Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Lai Châu: Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội

Tùng Nguyên - 16:01, 12/11/2023

Là tỉnh có nhiều tiềm năng, nhưng do đặc thù địa hình dốc, chia cắt, hạ tầng giao thông chưa thuận tiện nên các hoạt động hợp tác, hội nhập quốc tế của tỉnh Lai Châu hiện vẫn còn hạn chế. Xác định được những thách thức đó, Lai Châu đã và đang nỗ lực đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, tạo cơ hội để khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đoàn công tác Sở Ngoại vụ tỉnh Lai Châu làm việc với Ban Điều phối viện trợ Nhân dân (PACCOM) ngày 23/6/2023 nhằm tích cực vận động nguồn viện trợ không hoàn lại từ các tổ chức PCPNN hỗ trợ cho các lĩnh vực còn khó khăn của tỉnh. (Nguồn ảnh: songoaivulaichau.gov.vn)
Đoàn công tác Sở Ngoại vụ tỉnh Lai Châu làm việc với Ban Điều phối viện trợ Nhân dân (PACCOM) ngày 23/6/2023 nhằm tích cực vận động nguồn viện trợ không hoàn lại từ các tổ chức PCPNN hỗ trợ cho các lĩnh vực còn khó khăn của tỉnh. (Nguồn ảnh: songoaivulaichau.gov.vn)

Khởi sắc trên miền đất khó

Lai Châu là tỉnh có tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, đất đai, thời tiết, khí hậu phù hợp với phát triển nông nghiệp phong phú và đa dạng; có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú; tiềm năng lớn về nguồn nước để phát triển thủy điện với tổng công suất khoảng 2.500 MW.

 Đặc biệt, tỉnh có đường biên giới dài 265,165km, có cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng - Kim Thủy Hà, lối mở U Ma Tu Khòong - Bình Hà và các đường qua lại thuận lợi cho phát triển kinh tế đối ngoại; có tiềm năng về phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hóa, du lịch sinh thái đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc.

Từ khi chia tách, thành lập tỉnh (năm 2004) đến nay, với đặc thù là tỉnh miền núi còn rất nhiều khó khăn, Lai Châu đã được Trung ương ưu tiên triển khai các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh. Nhờ đó, tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực phát triển kinh tế.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lai Châu tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Công thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn ngày 23/8/2023, những năm qua, ngân sách Nhà nước, là nguồn lực chính để Lai Châu đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ đời sống của Nhân dân trên địa bàn. Hiện 100% xã của tỉnh đã có đường ô tô đến trung tâm xã đi lại thuận lợi, mặt đường đã được cứng hóa; 99% thôn, bản có đường ô tô xe máy đi lại thuận lợi; 96,5% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia;…

Giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 09 tổ chức PCPNN tài trợ 16 chương trình, dự án, với tổng kinh phí hơn 124 tỷ đồng. (Nguồn ảnh: thongtindoingoaiaichau.gov.vn)
Giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 09 tổ chức PCPNN tài trợ 16 chương trình, dự án, với tổng kinh phí hơn 124 tỷ đồng. (Nguồn ảnh: thongtindoingoaiaichau.gov.vn)

Hạ tầng được quan tâm đầu tư đã tạo điều kiện để Lai Châu triển khai các chương trình, dự án nhằm khai thác tiềm năng của tỉnh, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Số liệu của UBND tỉnh Lai Châu cho thấy, trong 03 năm gần đây (2021 – 2023), kinh tế của tỉnh tiếp tục giữ đà tăng trưởng, trung bình đạt khoảng 3,91%/năm. Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 3 năm (2021-2023) ước đạt 6.425,9 tỷ đồng; trong đó năm 2021 đạt 2.067,7 tỷ đồng, năm 2022 đạt 2.223,6 tỷ đồng và năm 2023 ước đạt 2.134,6 tỷ đồng).

Đặc biệt, giảm nghèo là một trong những thành tựu nổi bật của tỉnh Lai Châu trong những năm qua. Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), giai đoạn 2006 – 2021, Lai Châu là tỉnh có có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhất cả nước. Cụ thể, tại thời điểm năm 2006, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 58,2% (nghèo đơn chiều), thì đến năm 2021 giảm xuống còn 27,9% (nghèo tiếp cận đa chiều), nghĩa là giảm 30,3% sau 16 năm, chưa tính tới yếu tố thay đổi bộ tiêu chí đánh giá tình trạng nghèo. Đây là cơ sở để Lai Châu đặt mục tiêu giảm bình quân hộ nghèo 3%/năm trong giai đoạn 2021 – 2025, theo chuẩn nghèo đa chiều.

Nỗ lực rời “vùng trũng” về thu hút đầu tư

Đổi thay ở miền đất khó Lai Châu, bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và đồng bào các dân tộc thì một phần đến từ hiệu quả của công tác ngoại giao kinh tế. Những năm qua, quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế giữa tỉnh Lai Châu với các địa phương của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), 3 tỉnh phía Bắc nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Hàn Quốc, Iran và một số đại sứ quán, tổ chức phi chính phủ tiếp tục được duy trì và phát triển theo chiều sâu, từ đó huy động được nguồn viện trợ nước ngoài để phát triển kinh tế - xã hội.

Lai Châu đang phối hợp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) triển khai các bước thiết lập (khu) điểm chợ biên giới. (Trong ảnh: Thương lái thu mua chuối để xuất qua Cửa khẩu Ma Lù Thàng – Nguồn ảnh: laichau.gov.vn)
Lai Châu đang phối hợp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) triển khai các bước thiết lập (khu) điểm chợ biên giới. (Trong ảnh: Thương lái thu mua chuối để xuất qua Cửa khẩu Ma Lù Thàng – Nguồn ảnh: laichau.gov.vn)

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã có 09 tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) tài trợ 16 chương trình, dự án, với tổng kinh phí hơn 124 tỷ đồng. Đến giai đoạn 2020 - 2023, có 13 tổ chức PCPNN đang triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh, với tổng giá trị viện trợ đạt 103,9 tỷ đồng. Các dự án thực hiện viện trợ trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như: Y tế, giáo dục, bảo vệ trẻ em, nước sạch và vệ sinh môi trường, phát triển nông thôn… qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện sức khỏe, nâng cao đời sống Nhân dân vùng dự án.

Bộ Công Thương tiếp tục hướng dẫn, tạo điều kiện để tỉnh Lai Châu triển khai thực hiện tốt các bước thiết lập (khu) điểm chợ biên giới nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa của cư dân biên giới hai bên, nhất là một số sản phẩm nông sản.

Ông Lê Văn LươngChủ tịch UBND tỉnh Lai Châu

Với khó khăn đặc thù của một tỉnh biên giới, miền núi, Lai Châu hiện vẫn chưa có dự án có vốn đầu tư nước ngoài, nên viện trợ từ các tổ chức PCPNN là nguồn vốn trợ lực cần thiết để Lai Châu thoát nghèo, vươn lên trở thành một tỉnh trung bình trong khu vực. Vì vậy, ngày 16/01/2020, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Chương trình xúc tiến vận động viện trợ PCPNN giai đoạn 2020 – 2025, theo Quyết định số 43/QĐ-UBND. Với sự hỗ trợ của các cơ quan Trung ương có liên quan, Chương trình xúc tiến vận động viện trợ PCPNN giai đoạn 2020 – 2025 được kỳ vọng sẽ thu hút được nguồn lực ngoài nước hỗ trợ tỉnh thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Để thúc đẩy hơn nữa công tác ngoại giao kinh tế, tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Công thương ngày 23/8/2023, ông Lê Văn Lương - Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, hiện Lai Châu đang phối hợp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) triển khai các bước thiết lập (khu) điểm chợ biên giới tại các vị trí: Cửa khẩu Ma Lù Thàng, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ (Việt Nam) - Kim Thủy Hà (Trung Quốc); Pô Tô, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ (Việt Nam) - Cửa Cải, Trấn Kim Thủy Hà (Trung Quốc); Gia Khâu, xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ (Việt Nam) - Seo Cô San (Trung Quốc); Sì Choang, xã Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ (Việt Nam) - Dền Suối Thàng (Trung Quốc); Mốc số 17 huyện Mường Tè và huyện Giang Thành (Trung Quốc).

Tin cùng chuyên mục
Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) rất lớn, đây được xem là tiềm năng, lợi thế để người dân sống nhờ rừng thêm cơ hội và điều kiện để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng. Việc khai thác tốt tiềm năng, lợi thế cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), có ý nghĩa quan trọng, để người dân có thêm điều kiện phát huy giá trị kinh tế ổn định cuộc sống và phát triển bền vững từ rừng.