Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Đăk Hà (Kon Tum): Phấn đấu không để tái diễn tình trạng TH&HNCHT trong vùng DTTS

Ngọc Chí - 22:51, 13/08/2024

Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 9 về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT) trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), đến nay trên địa bàn huyện Đăk Hà (Kon Tum) không còn tình trạng TH&HNCHT. Huyện đang tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để không còn tái diễn tình trạng TH&HNCHT trong vùng đồng bào DTTS.

Nhiều thôn, làng trên địa bàn huyện Đăk Hà đưa nội dung TH&HNCHT vào hương ước, quy ước để thực hiện, nếu hộ nào vi phạm sẽ không được xét là gia đình văn hóa
Nhiều thôn, làng trên địa bàn huyện Đăk Hà đưa nội dung TH&HNCHT vào hương ước, quy ước để thực hiện, nếu hộ nào vi phạm sẽ không được xét là gia đình văn hóa

Đa dạng các hình thức tuyên truyền

Mỗi tháng 1 lần, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ngọk Wang, huyện Đăk Hà phối hợp với các thôn tổ chức hoạt động truyền thông các nội dung về bình đẳng giới, TH&HNCHT cho hội viên phụ nữ và người dân trong thôn. Với sự dẫn dắt khéo léo, linh hoạt của các thành viên trong Tổ truyền thông đã giúp cho người dân nắm rõ được những tác hại của việc TH&HNCHT. Từ đó, người dân nhận thức được vấn đề và tuyên truyền, vận động lại chính con em của mình không được TH&HNCHT.

Chị Y Tuyên - Thôn Kon Jơ Ri, xã Ngọk Wang, huyện Đăk Hà chia sẻ: Khi được tham gia các buổi tuyên truyền thì chúng tôi nắm rõ về Luật Hôn nhân và gia đình; những khó khăn khi con em tảo hôn. Chính vì vậy, tôi luôn căn dặn các con phải chăm lo học hành, không yêu sớm. Chỉ được kết hôn khi đủ tuổi theo quy định của pháp luật và tốt hơn hết là khi đã có việc làm ổn định.

Phụ nữ thôn Kon Jơ Ri, xã Ngọk Wang, huyện Đăk Hà tìm hiểu về Luật Hôn nhân và gia đình
Phụ nữ thôn Kon Jơ Ri, xã Ngọk Wang, huyện Đăk Hà tìm hiểu về Luật Hôn nhân và gia đình

Theo chị Phan Thị Hiệp - Chủ tịch Hội LHPN xã Ngọk Wang, huyện Đăk Hà, thông qua công tác tuyên truyền đã giúp chị em phụ nữ thay đổi nếp nghĩ, nhận thức được việc để con em mình TH&HNCHT là vi phạm pháp luật, nhất là chính con em mình sẽ có cuộc sống khó khăn. Từ đó, họ luôn quan tâm và dạy dỗ con em để không diễn ra tình trạng TH&HNCHT.

Từ nguồn kinh phí của Tiểu dự án 2, Dự án 9, thuộc Chương trình MTQG 1719, từ năm 2022 đến nay, các cơ quan, đơn vị của huyện Đăk Hà đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức 07 lớp truyền thông, tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình và các văn bản liên quan đến toàn thể Nhân dân trên địa bàn huyện nói chung và người dân vùng đồng bào DTTS nói riêng, thu hút 544 lượt người tham gia; tổ chức 02 “Phiên tòa giả định” xét xử vi phạm pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại xã Ngọk Réo và tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện, đã thu hút được gần 700 người tham dự; xây dựng và lắp đặt 03 panô, 02 băng rôn, 1.100 tờ rơi và 01 USB tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tổ chức 21 buổi xe loa cổ động tuyên truyền trên địa bàn huyện… Đồng thời, các thôn, làng đã có những cách tuyên truyền, vận động phù hợp để người dân nâng cao nhận thức về TH&HNCHT.

Ông A Phan – Thôn trưởng thôn Đăk Klong, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà chia sẻ: Hằng tuần khi họp thôn, chúng tôi truyên truyền cho bà con không được để con em mình tảo hôn, bởi để con em tảo hôn là cuộc sống của các con sẽ rất khó khăn và khi đó bố mẹ sẽ thêm gánh nặng. Đồng thời, thôn cũng đưa vào hương ước, quy ước để thực hiện, nếu hộ nào vi phạm sẽ không được xét là gia đình văn hóa.

Không để tái diễn tình trạng TH&HNCHT

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện, nhất là đội ngũ Báo cáo viên pháp luật cấp huyện; đội ngũ Tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở; Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở; già làng, Người uy tín đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao sự hiểu biết của người dân, nhất là đồng bào DTTS về Luật Hôn nhân và gia đình, những tác hại của TH&HNCHT, góp phần làm giảm rõ rệt tình trạng TH&HNCHT trên địa bàn huyện, nâng cao chất lượng dân số và đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào DTTS. Kết quả, từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện không phát hiện trường hợp TH&HNCHT.

Các hội, đoàn thể ở các thôn, làng trên địa bàn huyện Đăk Hà thường xuyên đến từng nhà tuyên truyền nhằm hạn chế tình trạng TH&HNCHT
Các hội, đoàn thể ở các thôn, làng trên địa bàn huyện Đăk Hà thường xuyên đến từng nhà tuyên truyền nhằm hạn chế tình trạng TH&HNCHT

Bà Y Nông – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà cho biết: Toàn xã có 9 thôn, trong đó có 6 thôn đồng bào DTTS. Ngoài việc các thôn, làng tổ chức tuyên truyền thường xuyên thì xã đã thành lập Tổ tuyên truyền, giáo dục pháp luật và hằng tháng xuống các thôn làm công tác tuyên truyền, vận động. Nhờ vậy, 3 năm trở lại đây trên địa bàn xã không còn tình trạng TH&HNCHT.

Chị Y Duyên – Thôn Đăk Klong, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà chia sẻ: Gia đình có 4 con, xã, thôn thường xuyên truyên truyền, vận động thì tôi nắm rõ tác hại của TH&HNCHT. Riêng gia đình luôn giáo dục con em và kiên quyết không để con mình tảo hôn. Bởi khi tảo hôn cuộc sống của các con sẽ rất khổ, phải chăm lo cho các con ăn học đến nơi, đến chốn.

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 9, thuộc Chương trình MTQG 1719 tình trạng TH&HNCHT trên địa bàn huyện Đăk Hà cơ bản được đẩy lùi. Tuy nhiên, nguy cơ tái diễn vẫn đang hiện hữa và huyện cũng xác định được những nguyên nhân. Đó là, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền ở cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm, đa số không có chuyên môn về lĩnh vực hôn nhân và gia đình; nhận thức của người dân, nhất là thanh thiếu niên nắm về Luật Hôn nhân và gia đình, sức khỏe sinh sản còn hạn chế... Từ những nguyên nhân đó, huyện Đăk Hà đã đề ra nhiều giải pháp để triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Huyện Đăk Hà tổ chức Hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về hôn nhân, TH&HNCHT nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng trong việc phòng, chống TH&HNCHT
Huyện Đăk Hà tổ chức Hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về hôn nhân, TH&HNCHT nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng trong việc phòng, chống TH&HNCHT

Bà Bùi Thị Hoàng Oanh – Trưởng phòng Dân tộc huyện Đăk Hà cho biết: Trong thời gian tới, huyện tiếp tục phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong tham gia tuyên truyền, vận động Nhân dân trên địa bàn huyện nói chung và Nhân dân trong vùng đồng bào DTTS nói riêng chấp hành tốt Luật Hôn nhân và gia đình, xóa bỏ tình trạng TH&HNCHT. Tiếp tục mở lớp bồi dưỡng, tập huấn, nhằm nâng cao chất lượng công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật; đội ngũ Già làng, Người có uy tín, chức sắc, chức việc trong đồng bào DTTS. Kịp thời xử lý nghiên các trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, nhằm giáo dục, răn đe đối với những trường hợp vi phạm để làm gương cho cộng đồng.

Với nhiều giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tin rằng huyện Đăk Hà sẽ không còn tái diễn tình trạng TH&HNCHT trong vùng đồng bào DTTS. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dân số, nguồn nhân lực và đời sống trong vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa.

Tin cùng chuyên mục
Thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) hoàn thành 79 căn nhà theo Chương trình MTQG 1719

Thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) hoàn thành 79 căn nhà theo Chương trình MTQG 1719

Năm 2024 là năm đánh dấu mốc quan trọng trong hành trình xóa nhà dột nát, nhà tạm tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái giai đoạn 2023 - 2025, khi thị xã đã nỗ lực quyết tâm và đã hoàn thành 100% kế hoạch của cả giai đoạn. Qua đó, giúp người nghèo, người yếu thế có thêm điểm tựa vươn lên trong cuộc sống.