Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Lâm Bình (Tuyên Quang): Tín dụng chính sách tạo lực cho đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội

Tiến Mạnh - 23:25, 10/10/2024

Huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) có tổng diện tích tự nhiên hơn 90 nghìn ha. Đây là nơi sinh sống của 12 dân tộc với trên 51.000 nhân khẩu, trong đó, đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ 94,29%. Trong những năm qua, huyện Lâm Bình đã tập trung mọi nguồn lực, thực hiện tốt các chương trình, chính sách đầu tư vào vùng đồng bào DTTS, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, đời sống kinh tế - văn hóa, xã hội trong vùng đồng bào dân tộc không ngừng được cải thiện và nâng cao về mọi mặt, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn vùng đồng bào DTTS.

Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, chị Lộc Tường Vy (ngoài cùng bên trái), dân tộc Tày ở thôn Nà Lầu, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình có điều kiện phát triển cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, chị Lộc Tường Vy (ngoài cùng bên trái), dân tộc Tày ở thôn Nà Lầu, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình có điều kiện phát triển cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương

Chị Lộc Tường Vy, sinh năm 1999, dân tộc Tày ở thôn Nà Lầu, xã Thượng Lâm (huyện Lâm Bình). Chị sinh ra trong gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã. Bố mất sớm từ lúc lên 8 tuổi, hoàn cảnh trước khi vay vốn là sinh viên học Công tác thanh niên tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam. Nhận thấy quê hương có những sản phẩm đặc trưng, như: Thịt lợn sấy khô, thịt lợn chua, rượu ngô men lá, rượu đao, đồ thổ cẩm, chè Khau Mút đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, chị ấp ủ muốn quảng bá, giới thiệu sản phẩm của quê hương ra các thị trường. 

Sau khi tốt nghiệp đại học, chị trở về quê hương để lập nghiệp, nhưng chưa có nguồn vốn nên chị gặp rất nhiều khó khăn khi khởi nghiệp. Nhờ được sự quan tâm của chính quyền địa phương và Tổ tiết kiệm và vay vốn, tháng 6/2023, chị được bình xét cho vay vốn 240 triệu đồng từ Chương trình giải quyết việc làm của Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH), để đầu tư cửa hàng để giới thiệu sản phẩm OCOP đặc trưng của huyện Lâm Bình, như: Thịt lợn sấy khô, thịt lợn chua, rượu ngô men lá, rượu đao, đồ thổ cẩm, chè Khau Mút. Đến nay, cửa hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng của chị thu hút được rất nhiều khách hàng đến tham quan và mua các sản phẩm. Nhờ đó, thu nhập mỗi tháng của cửa hàng dao động từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng.

Giao dịch giữa người dân với cán bộ tín dụng tại Điểm giao dịch xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang)
Giao dịch giữa người dân với cán bộ tín dụng tại Điểm giao dịch xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang)

Ông Nguyễn Quỳnh Hưng, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Lâm Bình cho biết, để giúp bà con vùng đồng bào DTTS có thêm nguồn vốn ưu đãi, để phát triển kinh tế, mở rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi, trong những năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã tạo điều kiện cho 7.825 hộ đồng bào DTTS vay vốn, với tổng dư nợ 460 tỷ 042 triệu đồng. Từ năm 2019 đến nay, vốn chính sách đã góp phần giúp hơn 4 nghìn hộ thoát nghèo, tạo việc làm mới cho trên 6 nghìn lao động, hỗ trợ 60 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, xây dựng được 963 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách DTTS. Phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách đã giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống.

Chủ tịch HĐND huyện Lâm Bình, ông Đặng Văn Sình cho biết: Hiện nay, huyện có 06 xã thuộc khu vực III, 03 xã và 1 thị trấn thuộc khu vực I; với 75/100 thôn, tổ dân phố đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thông qua các chương trình, dự án, từ năm 2019 đến hết năm 2023, huyện đã sử dụng hiệu quả tổng số vốn trên 420 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là trên 200 tỷ đồng, hỗ trợ đầu tư, sửa chữa trên 150 công trình; vốn sự nghiệp trên 220 tỷ đồng, hỗ trợ đất ở cho 17 hộ gia đình, đất sản xuất cho 36 hộ gia đình; hỗ trợ 897 hộ chuyển đổi nghề, đầu tư 2.433 công trình nước sạch phân tán, hỗ trợ con giống cho 1.762 hộ gia đình… 

Mô hình trồng cây ăn quả của anh Ma Công Thơ, thôn Kim Ngọc, xã Minh Quang (Lâm Bình), do vay vốn từ nguồn vốn uỷ thác của Ngân hàng CSXH
Mô hình trồng cây ăn quả của anh Ma Công Thơ, thôn Kim Ngọc, xã Minh Quang (Lâm Bình), do vay vốn từ nguồn vốn uỷ thác của Ngân hàng CSXH

Các chính sách về bảo tồn và phát triển văn hóa, thông tin tuyên truyền vùng đồng bào DTTS được quan tâm đẩy mạnh, gìn giữ gắn với phát triển du lịch. Từ việc tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và thực hiện các Chương trình hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống của người dân ở các xã, thôn bản vùng sâu, vùng xa.

Từ sự quan tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, với việc thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc, cùng với sự nỗ lực của các cá nhân người DTTS tiêu biểu trên mọi lĩnh vực đã góp phần thay đổi diện mạo nhiều thôn bản, xóm làng trên địa bàn huyện vùng cao Lâm Bình. 

Tin cùng chuyên mục
Quảng Yên (Quảng Ninh): Ưu tiên tạo điều kiện để người dân phục hồi nghề nuôi trồng thủy sản

Quảng Yên (Quảng Ninh): Ưu tiên tạo điều kiện để người dân phục hồi nghề nuôi trồng thủy sản

Nhằm khắc phục hậu quả sau bão số 3, UBND thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) đã từng bước thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại; tổng hợp nhu cầu, hỗ trợ thiệt hại kịp thời người nuôi trồng thủy sản, xây dựng kế hoạch và giải pháp khôi phục. Vượt lên khó khăn, mất mát, những người nuôi trồng thủy sản (NTTS) nơi đây đang nỗ lực khắc phục thiệt hại để tiếp tục tái sản xuất.