiếm tỷ lệ 18,93%; cấp xã chiếm tỷ lệ 67,9%. Tỷ lệ CBCCVC người DTTS giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đạt 8,97%, cấp huyện đạt 14,93%, cấp xã đạt 33,14%. Nhận thức của CBCCVC nói chung và CBCCVC người DTTS nói riêng về tầm quan trọng của chiến lược cán bộ dân tộc trong giai đoạn mới đã được nâng lên, từ đó mỗi CBCCVC đã tự đánh giá năng lực, trình độ của bản thân, phấn đấu học tập, góp phần nâng cao chất lượng cán bộ trong hệ thống chính trị.

Với sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy Đảng, chính quyền, ông A Hùng – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei luôn nỗ lực để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao
Với sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy Đảng, chính quyền, ông A Hùng – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei luôn nỗ lực để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao

Ông A Hùng – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei chia sẻ: Trong quá trình công tác luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện cho đi học đại học, trung cấp lý luận chính trị và tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng công tác. Từ những kiến thức học được, bản thân áp dụng vào thực tiễn quá trình công tác.

Xác định quy hoạch cán bộ là một trong những khâu quan trọng trong công tác cán bộ, tạo điều kiện để kiện toàn tổ chức và đổi mới cán bộ một cách thường xuyên; trong những năm qua, UBND tỉnh Kon Tum đã quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành quy trình quy hoạch, tiêu chuẩn, cơ cấu cán bộ người DTTS theo đúng quy định, trình tự, thủ tục, điều kiện, tiêu chuẩn của cấp có thẩm quyền, bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; bảo đảm được tính kế thừa và liên tục trong đội ngũ cán bộ, không để bị thiếu, bị hụt hẫng cán bộ.

Ông Lê Viết Nam – Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum cho biết: Để nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ CBCCVC người DTTS đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi, thời gian tới, tỉnh Kon Tum tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác phát triển đội ngũ CBCCVC người DTTS trong thời kỳ mới, nhất là công tác tuyển dụng, tạo nguồn cán bộ bảo đảm tỷ lệ hợp lý theo từng giai đoạn; lấy hiệu quả của việc triển khai thực hiện chính sách cán bộ DTTS làm thước đo để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương.

Đội ngũ cán bộ người DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum được bổ nhiệm vào nhiều vị trí quan trọng trong các cơ quan Nhà nước
Đội ngũ cán bộ người DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum được bổ nhiệm vào nhiều vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước

Thời gian tới, tỉnh Kon Tum tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội; xác định tỷ lệ cụ thể dành riêng để tuyển dụng người DTTS khi có kế hoạch tuyển dụng công chức, viên chức; có cơ chế chính sách thích hợp để thu hút, trọng dụng, đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC người DTTS cho phù hợp với từng vùng, từng địa phương. Đồng thời, tạo điều kiện để công chức, viên chức tham gia đào tạo lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ để nắm vững và vận dụng tốt kiến thức đã học vào chức trách, nhiệm vụ được giao ở từng lĩnh vực công tác; tạo điều kiện thuận lợi cho số cán bộ là người DTTS đi đào tạo cơ bản, chính quy, để có đội ngũ cán bộ nguồn vững chắc cho những nhiệm kỳ tiếp theo.