Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Lâm Đồng: Chương trình MTQG 1719 “tiếp sức” cho làng truyền thống dân tộc Cơ Ho

Nguyệt Anh - 13:00, 20/03/2024

Triển khai Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt và thống nhất triển khai thực hiện Dự án bảo tồn làng, bản truyền thống tiêu biểu của các DTTS. Làng truyền thống dân tộc Cơ Ho tại thôn Đưng K’si, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương là một trong những công trình tiêu biểu của Dự án.

Làng truyền thống dân tộc Cơ Ho thôn Đưng K'si do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng phối hợp với UBND huyện Lạc Dương triển khai thực hiện, với tổng mức đầu tư trên 13 tỷ đồng; trong đó, phần do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư 8,05 tỷ đồng, huyện Lạc Dương đầu tư 5 tỷ đồng từ vốn ngân sách huyện và giao cho UBND xã Đạ Chais làm chủ đầu tư.

Dự án được khởi công từ cuối tháng 7/2023, đến nay, kết quả thực hiện các hạng mục giai đoạn 1 đã hoàn thành trên 90% khối lượng. Trong đó, phần do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư đã hoàn thành 98% khối lượng, gồm: Xây dựng cổng, cột cờ, chòi nghỉ, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà sinh hoạt truyền thống, nhà vệ sinh và hạng mục trồng cây xanh.

Phần do UBND xã Đạ Chais làm chủ đầu tư đã thực hiện các hạng mục: công tác san nền, hệ thống sân, cổng và bãi đỗ xe, kè chắn đất, hệ thống thoát nước, hệ thống cấp nước... đạt 90% khối lượng. Hiện, UBND xã Đạ Chais đang tiến hành đẩy nhanh tiến độ thi công hạng mục hệ thống điện để hoàn thành giai đoạn 1 vào cuối tháng 3/2024.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương - Cil Poh cho biết, việc phát triển Làng truyền thống dân tộc Cơ Ho tại thôn Đưng K’si, xã Đạ Chais hướng đến sản phẩm du lịch văn hóa mang tính đặc thù, trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Từ đó phục hồi các giá trị văn hóa làng nghề truyền thống của dân tộc bản địa như: thổ cẩm, nhạc cụ, ẩm thực, rượu cần... góp phần tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Đồng thời tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho người dân về bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, biết tự hào và trân trọng những giá trị tinh thần, đạo đức, phong tục tốt đẹp, phát huy các giá trị văn hóa tích cực truyền thống trong cuộc sống.

Làng truyền thống dân tộc Cơ Ho thôn Đưng K'si góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS tại chỗ gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Lạc Dương (Ảnh tư liệu)
Làng truyền thống dân tộc Cơ Ho thôn Đưng K'si góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS tại chỗ gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Lạc Dương (Ảnh tư liệu)

Cùng với phát triển Làng truyền thống dân tộc Cơ Ho, địa phương cũng hướng dẫn các hộ dân trên địa bàn xã trùng tu, tôn tạo nhà ở theo hướng thân thiện với môi trường, gắn với các bản sắc văn hóa Cơ Ho để đảm bảo các yêu cầu vừa bảo tồn giá trị truyền thống của dân tộc, vừa đáp ứng tiêu chuẩn mô hình lưu trú phục vụ khách du lịch; xây dựng các mô hình vườn mẫu gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình, mở mang các ngành nghề, dịch vụ, phát triển các sản phẩm nông nghiệp sạch phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương nhằm tạo ra các sản phẩm phong phú, đa dạng, hướng người dân tham gia phát triển du lịch cộng đồng. Cùng với đó, xây dựng các tuyến du lịch gắn Làng truyền thống với các điểm du lịch trong xã, huyện, hướng đến phát triển du lịch trở thành thế mạnh của địa phương.

Đạ Chais là xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa của huyện Lạc Dương, với trên 70% đồng bào dân tộc Cơ Ho. Với sự phát triển từ lâu đời, cộng đồng người Cơ Ho đã gìn giữ phát huy nhiều giá trị văn hóa vật thể như: nhà sàn, cồng chiêng, trang phục truyền thống, các lễ hội... Thời gian qua, công tác duy trì, bảo tồn văn hóa của người Cơ Ho được xã quan tâm, hàng năm, xã tổ chức Hội thi Chiêng và thi hát dân ca Cơ Ho; Năm 2020, xã tổ chức phục dựng lại lễ cưới của người Cơ Ho, đây cũng là xã đầu tiên trong tỉnh có hoạt động này nhằm giữ gìn nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc thiểu số tại chỗ. Trong đó, có thôn Đưng K’si với 100% đồng bào dân tộc Cơ Ho, nơi đây còn lưu giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa Tây Nguyên.

Ông Bon Tô Sa Nga, một trong những người có kinh nghiệm đánh cồng chiêng nhiều năm ở thôn Đưng K’si chia sẻ: “Đánh cồng chiêng là nét văn hóa đặc sắc của cha ông trao truyền, đến nay, chúng tôi vẫn lưu giữ và truyền dạy lại cho con cháu để bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Tham gia ngày hội là dịp để người dân trong xã giao lưu cũng như giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Cơ Ho trên địa bàn”.

Cùng với việc triển khai thực hiện Dự án Làng truyền thống dân tộc Cơ Ho thôn Đưng K'si, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng còn tiến hành xây dựng công trình bảo tồn buôn làng truyền thống của dân tộc Cơ Ho tại thôn Klong Trao 1, xã Gung Ré, huyện Di Linh với tổng vốn đầu tư trên 7 tỷ đồng.


Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.