Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Kret Krot hôm nay

Thùy Dung - 14:46, 29/10/2019

Hơn 10 năm trước, đạo Hà Mòn quét qua làng Kret Krot, xã Hà Ra, huyện Mang Yang (Gia Lai) gây ra biết bao chuyện buồn. Nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ, khéo léo của cả hệ thống chính trị, của già làng, Người có uy tín… dân làng Kret Krot đã trở về cuộc sống bình yên, chăm lo lao động sản xuất.

Anh Wung đang trò chuyện với Trưởng thôn Sum về công việc làm ăn, phát triển kinh tế.
Anh Wung đang trò chuyện với Trưởng thôn Sum về công việc làm ăn, phát triển kinh tế.

Bước ra khỏi bóng tối tà đạo 

Ông Yung, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Ra kiêm Bí thư Chi bộ làng Kret Krot, cho biết: Năm 2006, đạo Hà Mòn xâm nhập vào các làng của xã Hà Ra. Ở làng Kret Krot, người dân thường gọi đạo này là “Mẹ Bluk” . Hơn 80% người dân trong làng tin rằng theo đạo Hà Mòn sẽ được Đức Mẹ che chở, ốm đau tự khỏi, không làm vẫn có ăn, nợ nần không phải trả. 

Từ khi đạo Hà Mòn xâm nhập, cuộc sống của người dân làng Kret Krot bị đảo lộn. Người dân bỏ bê ruộng đồng để ở nhà đọc kinh. Nhiều người cuồng tín còn bỏ nhà lên núi cầu nguyện. Trẻ con không được đi học chữ, ốm đau thì cầu cúng thay vì đến bệnh viện, tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự tại làng trở nên phức tạp. 

Nhằm ngăn chặn đạo Hà Mòn, cả hệ thống chính trị vận động lão thành cách mạng, già làng, Người có uy tín tuyên truyền người dân hiểu rõ đạo Hà Mòn, nâng cao nhận thức, ổn định tư tưởng. Đồng thời, triển khai nhiều dự án, chương trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, giúp bà con làm ăn hiệu quả để cải thiện đời sống. 

Ông Huch, già làng Kret Krot, cho biết: “Nhờ chính quyền tuyên truyền, phân tích, dân làng mới biết bản chất của đạo Hà Mòn mà từ bỏ, về chăm chỉ làm ăn. Nhà nước cũng làm đường nhựa để thuận tiện cho việc đi lại, đưa điện để dùng, trẻ con được đến trường. Đến bây giờ, bà con chỉ chăm lo làm ăn thôi. Nhờ vậy mà có tiền để lo cho gia đình hơn” .

Kret Krot hôm nay 

Anh Wung từng tin theo lời kẻ xấu xúi giục bỏ vợ con ở nhà lên núi đọc kinh, bỏ bê ruộng đồng, con cái. Khi giác ngộ trở về địa phương, anh chăm chỉ làm ăn lo cho gia đình. Với 6 sào lúa, 2ha cà phê, nhờ chăm chỉ làm ăn, anh đã có tiền để nuôi 10 đứa con đủ ăn, đủ mặc và trở thành tấm gương sáng phát triển kinh tế của làng. 

“Thời điểm ấy, hai vợ chồng mình đều tin theo đạo Hà Mòn. Mình và một số người nữa quyết lên núi đọc kinh, còn vợ thì ở nhà. Nhờ chính quyền đến tuyên truyền, nói cho mình hiểu bản chất của đạo này, mình mới nhận ra sai lầm, xuống núi để làm ruộng vườn, chăm lo cho con cái. Giờ đây mình chỉ nghe lời Đảng và Nhà nước thôi” , anh Wung chia sẻ. 

Cũng là một trong những nạn nhân của đạo Hà Mòn, chị Men (28 tuổi) năm ấy vừa hơn 20 tuổi, vốn ít học, thiếu hiểu biết vì những lời ngon ngọt của kẻ xấu chị cũng ở nhà đọc kinh mà bỏ bê việc làm ruộng, chăm con. Mãi đến năm 2017 chị mới tỉnh “giấc mộng” , từ bỏ đạo Hà Mòn quay trở về làm ăn phát triển kinh tế. Tuy cuộc sống chưa phải là đầy đủ, nhưng gia đình chị cũng đã không còn đói nghèo như trước. 

Ông Sum, Trưởng thôn làng Kret Krot, cho biết: Làng hiện có 157 hộ, 890 khẩu, hầu hết là người Ba Na. Nhiều năm qua, nhờ sự tuyên truyền, vận động của chính quyền mà người dân đã biết bỏ đạo Hà Mòn để về làm ăn, cho con đi học. Cuộc sống nơi đây tuy còn nhiều khó khăn, nhưng đã khởi sắc rất nhiều. Kinh tế phát triển nên đời sống văn hóa của người dân cũng được nâng cao. Người dân vẫn giữ được 2 bộ cồng chiêng để phục vụ cho những ngày lễ hội để bảo tồn bản sắc dân tộc.