Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Kông Chro - Điểm sáng trong bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc

Ngọc Thu - 09:10, 16/11/2022

Những năm qua, cùng với sự đầu tư của Đảng, Nhà nước và nỗ lực của địa phương, huyện Kông Chro (Gia Lai) đã có sự phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, việc chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số là một điển hình.

Các nghệ nhân tham gia trình diễn cồng chiêng, diễu hành đường phố tại Liên hoan không gian văn hóa cồng chiêng huyện Kông Chro năm 2022.
Các nghệ nhân tham gia trình diễn cồng chiêng, diễu hành đường phố tại Liên hoan không gian văn hóa cồng chiêng huyện Kông Chro năm 2022.

Nhiều nét văn hoá đặc trưng được bảo tồn

Kông Chro là huyện vùng sâu, vùng xa có 13 DTTS sinh sống, trong đó, dân tộc Ba Na chiếm tỷ lệ trên 63% và còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng. Nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, huyện Kông Chro đã chỉ đạo các ngành, các cấp phối hợp triển khai thực hiện nhiều đề án về bảo tồn, phát triển văn hoá các DTTS như: Kiểm kê di sản văn hóa; Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng; Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn; Bảo tồn lễ hội truyền thống các DTTS; khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng, sưu tầm, phục dựng các lễ hội truyền thống, sử thi,… của đồng bào các DTTS tại địa phương.

Toàn huyện có 5 nghệ nhân đã được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, có nhiều cống hiến trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể. Năm 2022, huyện đã lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú cho 3 nghệ nhân.

Nghệ sĩ ưu tú Đinh Thị Drinh (tổ dân phố Plei Nghe, thị trấn Kông Chro) đang truyền dạy nghề dệt thổ cẩm co lớp trẻ
Nghệ nhân ưu tú Đinh Thị Drinh (tổ dân phố Plei Nghe, thị trấn Kông Chro) bảo tồn bản sắc văn hoá thông qua việc truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho lớp trẻ

Nghệ nhân ưu tú Đinh Thị Drinh (53 tuổi, tổ dân phố Plei Nghe, thị trấn Kông Chro) được công nhận là có bàn tay khéo léo, sáng tạo hoa văn tinh tế để làm nên "sức sống" cho thổ cẩm Ba Na; đồng thời bà Drinh còn là người truyền lửa đam mê thổ cẩm cho thế hệ trẻ người Ba Na.

“Từ hồi còn nhỏ, mình đã bị thổ cẩm cuốn hút nên mình hay theo mẹ đi vào rừng tìm các nguyên liệu để làm thổ cẩm. Những lúc rảnh rỗi, mình thường truyền dạy cho lớp trẻ biết dệt và đam mê nghề dệt truyền thống. Giờ được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú đó là phần thưởng, động lực lớn để mình và bà con trong làng cùng nhau giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống",  Nghệ nhân ưu tú Đinh Thị Drinh nói.

Bên cạnh đó, tại Kông Chro còn có hơn 102 Nhà rông truyền thống, 100% làng đồng bào DTTS đều có nhà rông với những nét kiến trúc cơ bản, truyền thống. Các thế hệ có sự tiếp nối truyền thống văn hoá, góp phần làm rạng rỡ bản sắc văn hoá của các dân tộc huyện. Thông qua việc tuyên truyền của các cấp các ngành tại cơ sở, người dân trong làng ngày càng ý thức hơn về việc giữ gìn vốn văn hoá truyền thống của dân tộc mình.

Gỡ khó công tác bảo tồn văn hoá truyền thống

Công tác bảo tồn văn hoá truyền thống của đồng bào DTTS ở Kông Chro cũng còn nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết như: Hiện nay trình độ dân trí của các DTTS tại chỗ còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn  cao so với tổng số hộ nghèo trên địa bàn... Sự chi phối của nền kinh tế thị trường trong việc tổ chức các sự kiện, các lễ hội văn hóa truyền thống ngày càng bị thương mại hóa, thiếu vắng sự sáng tạo văn hóa của các tầng lớp Nhân dân, các tác phẩm văn hóa, văn học truyền thống ngày càng mai một.

Các em nhỏ ở làng Tnùng 1 (xã Ya Ma, huyện Koong Chro) háo hức luyện tập đánh cồng chiêng
Các em nhỏ ở làng Tnùng 1 (xã Ya Ma, huyện Koong Chro) háo hức luyện tập đánh cồng chiêng

Lực lượng nghệ nhân dân gian ngày càng thiếu vắng, các giá trị nghệ thuật không được ghi chép, truyền dạy cho thế hệ sau. Hoạt động thiết chế văn hóa vùng đồng bào DTTS còn hạn chế; cơ sở vật chất, sản phẩm, phương tiện văn hóa phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người còn thiếu và lạc hậu... đã ảnh hưởng lớn đến việc bảo tồn văn hóa dân tộc trên địa bàn, nhất là các giá trị văn hóa tinh thần mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Ông Đinh Văn Súy, Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro, cho biết: Hiện nay, ngành Văn hóa thông tin và các xã, thị trấn cũng đã rà soát, tổng hợp và đăng ký đưa vào triển khai thực hiện theo Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. 

Đặc biệt, tranh thủ nguồn hỗ trợ đầu tư từ dự án, huyện sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa, phát triển các đội cồng chiêng thanh thiếu niên tại các thôn, làng, qua đó tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao bổ trợ cho hoạt động du lịch; đầu tư, nâng cấp các thiết chế văn hóa, các làng nghề truyền thống; hỗ trợ đời sống cho các nghệ nhân để họ yên tâm và có điều kiện truyền dạy những kiến thức cho thế hệ trẻ.

 Bên cạnh đó huyện cũng sẽ chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng, tuyển dụng cán bộ có năng lực để thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, cũng cần sự chung tay của các tầng lớp Nhân dân trong việc phát huy hiệu quả các sản phẩm văn hóa truyền thống có sẵn trong đồng bào DTTS

Tin cùng chuyên mục
Trải nghiệm hành trình “Theo dấu chân Người”

Trải nghiệm hành trình “Theo dấu chân Người”

“Theo dấu chân Người” là chủ đề của chuỗi các hoạt động tháng 5/2024, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Trong đó, có nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức như “Bài ca dâng Bác”, “Tây Nguyên với Bác Hồ - Bác Hồ với Tây Nguyên”, tái hiện lễ mừng chiến thắng của dân tộc Gia Rai, tỉnh Gia Lai…