Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Lâm Đồng: Áp dụng công nghệ cao trồng sâm Ngọc Linh

PV - 14:48, 22/10/2019

Sau 5 năm tiến hành trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh dưới chân núi Langbiang, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) theo hướng công nghệ cao, cây sâm đã nở hoa kết hạt, chứng minh khả năng sinh trưởng, phát triển và hiệu quả tốt tại vùng đất mới này.

Vườn sâm Ngọc Linh tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương.
Vườn sâm Ngọc Linh tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương.

Lần đầu tiên sâm Ngọc Linh được di thực và trồng thành công tại Lâm Đồng nơi có độ cao thấp, nhiệt độ trung bình cao hơn và cách xa vùng sâm bản địa hai tỉnh Kon Tum, Quảng Nam đã tạo ra kỳ tích.

Tại Hội thảo quốc tế về phát triển sâm Viêt Nam do Hiệp hội sâm Hàn Quốc, Công ty CP sâm Việt phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức tại thành phố Đà Lạt mới đây, các nhà khoa học chính thức công bố thành quả vườn sâm Ngọc Linh trồng “bí mật” suốt 5 năm qua.

Đó là vườn sâm Ngọc Linh 3.000m2 từ 1 đến 5 tuổi được trồng bằng hạt tại vùng Đạ Đum, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhiều lứa tuổi cây nhỏ xanh mơn mởn, cây lớn tuổi đơm hoa, kết hạt. Tất cả đều phát triển tốt trên nền đất nhân tạo. Theo các nhà khoa học trực tiếp chăm sóc vườn sâm, những củ sâm ở đây có khối lượng, số lượng và hàm lượng hoạt chất tương đương vùng sâm bản địa Ngọc Linh.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Sâm Việt - một trong những nhà khoa học đưa sâm Ngọc Linh về trồng thử nghiệm tại tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Chúng tôi có thể khẳng định, trồng sâm theo công nghệ mới tại Lâm Đồng đã thành công. Tỷ lệ cây ra hoa, kết quả, tạo hạt và hạt nảy mầm, cây sống rất cao, từ 80 đến 90% và hàm lượng Saponin và khối lượng phát triển của thân và rễ đều vượt yêu cầu mong đợi. Sâm trồng trên địa hình đất bằng phẳng, với thiết kế mái che nhân tạo cho khối lượng, số lượng và hàm lượng hoạt chất tương đương vùng sâm bản địa Ngọc Linh.

Theo kết quả nghiên cứu, sâm trồng tại Lâm Đồng có hàm lượng dược chất saponin kháng ung thư, bảo vệ gan, chống lão hóa… cao hơn các loài nhân sâm trên thế giới.

Vườn sâm Ngọc Linh của nhóm nhà khoa học Việt - Hàn trồng tại Lâm Đồng đã chứng minh, giống sâm này có thể di thực trồng thành công ở địa phương khác có độ cao thấp hơn vùng núi Ngọc Linh và cách trồng sâm cũng khác hẳn. Với mật độ chuyên canh phù hợp khoảng 200.000 cây/ha, trên cơ sở học tập, áp dụng sáng tạo công nghệ trồng nhân sâm Hàn Quốc, sâm ở đây có rễ và thân rễ phát triển tốt. Từ năm thứ 6, sâm có thể cho thu hoạch củ, với trọng lượng trung bình 50 - 100g mỗi củ tươi. Dự kiến trong năm 2020, những cây sâm ở Đạ Sar do Công ty CP Sâm Việt trồng bắt đầu cung cấp hạt và cây giống ra thị trường.

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, khẳng định: Sâm Ngọc Linh được di thực và trồng lớn thành công tại địa phương là một kỳ tích của các nhà khoa học. Tỉnh sẽ giao cho Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu; chuẩn hóa quy trình canh tác theo hướng công nghệ cao. Đồng thời, giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp cận quy trình để từng bước chuyển giao phát triển sản xuất quy mô lớn tại tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt.

Sâm Ngọc Linh được di thực và trồng lớn thành công tại địa phương là một kỳ tích của các nhà khoa học. Tỉnh sẽ giao cho Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, đồng thời chuẩn hóa quy trình canh tác theo hướng công nghệ cao.

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng