Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn của nhà nông

Kỹ thuật nuôi nghêu thương phẩm cho năng suất cao

Như Ý - 11:05, 31/05/2022

Bên cạnh tôm, cá tra, cá rô phi thì nghêu được xem là loại thủy sản chủ lực của Việt Nam. Hiện nay, thị trường trên thế giới đặc biệt yêu thích việc tiêu thụ nghêu, nhất là ở khu vực EU. Nắm bắt được xu hướng đó, ngày càng có rất nhiều hộ gia đình đã quan tâm, đầu tư vào việc nuôi nghêu giống. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm vững những kỹ thuật nuôi nghêu để có được vụ nuôi bội thu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thời vụ 

Có thể thả nuôi quanh năm, nhưng tập trung chủ yếu từ tháng 4 - 6 hoặc tháng 9 - 10 dương lịch hàng năm.

Chọn giống

Nghêu giống kích cỡ đồng đều, màu sắc tươi sáng, rõ nguồn gốc xuất xứ, không bị nhiễm bệnh, có mùi tanh tự nhiên.

Chuẩn bị bãi nuôi

Bãi nuôi nghêu thường là bãi triều, các eo vịnh có sóng nhỏ, nơi có nguồn nước ngọt nhất định chảy vào. Đáy là cát bùn, độ mặn từ 15-25‰, thời gian phơi bãi không quá 4-5 giờ/ngày.

Cải tạo bãi: Vệ sinh, thu gom đá sỏi, rác… Khi triều xuống cần cày xới mặt bãi sâu khoảng 5-10cm, san phẳng mặt bãi để ngao giống dễ dàng chui xuống, tránh bị nước triều cuốn đi.

Tạo luống: Luống có cùng hướng với dòng chảy của thủy triều khi lên, xuống. Mỗi luống rộng 1,5m, giữa hai luống có lối đi để tránh dẫm lên bãi sau khi thả giống. Những vùng nuôi ngao có thời gian phơi bãi trên 5 giờ/ngày cần có biện pháp giữ nước, tạo độ ẩm cho bãi nuôi.

Quây lưới quanh bãi: Dùng lưới có cỡ mắt lưới 2a = 1cm, cao 80cm. Dùng cọc tre, gỗ để giăng lưới. Lưới vùi sâu xuống mặt bãi khoảng 30cm, cao so với mặt bãi từ 60-70cm.

Kỹ thuật nuôi và chăm sóc nghêu

Tuỳ theo điều kiện bãi nuôi, khả năng đầu tư, trình độ thâm canh để lựa chọn cỡ giống và mật độ nuôi phù hợp.

Đối với bãi triều ít chịu ảnh hưởng của sóng gió (bãi êm), cỡ giống thả 1.000 - 2.000 con/kg, mật độ 400 - 500 con/m2.

Đối với bãi triều sóng gió nhẹ, cỡ giống thả 800 - 1.000 con/kg, mật độ 300 - 400 con/m2.

Đối với bãi triều sóng gió lớn, cỡ giống thả 200 - 500 con/kg, mật độ 200 - 250 con/m2.

Nghêu giống sau khi vận chuyển từ nơi khác về để vào nơi râm mát để cân bằng nhiệt độ trước khi thả xuống bãi nuôi. Không thả giống khi trời đang mưa. Không nên để ngao trong bao qua đêm, nếu gặp mưa, sau khi thả ngao sẽ hao hụt lớn.

Thời gian thả giống vào sáng sớm hoặc chiều mát, bằng cách dùng thuyền chở nghêu giống rắc đều lên mặt bãi, cắm tiêu tránh thả chồng lên nhau, tốt nhất thả giống trước khi triều lên ngập bãi.

Ở các bãi cồn, mỗi hộ dựng một chòi canh trên mặt biển, diện tích 8-10m2 thường xuyên có 1-2 người gác, lúc triều lên có 3-4 lao động thu con nghêu giống bị sóng và thuỷ triều đưa vào bờ đem thả lại chỗ nước sâu. Việc này tiến hành vào 3-4 tháng đầu sau khi thả giống cho đến khi nghêu đạt 20mm.

Thường xuyên kiểm tra rào chắn nhất là chân rào để nghêu không bị đẩy ra ngoài vuông nuôi. Nếu nghêu tập trung lại một góc hay một phía rào nào đó thì phải bắt chúng trở lại góc đối diện.

Thu bắt các con ốc mỡ trơn, ốc mỡ hoa vì chúng di động tìm mồi bắt ăn những con nghêu nhỏ.

Thu hoạch

Cỡ thu tốt nhất, chiều cao vỏ 36-37mm, tương đương 50con/kg. Cỡ trên 50mm vỏ rất dày và nặng. Mùa thu có chất lượng cao là vào tháng 4 đến tháng 7.

Cần thu nghêu thịt vào lúc triều rút, lúc này chúng đã ăn no; chỉ giữ lại nước nên thịt nghêu rất sạch; ngược lại thu lúc triều lên thường chúng ngậm cát giảm chất lượng khi chế biến.

Các sản phẩm thu cần đóng bao ngay (mỗi bao 30-40kg) giữ ở nơi râm mát; tránh nắng mưa; nếu bảo quản tốt nghêu sống được 40-48 giờ.

Loại bỏ con nghêu mở vỏ, có mùi ươn thối bốc ra. Số nghêu còn lại rải ra nền đáy cát gần bãi biển hay cửa sông có nồng độ muối 20-30‰ để kéo dài sự sống của chúng.

Lưu ý:

Không được sử dụng những con nghêu có dấu hiệu ươn để làm giống. Điều này có thể gây thiệt hại nặng nề cho vụ nuôi (vì nghêu chết sẽ làm ảnh hưởng đến các khu vực còn lại).

Tăng cường quản lý, mật độ thả nuôi hợp lý; khống chế thời gian nuôi và khai thác. Nếu phát hiện nghêu “nổi đầu” và nghêu chết thì cần loại bỏ ngay.

Không nên nuôi nghêu quá dầy. Lý do là nghêu dễ bị chết vào khoảng tháng 1- 3 âm lịch khi nhiệt độ nước quá cao do nắng nóng kéo dài./.

Tin cùng chuyên mục
Hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa

Hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa

Vào thời điểm giao mùa, sức đề kháng của gà giảm nên dễ mắc phải các bệnh phổ biến do sự thay đổi về thời tiết và môi trường. Bà con cần chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống bệnh để đảm bảo đàn vật nuôi luôn khỏe mạnh. Để việc nuôi đạt được hiệu quả tối ưu trong chăn nuôi mời bà con tham khảo hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa sau đây.