Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Giữ nghề thêu để bảo tồn văn hóa truyền thống

Mỹ Dung - 10:55, 27/06/2023

Hơn 10 năm qua, bà Bàn Thị Bình (SN 1949), dân tộc Dao, thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động (Bắc Giang) đã đứng ra vận động một số người cao tuổi trong bản cùng nhau thành lập Câu lạc bộ truyền dạy nghề thêu miễn phí, với mong muốn giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bà Bàn Thị Bình - Người “giữ lửa” nghề thêu truyền thống của đồng bào Dao
Bà Bàn Thị Bình - Người “giữ lửa” nghề thêu truyền thống của đồng bào Dao

Tuổi thơ gắn liền với đường kim mũi chỉ

Chia sẻ với phóng viên, bà Bình nhớ lại tuổi thơ đã được tiếp cận kỹ thuật thêu của đồng bào Dao. Ngày ấy, những bộ trang phục cũ của bà nội, của mẹ được tận dụng để may thành những bộ quần áo cho trẻ nhỏ. Dù họa tiết, hoa văn trên áo không đầy đủ, đa dạng, song cũng giúp bà Bình sớm cảm nhận được nét đẹp truyền thống trên trang phục. Năm 10 tuổi, bà bắt đầu được mẹ hướng dẫn kỹ thuật may, thêu.

“Ngày ấy, cứ có thời gian, tôi cùng các bạn trong bản lại ngồi thêu với nhau. Khi thêu cần tập trung lắm, không suy nghĩ việc khác, không nói chuyện để tránh làm hỏng đường thêu bởi chỉ sơ sẩy một mũi là phải dỡ đi, làm lại từ đầu”, bà Bình bộc bạch.

Bà kể thêm, xưa đời sống của đồng bào dân tộc Dao ở bản Thanh Chung (nay là phố Thanh Chung) nghèo lắm. Cả bản có gần 50 nóc nhà, mỗi nhà lại ở từng khe núi, chỏm đồi nên tối đến nhà nào biết nhà đấy. Chính những buổi chiều chăn trâu, cắt cỏ là khoảng thời gian để rèn giũa tay nghề. Chẳng thế mà đến năm 14 tuổi, bà đã tự may, thêu trang phục cho mình và đến tuổi lấy chồng đã tự may cho mình 4 - 5 bộ quần áo mới.

Việc thêu thùa gắn liền với cuộc sống của đồng bào dân tộc Dao, đặc biệt là phụ nữ. Đây được coi là “hồn cốt” góp phần tạo nên bản sắc đặc trưng của người Dao, thể hiện nếp sống, nếp nghĩ, tín ngưỡng của đồng bào. Theo phong tục từ xưa, các cô gái Dao trước khi lấy chồng đều phải tự tay thêu trang phục cưới cho mình, cũng như làm quà tặng mẹ chồng.

Nỗ lực giữ lửa nghề thêu

Theo thời gian cùng hoàn cảnh sống thay đổi khiến một số nét văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS mai một. Nếu như trước đây, không khó để gặp hình ảnh những người phụ nữ Dao duyên dáng trong các trang phục truyền thống, thì ngày nay gần như chỉ dịp lễ, Tết, đồng bào mới diện vào mình trang phục ấy.

“Có thời gian trong bản, số người biết đến nghề thêu trang phục truyền thống đếm trên đầu ngón tay. Người trẻ không còn nhiệt tình với đường chỉ, mũi thêu”, bà Bình chia sẻ.

Để truyền nghề cho lớp trẻ, năm 2012, bà Bàn Thị Bình cùng một số người cao tuổi trong bản đứng ra thành lập Câu lạc bộ truyền dạy nghề thêu miễn phí. Vào những ngày cuối tuần, dịp nghỉ Hè, các thành viên trong Câu lạc bộ lại đi đến từng nhà, tuyên truyền, vận động cho con em theo học nghề truyền thống. 

Ban đầu là 1, 2 cháu rồi lớp học đông dần lên, thu hút nhiều người đến tìm hiểu. Đáng chú ý, không chỉ con em đồng bào dân tộc Dao trong bản theo học, mà nhiều phụ nữ dân tộc Kinh lấy chồng về đây cũng nhiệt tình tham gia.

Chị Nguyễn Thị Thành, một phụ nữ dân tộc Kinh về làm dâu tại địa phương tham gia Câu lạc bộ phấn khởi nói: “Lấy chồng về đây, con gái tôi sau này cũng là phụ nữ dân tộc Dao, cũng mặc áo truyền thống của đồng bào trong ngày cưới. Vì thế tôi theo học với mong muốn sẽ tự mình truyền dạy nghề truyền thống cho con mình”.

Bà Bàn Thị Bình hướng dẫn kỹ thuật thêu cho lớp trẻ tại câu lạc bộ
Bà Bàn Thị Bình hướng dẫn kỹ thuật thêu cho lớp trẻ tại câu lạc bộ

Và tại nơi đây, bà Bình cùng các bà, các cụ cao tuổi ngồi tỉ mỉ thêu họa tiết trên trang phục, vừa để chia sẻ về những bộ mình đang thêu dở, vừa truyền dạy, hướng dẫn các cháu cách thêu trang phục truyền thống.

Phần lớn các họa tiết, hoa văn đều xuất phát và gắn liền với cuộc sống sinh hoạt, lao động thường ngày, thể hiện tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối canh tác... của người Dao. Các hoa văn cũng được phân chia rõ ràng, những hoa văn dành cho trang phục mặc thường ngày và những hoa văn dành cho trang phục của thầy cúng, hay trang phục cô dâu...

Từ năm 2012 đến nay, bà Bình cùng những người cao tuổi trong tổ dân phố đã truyền dạy nghề thêu truyền thống cho 125 phụ nữ, trẻ em gái, trong số này đã có hơn 10 người có thể tự may, thêu cho mình bộ trang phục truyền thống.

Đánh giá về những đóng góp của bà Bàn Thị Bình đối với địa phương, ông Triệu Dư Ngân, Chủ tịch MTTQ thị trấn Tây Yên Tử chia sẻ: "Thời gian gần đây, nhiều nét văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn có nguy cơ bị mai một dần. Bà Bình đã có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn nghề thêu truyền thống của dân tộc Dao tại địa phương, đặc biệt Câu lạc bộ nghề thêu miễn phí đang hoạt động rất hiệu quả và ý nghĩa".

Tin cùng chuyên mục
Người đàn ông tài hoa và những sản phẩm tre Việt có "hồn"

Người đàn ông tài hoa và những sản phẩm tre Việt có "hồn"

Từ những thân tre, gốc tre xù xì thô ráp qua bàn tay tài hoa của anh Võ Tấn Tân (TP.Hội An, Quảng Nam) đã trở thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo và có hồn. Những tác phẩm của anh Tân không chỉ thu hút khách hàng trong nước, mà du khách nước ngoài cũng rất thích thú khi trải nghiệm tại xưởng sản xuất của anh. Nhờ đó, hình ảnh cây tre Việt lan toả đến với bạn bè quốc tế và mang lại cho anh Tân khoảng thu nhập không nhỏ.