Xã Đăk Tăng có 6 thôn, hơn 98% dân số là đồng bào Xơ Đăng. Từ năm 2021 đến nay, người dân trên địa bàn xã đã hứng chịu hàng trăm trận động đất. Ban đầu chỉ là những trận động đất nhỏ nhưng sau đó tần suất và cường độ ngày một tăng. Có hôm xảy ra hơn chục trận động đất với độ rung lắc lớn, nhỏ khác nhau.
Chị Y Thành, thôn Vi Xây, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông chia sẻ: Trước đây không có động đất, từ năm 2021 đến nay động đất xảy ra liên tục, bản thân rất lo lắng, kể cả khi đi ngủ, đi làm cũng lo. Nhiều hôm đang ngủ thì động đất, nhà rung lên, cảm nhận như mặt đất chao đảo.
Tâm chấn của những trận động đất chủ yếu nằm ở các xã Đăk Tăng, Đăk Ring, Đăk Nên, Ngọc Tem, huyện Kon Plông, nơi đây chủ yếu là đồng bào DTTS sinh sống và có hồ chứa của thủy điện Thượng Kon Tum. Những trận động đất xảy ra liên tiếp chưa gây thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng, nhưng cũng đã gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến tâm lý lo lắng đối với người dân và có nguy cơ ảnh hưởng an toàn hồ đập. Theo người dân cho biết, trận động đất lớn nhất khiến mọi người hoảng sợ có độ lớn 4,7 xảy ra ngày 23/8/2022. Lúc đầu, có nhiều tiếng nổ lớn, sau đó mặt đất rung chuyển.
Chị Y Điện, thôn Vi Ring, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông cho biết: Lúc đó cảm giác rất là sợ, đêm cũng không dám ngủ sâu, mỗi lần động đất thì không ngủ được nữa. Ban ngày cũng thế, đi đâu cũng sợ động đất.
Để giúp người dân ổn định tâm lý, yên tâm phát triển kinh tế - xã hội, các cấp chính quyền huyện Kon Plông thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân phương án ứng phó và cấp phát tài liệu hướng dẫn cách ứng phó với động đất cho từng hộ gia đình. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao các kỹ năng về phòng chống thiên tai cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai của xã và huyện.
Chị Y Tiến, thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông chia sẻ: Từ khi có chính quyền tuyên truyền, vận động và hướng dẫn cách ứng phó thì người dân cũng thấy đỡ sợ động đất hơn. Chứ trước đây thì hoang mang và lo lắng lắm.
Ông Nguyễn Văn Bay – Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông cho biết: Trong những năm qua trên địa bàn xã thường xuyên xảy ra động đất, người dân cũng lo lắng, bất an. Được sự quan tâm của tỉnh, huyện thì xã cũng đã thành lập Ban chỉ đạo, các tổ công tác tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân và tổ chức các buổi tập huấn, cấp phát tờ rơi, diễn tập ứng phó với động đất. Qua đó, bà con cũng hiểu và an tâm phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Viện Vật lý địa cầu, qua quan trắc, nguyên nhân của hiện tượng động đất liên quan đến động đất kích thích do hồ chứa. Việc phát sinh động đất kích thích hồ chứa phụ thuộc vào hoạt động địa chất kiến tạo, thể tích hồ chứa, độ cao, tốc độ và tần suất tích nước. Cấp độ của các trận động đất này không gây rủi ro thiên tai. Theo dự báo, động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, nhưng khó có khả năng có độ lớn hơn 5,5. Cần triển khai ngay các nghiên cứu chi tiết hơn để đánh giá hoạt động động đất ở khu vực này.
Ông Phạm Thanh Bình – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện Kon Plông cho biết: Huyện cũng có đề xuất Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Viện vật lý địa cầu cử một đoàn công tác của Trung ương xuống rà soát, đánh giá các khu vực ảnh hưởng của động đất. Đồng thời, làm việc các dự án thủy điện và lắp đặt các trạm quan trắc để đảm bảo công tác đưa tin, truyền tin, cảnh báo cho người dân và huyện kịp thời ứng phó. Rà soát tất cả các công trình thủy lợi, nhà ở, các công trình công cộng, đường giao thông, các dự án thủy điện để đánh giá mức độ và độ kháng chấn với ảnh hưởng của động đất. Báo cáo đề xuất với Ban chỉ đạo quốc gia có giải pháp cụ thể và tìm ra nguyên nhân sâu xa của động đất.