Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Kỳ Sơn (Nghệ An): Khổ vì dự án thủy điện “treo”

MINH THỨ - 22:45, 03/10/2019

Dự án Thủy điện Mỹ Lý và Thủy điện Nậm Mô 1 thuộc địa bàn huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2007. Công trình do Công ty Cổ phần Thủy điện Mỹ Lý-Nậm Mô làm chủ đầu tư. Thế nhưng đã 10 năm qua, chủ đầu tư không triển khai xây dựng. Điều này đã khiến cho hàng trăm hộ dân thuộc 5 xã chịu ảnh hưởng nặng nề, đi không được, ở không yên.

Những hộ dân ở bản Xốp Dương, xã Mỹ Lý nằm trong quy hoạch dự án thủy điện mòn mỏi chờ tái định cư hơn 10 năm nay.
Những hộ dân ở bản Xốp Dương, xã Mỹ Lý nằm trong quy hoạch dự án thủy điện mòn mỏi chờ tái định cư hơn 10 năm nay.

Dân đi không được,ở không yên

Ông Kha Văn Long ở bản Xốp Dương, xã Mỹ Lý bức xúc: “Chưa thấy nhà máy thủy điện ở mô, chỉ thấy cuộc sống gia đình và bản làng khó khăn rồi. Từ khi người dân được thông báo không được xây dựng các công trình kiên cố và chuẩn bị tinh thần di dời nhường đất cho Nhà máy thì chúng tôi cứ sống trong thấp thỏm”.

Không chỉ không được xây dựng công trình nhà ở, mà công trình trường học hay nước sinh hoạt cũng phải dừng nâng cấp sửa chữa. Theo ông Long, lương thực thực phẩm, nước sinh hoạt ở đây thiếu trầm trọng. Vào mùa nắng nóng, người dân phải vượt nhiều cây số đường rừng để đi tìm nguồn nước về để nấu ăn. Còn việc tắm giặt, người dân đành phải xuống dòng Nậm Nơn với bao nguy hiểm…

Không chỉ cuộc sống Nhân dân bản Xốp Dương bị đảo lộn, mà hơn 60 hộ dân người Thái ở bản Chàng Nga cũng chung cảnh ngộ. Không có điện, không có sóng điện thoại, không đường bê tông, không trạm y tế… trường học chỉ là những căn nhà tạm, tồi tàn.

Ông Lô Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý cho biết: Sau khi tiếp nhận thông báo của lãnh đạo huyện, phải dừng xây dựng các công trình kiên cố trên một số bản chịu ảnh hưởng, đa phần người dân đều ủng hộ. Thế nhưng sau nhiều năm chờ đợi, bà con không dám đầu tư sản xuất, đất thì bỏ hoang, nhà cửa cũng không được xây dựng mới, nước sinh hoạt thì thường xuyên thiếu, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nên hiện người dân hết sức bức xúc.

Cần bảo đảm cuộc sống cho dân

Nhà máy thủy điện Mỹ Lý và Nậm Mô 1 là 2 dự án lớn. Theo quy hoạch, dự án nằm ở thượng nguồn sông Cả thuộc xã Mỹ Lý và Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn. Thủy điện Mỹ Lý có tổng vốn đầu tư 7.669,7 tỷ đồng, công suất lắp máy 250MW, sản lượng điện bình quân hằng năm 914,2 triệu kWh.

Dự án Thủy điện Nậm Mô 1 có công suất lắp máy là 90MW, sản lượng điện bình quân hằng năm 326,8kWh, tổng vốn đầu tư 2.745,3 tỷ đồng. Theo kế hoạch, các dự án này sẽ phát điện thương mại lên điện lưới điện quốc gia vào năm 2020. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa hạng mục nào được triển khai.

Ông Nguyễn Thanh Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Năm 2007, huyện nhận được văn bản của UBND tỉnh đề nghị dừng đầu tư, xây dựng kiên cố ở hàng loạt bản thuộc 5 xã Mỹ Lý, Keng Đu, Tà Cà, Mường Ải và Mường Típ để xây dựng Thủy điện Mỹ Lý và Thủy điện Nậm Mô 1.

Từ đó đến nay, việc đầu tư hạ tầng vào các bản này đành phải dừng lại, trong khi những nhà máy thủy điện này vẫn chưa thấy xây dựng. Cuộc sống của hơn 600 hộ dân ở đây rất khốn khổ. Chúng tôi cũng nhiều lần đề nghị hủy các dự án này nhưng không được chấp thuận.

Trong nhiều lần tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, người dân và các đại biểu cũng bức xúc về tình trạng dự án thủy điện “treo”. Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cũng đề nghị, huyện Kỳ Sơn kiên quyết gửi văn bản tới các cơ quan có trách nhiệm để trình bày, sớm dừng 2 dự án thủy điện này để bảo đảm cuộc sống ổn định cho người dân.

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.