Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Kỹ thuật thêu ghép vải của người Mông

Trương Vui - 17:27, 10/08/2023

Kỹ thuật thêu ghép vải kiểu trổ thủng là nét đặc trưng của người Mông trắng ở xã Y Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Đây là kỹ thuật tạo ra các mảng hoa văn trên cổ áo, tay áo, thắt lưng, địu trẻ em… Đến nay, kỹ thuật thêu độc đáo này vẫn đang được gìn giữ, là thành quả từ những nỗ lực bảo tồn bản sắc văn hoá của những người thợ tài hoa nơi đây.

Kỹ thuật thêu ghép vải kiểu trổ thủng là nét đặc trưng của người Mông trắng tại xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Craft Link)
Kỹ thuật thêu ghép vải kiểu trổ thủng là nét đặc trưng của người Mông trắng tại xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Craft Link)

Trang phục truyền thống của phụ nữ Mông trắng nơi đây gồm có áo với phần cổ hình chữ nhật, quần ngắn đến bắp chân, xà cạp trơn màu đen, khăn quấn nhiều lớp trên đầu và một chiếc tạp dề. Toàn bộ hoa văn tập trung ở phần cổ áo và phần tạp dề, thắt lưng là chi tiết độc đáo, tạo nên điểm nhấn cho trang phục truyền thống.

Điều đặc biệt là tuy các mẫu hoa văn truyền thống này luôn có tông màu trầm, không quá sặc sỡ với những mảng màu lớn, nhưng lại có sức lôi cuốn người nhìn. Đó là bởi những họa tiết hoa văn cầu kỳ, đa dạng được tạo ra từ chính kỹ thuật thêu ghép vải kiểu trổ thủng truyền thống bao đời của người Mông trắng.

Các đường hoa văn sẽ được vẽ và khâu lược bằng chỉ thưa theo dạng xoắn ốc rồi bị cắt thủng
Các đường nét hoa văn sẽ được vẽ và khâu lược bằng chỉ thưa theo dạng xoắn ốc rồi bị cắt thủng

Tùy mỗi vùng, miền, kỹ thuật thêu này sẽ có những khác biệt nhất định, nhưng đều có điểm chung là sự kỳ công, tỉ mỉ từng công đoạn. Trước tiên, trên nền vải dày và sẫm có màu đen hoặc xanh, người nghệ nhân sẽ đặt một miếng vải trắng, gấp cạnh và khâu cố định. Các đường hoa văn sẽ được vẽ và khâu bằng chỉ theo dạng xoắn ốc rồi cắt thủng.

Sau đó, người thợ khéo léo vén các cạnh vừa cắt rồi dùng mũi chỉ ngắn để khâu giấu thật kín phần vải tưa. Khi đã viền hết các đường hoa văn trổ thủng thì dùng chỉ màu thêu đáp vải hình xoắn ốc và thêu dấu nhân để đè lên trên nền trắng cho đến khi tấm vải được che phủ kín.

Cuối cùng, để hoàn thiện mảnh thêu, họ dùng chỉ trắng khâu các mũi đột nhỏ li ti ở chính giữa các nét của phần nền sẫm còn lộ ra, tạo ra các họa tiết hoa văn độc đáo.

Để hoàn thiện được một miếng vải vuông nhỏ như thế này, người nghệ nhân thậm chí phải mất đến gần 20 - 21h để thực hiện hết các công đoạn hoàn thiện
Để hoàn thiện được một miếng vải vuông nhỏ như thế này, người nghệ nhân thậm chí phải mất đến gần 20 - 21h để thực hiện hết các công đoạn hoàn thiện

Theo nghệ nhân Sùng Thị Xé, trước đây, các họa tiết hoa văn này được sáng tạo từ chính những vật dụng quen thuộc như lược chải tóc, lỗ của chiếc kim khâu, con ốc sên, bông hoa, hình ngọn núi, hình dương xỉ, cối xay… bắt nguồn từ chính hình ảnh những con vật, đồ dùng xung quanh. Ẩn sâu trong đó là ý nghĩa và biểu tượng riêng, chứa đựng giá trị văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc.

Sau này, để sản phẩm được đẹp mắt hơn, nghệ nhân đã cải cách họa tiết, sáng tạo những hoa văn nhỏ hơn, đòi hỏi sự tỉ mỉ cao hơn và thời gian thực hiện cũng nhiều hơn so với trước.

Nghệ nhân Sùng Thị Xé tỉ mỉ hướng dẫn từng công đoạn của kỹ thuật thêu ghép vải kiểu trổ thủng của dân tộc mình
Nghệ nhân Sùng Thị Xé tỉ mỉ hướng dẫn từng công đoạn của kỹ thuật thêu ghép vải kiểu trổ thủng của dân tộc mình

Hiện nay, Y Tý đang trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách gần xa, đặc biệt là du khách quốc tế đến tham quan, trải nghiệm. Theo đó, những thợ dệt cũng hướng tới phát triển các sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu của khách hàng và có giá trị ứng dụng cao trong cuộc sống hằng ngày như túi xách, khăn đội đầu, bộ quần áo truyền thống, váy, ví...

Nghệ thuật thêu ghép vải kiểu trổ thủng độc đáo thu hút du khách
Nghệ thuật thêu ghép vải kiểu trổ thủng độc đáo thu hút du khách

Đến với Y Tý hôm nay, du khách có thể trực tiếp được hướng dẫn và trải nghiệm các công đoạn thêu ghép vải cầu kỳ, tỉ mỉ. Đây cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá văn hóa đặc sắc của dân tộc đến du khách trong nước và quốc tế.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.