Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Kỳ vọng đưa lúa nếp Cay Nọi trở thành cây thoát nghèo ở Mường Lát

Quỳnh Trâm - 07:18, 08/11/2022

Trong rất nhiều sản phẩm từ núi rừng, sản phẩm đặc trưng của địa phương, giống lúa nếp Cay Nọi đang được chính quyền, cơ quan chuyên ngành và người dân huyện vùng cao Mường Lát (Thanh Hóa) lựa chọn, đầu tư xây dựng thành sản phẩm OCOP, với mục tiêu mở ra cơ hội thoát nghèo cho các hộ dân.

Năm 2021, lúa nếp Cay Nọi được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao
Năm 2021, lúa nếp Cay Nọi được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao

Giống lúa nếp Cay Nọi có nguồn gốc từ Lào, được du nhập vào huyện Mường Lát (Thanh Hóa) những năm 1980-1990, khi bà con địa phương lâm vào cảnh túng đói đã được Nhân dân nước bạn Lào hỗ trợ lúa giống. Từ đó, giống lúa được gìn giữ và phát triển trên vùng đất Quang Chiểu, huyện Mường Lát như một loại nếp quý do hợp khí hậu và thổ nhưỡng.

Toàn xã Quang Chiểu hiện có hơn 400 ha đất nông nghiệp, thì đã có hơn 300 ha trồng lúa nếp Cay Nọi. Cây lúa nếp Cay Nọi được trồng 1 vụ duy nhất trong năm. Từ độ tháng 6 bắt đầu gieo mạ cấy ở chân ruộng bậc thang thấp, cho đến cuối tháng 10, đầu tháng 11 thì thu hoạch.

Nhờ chất đất, khí hậu cũng như bàn tay chăm sóc của bà con, lúa nếp Cay Nọi có hương vị đặc trưng. Lúa nếp Cay Nọi khi đến mùa thu hoạch vỏ hạt lúa có màu nâu đỏ, hạt gạo trắng mẩy, khi đồ lên có mùi thơm, dẻo hơn khi ăn nóng. Sản phẩm gạo nếp thường được bà con dùng để đồ xôi, nấu chè, làm bánh... Lúa nếp Cay Nọi vì thế còn gắn liền với đời sống bà con dân tộc Thái trong sinh hoạt, ẩm thực, vào các dịp lễ, tết.

Thăm, kiểm tra cánh đồng trồng lúa nếp Cay Nọi ở Mường Lát
Thăm, kiểm tra cánh đồng trồng lúa nếp Cay Nọi ở Mường Lát

Ông Trần Văn Thắng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Lát cho biết: Trong số các loại cây trồng của đồng bào Thái ở xã Quang Chiểu, lúa nếp Cay Nọi được xem là cây trồng chủ lực. Với diện tích trên 400 ha, cây lúa nếp Cay Nọi đã chiếm đến 2/3 diện tích cây trồng toàn xã. Năm 2021, cây lúa nếp Cay Nọi ở Mường Lát được địa phương xây dựng thành sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện.

Theo ông Thắng, có thể thấy hiệu quả kinh tế của lúa nếp Cay Nọi cao hơn giống lúa khác, mỗi 1 ha trồng lúa cho thu hoạch khoảng 46-47 tạ/ha, sau khi trừ các khoản chi phí bỏ ra so với thực hiện mô hình dự án; chưa tính công lao động, bình quân thu lợi nhuận đạt hơn 42 triệu đồng/ha/vụ.

Mặc dù có giá trị cao nhưng nhiều năm qua, người nông dân thu hoạch thường bị tư thương ép giá. Chính vì vậy, HTX nông lâm Chung Thành (Quang Chiểu, Mường Lát) đã được thành lập để làm cầu nối cho gạo Cay Nọi với thị trường. HTX liên kết với 31 hộ dân trên địa bàn xã Quang Chiểu, sản xuất gạo Cay Nọi theo chương trình OCOP. 

Các hộ dân này sẽ được HTX hỗ trợ kỹ thuật, phân bón và giúp tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định. Đây chính là điều kiện để bà con yên tâm phát triển giống lúa gạo đặc sản này.

Theo bà Lương Thị Nông, Giám đốc HTX nông lâm Chung Thành, bản Pùng hiện có 31 hộ gia đình trồng lúa nếp Cay Nọi, với tổng diện tích 20 ha, trong đó có 6 hộ gia đình thành viên tham gia HTX. Mỗi năm cho thu hoạch khoảng 100 tấn/vụ, tương đương với giá trị gạo thành phẩm là 700 – 800 triệu đồng/vụ.

Từ khi gạo Cay Nọi trở thành sản phẩm nông nghiệp hàng hóa được thị trường ưa chuộng, đã mở ra cơ hội thoát nghèo cho nhiều hộ dân. Sản phẩm thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đấy, thậm chí nhiều thương lái còn phải vào tận nơi đặt tiền trước mới mua được lúa về xay.

“Sản phẩm gạo của HTX được trồng và chế biến đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng”, bà Nông khẳng định. Thời gian tới, để nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, HTX sẽ duy trì chất lượng 3 sao và phấn đấu nâng hạng sản phẩm.

Cánh đồng lúa nếp Cay Nọi ở xã Quang Chiểu vào mùa thu hoạch
Cánh đồng lúa nếp Cay Nọi ở xã Quang Chiểu vào mùa thu hoạch

Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, để nâng tầm giá trị cho gạo Cay Nọi, HTX nông lâm Chung Thành dự tính, sẽ cùng bà con xây dựng “Mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gạo Cay Nọi an toàn”. Đây sẽ là một bước tiến vượt bậc giúp sản phẩm gạo Cay Nọi Quang Chiểu có giá trị cao hơn, thị trường tiêu thụ rộng và giá bán ổn định, xóa bỏ dần tình trạng được mùa mất giá.

Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, HTX cần rất nhiều sự đầu tư để hiện đại hóa quy trình chế biến và đóng gói. Hiện tại, các hộ dân vẫn phải chủ động phơi thóc bằng phương pháp cũ, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Máy xát cũng là loại máy thông thường và không có máy đánh bóng… Những hạn chế này ảnh hưởng nhiều đến kết quả hoạt động của HTX, không tương xứng với tiềm năng của địa phương và chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Giám đốc Lương Thị Nông coi thị trường trong tỉnh là một cuộc “chinh phục” hoàn toàn mới của gạo Cay Nọi với xu hướng tăng dần sản lượng. Mục tiêu trọng tâm và ưu tiên hiện nay của HTX, là chinh phục người tiêu dùng trong tỉnh. HTX muốn đưa sản phẩm gạo Cay Nọi đến các siêu thị lớn của tỉnh, tham gia hội thảo hội chợ, triển lãm để tìm kiếm thị trường.

Bà Nông cũng cho hay, bà và nông dân đang kỳ vọng trong thời gian tới, khi nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được triển khai, những vấn đề băn khoăn kể trên sẽ phần nào được tháo gỡ.

Tin cùng chuyên mục
Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) rất lớn, đây được xem là tiềm năng, lợi thế để người dân sống nhờ rừng thêm cơ hội và điều kiện để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng. Việc khai thác tốt tiềm năng, lợi thế cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), có ý nghĩa quan trọng, để người dân có thêm điều kiện phát huy giá trị kinh tế ổn định cuộc sống và phát triển bền vững từ rừng.