Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Kỳ Sơn (Nghệ An): Xin điều chỉnh nội dung thực hiện nguồn vốn sự nghiệp nhiều dự án thuộc Chương trình MTQG 1719

Thanh Hải - 16:09, 12/10/2023

Sau khi rà soát tiến độ thực hiện các công trình, và kế hoạch các nguồn vốn đầu tư phát triển cũng như vốn sự nghiệp trong 2 năm 2022 và 2023, UBND huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã xin điều chỉnh tăng, giảm nguồn vốn thực hiện nhiều dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719). Đáng chú ý, đã có nhiều tiểu dự án, dự án thực hiện nguồn vốn sự nghiệp có kế hoạch thực hiện trong năm 2022 và 2023 được đề xuất điều chuyển sang năm kế tiếp để triển khai.

Mới đây, UBND huyện Kỳ Sơn đã có tờ trình về việc điều chỉnh nguồn vốn cho các dự án nội huyện, đối với các dự án đầu tư phát triển và cho phép kéo dài đối với các dự án vốn sự nghiệp thuộc Chương trình MTQG 1719 để đảm bảo công tác giải ngân theo quy định.

Theo đó, huyện Kỳ Sơn đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn Dự án 2 và tiểu dự án 1, Dự án 4, với tổng mức đầu tư 16,13 tỷ đồng vào năm 2023. Trong đó, điều chỉnh giảm Dự án 2 là 12,83 tỷ đồng và tiểu dự án 1, Dự án 4 là 3,3 tỷ đồng.

Điều chỉnh tăng, bổ sung kế hoạch vốn đối với Dự án 1, Dự án 4 (tiểu dự án 1), Dự án 5 (tiểu dự án 1), Dự án 6..., với tổng mức 16,13 tỷ đồng vào năm 2023. Trong đó, điều chỉnh tăng Dự án 1 là 1,95 tỷ đồng; điều chỉnh tăng tiểu dự án 1, Dự án 4 là 6,45 tỷ đồng; điều chỉnh tăng tiểu dự án 1, Dự án 5 là 6,807 tỷ đồng và điều chỉnh tăng Dự án 6, là 923 triệu đồng.

Người dân Kỳ Sơn bên công trình nước sinh hoạt phân tán vừa được đầu tư
Nhiều hộ dân huyện Kỳ Sơn đã được hỗ trợ công trình nước sinh hoạt phân tán

Để đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án, UBND huyện Kỳ Sơn cũng xin điều chỉnh nội dung thực hiện chương trình MTQG 1719 nguồn vốn sự nghiệp năm 2022 và năm 2023 kéo dài sang năm 2024, như: mục “hỗ trợ học nghề” thuộc nội dung 3 “hỗ trợ chuyển đổi nghề và nước sinh hoạt phân tán” của Dự án 1; tiểu dự án 1 “phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân” của Dự án 3; tiểu dự án 2 “hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị vung trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi” của Dự án 3; tiểu dự án 1 “Đầu tư phát triển KT - XH nhóm DTTS rất ít người, nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù” của Dự án 9; tiểu dự án 2 “giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi” của Dự án 9; tiểu dự án 2 “ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển KT-XH và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS và miền núi”...

Các dự án 5, 6, 7, 8 đã được đề nghị kéo dài sang thực hiện năm 2024 - Trong ảnh: kiểm tra mô hình trồng đào ở xã Tây Sơn huyện Kỳ Sơn
Các dự án 5, 6, 7, 8 đã được đề nghị kéo dài sang thực hiện năm 2024 - Trong ảnh: Đoàn công tác của tỉnh và huyện kiểm tra mô hình trồng đào ở xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn

Qua tìm hiểu, được biết, có những dự án, tiểu dự án xin điều chỉnh năm thực hiện, là do thiếu hướng dẫn cụ thể để triển khai. Chẳng hạn, với nội dung hỗ trợ "chuyển đổi nghề" theo nội dung 3 "hỗ trợ chuyển đổi nghề và nước sinh hoạt phân tán" của Dự án 1, hiện nay đang thiếu quy định về định mức hỗ trợ đất sản xuất nên chưa thực hiện. Về vướng mắc này, ngày 7/8/2023, Ban Dân tộc tỉnh đã có tờ trình số 610, gửi Chủ tịch UBND tỉnh về việc ban hành quyết định quy định định mức đất ở, định mức bình quân đất sản xuất. 

Tiểu dự án 2, dự án 3 về phát triển dược liệu cũng được điều chỉnh sang thực hiện năm 2024 - Trong ảnh: mô hình vườn ươm dược liệu tại xã Mường Lống huyện Kỳ Sơn
Tiểu dự án 2, Dự án 3 về phát triển dược liệu cũng được điều chỉnh sang thực hiện năm 2024 - Trong ảnh: Mô hình vườn ươm dược liệu tại xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn

Từ những căn cứ theo quy định của chính phủ, các bộ, ngành, Ban Dân tộc tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh ban hành quy định về định mức bình quân đất sản xuất, thì đất nông nghiệp là 0,3ha/hộ, đất rừng sản xuất 2,5ha/hộ; còn hộ thiếu đất sản xuất là hộ có tổng diện tích đất sản xuất nhỏ hơn 50% tổng diện tích của 1 hoặc 2 loại đất trên cộng lại. Thành ra, UBND huyện Kỳ Sơn chưa có cơ sở thực hiện.

Đối với mục “hỗ trợ học nghề” thuộc nội dung 3 “hỗ trợ chuyển đổi nghề và nước sinh hoạt phân tán” của dự án 1 đề nghị kéo dài sang thực hiện năm 2024 sau khi có quy định về định mức hỗ trợ đất sản xuất
Đối với mục “hỗ trợ học nghề” thuộc nội dung 3 “hỗ trợ chuyển đổi nghề và nước sinh hoạt phân tán” của Dự án 1 đề nghị kéo dài sang thực hiện năm 2024 sau khi có quy định về định mức hỗ trợ đất sản xuất

Hay như tiểu dự án 1 "đầu tư phát triển kinh tế xã hội nhóm DTTS rất ít người, nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù" theo Dự án 9, thì cũng chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện nên huyện Kỳ Sơn buộc phải đề nghị điều chỉnh sang năm 2024.  Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cũng đã kiến nghị sớm ban hành hướng dẫn nội dung hỗ trợ đối với nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn để triển khai tiểu dự án 1, Dự án 9. Đồng thời, phê duyệt các thôn (không đặc biệt khó khăn) thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 của các xã không thuộc khu vực I, II, III, để có cơ sở thực hiện Chương trình MTQG 1719 cũng như xây dựng, hoạch định các chính sách của địa phương, nhằm phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Ban quản lý các dự án huyện Kỳ Sơn cho biết: Huyện không trả vốn, mà nguồn vốn đầu tư được cấp bao nhiêu thì huyện giải ngân hết chừng ấy. Hơn nữa, chỉ là điều chỉnh từ dự án này qua dự án khác để thực hiện cho phù hợp thực tế tình hình.