Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Ninh Thuận đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất vùng đồng bào DTTS

Minh Thu - 14:17, 03/10/2024

Thời gian qua, với nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Ninh Thuận đã đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất, từng bước giúp đồng bào các DTTS phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, hướng tới giảm nghèo bền vững.

Dự án trồng điều theo chuỗi giá trị đang được người dân Ninh Sơn tập trung để phát triển kinh tế.
Dự án trồng điều theo chuỗi giá trị đang được người dân Ninh Sơn tập trung để phát triển kinh tế

Tạo sinh kế lâu dài

Từng là một trong những hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, cuối năm 2023, cùng 150 hộ dân ở xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, anh Ma Nhông Hải, ở thôn Tà Nôi được tham gia Dự án trồng điều - Dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm điều hữu cơ giai đoạn 2023 - 2024 của địa phương.

Trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn được Nhà nước hỗ trợ từ đó tăng thu nhập, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và lồng ghép các chương trình, các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao toàn diện đời sống đồng bào DTTS và miền núi.

Bà Pi Năng Thị Thủy Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận

“Từ khi được chính quyền hỗ trợ tham gia dự án liên kết trồng điều, tôi được Công ty Nông nghiệp Truecoop Eco cấp phát cây giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch, nên rất yên tâm sản xuất” - anh Hải chia sẻ.

Để cải thiện đời sống và thúc đẩy phát triển kinh tế, huyện Ninh Sơn đã tập trung nguồn lực đầu tư cho xã Ma Nới, nhất là công tác giảm nghèo. Theo đó, huyện đã triển khai thực hiện 3 dự án: Nuôi bò cái sinh sản; Phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm điều hữu cơ giai đoạn 2023 - 2024 và Dự án hỗ trợ sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chăn nuôi bò cái sinh sản tại thôn Hà Dài, với tổng nguồn vốn sự nghiệp trên 3,1 tỷ đồng để giúp đồng bào DTTS phát triển sinh kế. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã Ma Nới giảm còn 8,14%, cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống người dân được đầu tư, nâng cấp, thu nhập đồng bào được cải thiện.

Ở huyện Ninh Sơn, cùng với dự án trồng điều ở xã Ma Nới, các dự án khác như trồng táo, bắp theo chuỗi giá trị ở xã Mỹ Sơn, liên kết nuôi bò sinh sản ở các xã Hòa Sơn, Nhơn Sơn... đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, góp phần cải thiện, nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS.

Táo là một trong những cây trồng chủ lực ở huyện Ninh Sơn (Ảnh minh họa).
Táo là một trong những cây trồng chủ lực ở huyện Ninh Sơn. (Ảnh minh họa)

Điển hình như ở xã Mỹ Sơn, được hỗ trợ sản xuất để trồng táo xanh - loại quả đặc sản của Ninh Thuận, anh Chướng Xây Bẩu, ở thôn Nha Húi vui lắm. Anh chia sẻ: Tôi và nhiều hộ dân trong thôn được Nhà nước hỗ trợ kinh phí nhà màng, hệ thống tưới nước tiết kiệm và cung ứng giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, áp dụng theo quy trình sản xuất để thực hiện liên kết trồng táo.

“Quả táo được doanh nghiệp thu mua với giá ổn định, nên gia đình yên tâm sản xuất. Thu nhập từ cây táo giúp gia đình tôi có điều kiện sửa sang nhà cửa, mua sắm các trang thiết bị phục vụ sản xuất và đời sống” - anh Bẩu cho biết.

Triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, tận dụng lợi thế về diện tích đồng cỏ rộng, chính quyền huyện Bác Ái đã động viên bà con phát triển mô hình chăn nuôi bò. Được chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn, hướng dẫn chuyển đổi mô hình sản xuất cho phù hợp, nhiều gia đình đã chí thú làm ăn, có cuộc sống tươm tất hơn trước.

Anh K’tơ Phân, Trưởng thôn Tà Lú 3, xã Phước Đại cho biết, toàn thôn hiện có trên 95% hộ đồng bào Raglay có thu nhập ổn định nhờ chăn nuôi bò. Nhà nào nhiều thì có đến hơn 50 con, gia đình nào ít cũng phải 10 - 20 con.

Trước đây gia đình anh K’tơ Suối cùng thôn Tà Lú 3 cũng làm nương rẫy nhưng việc trồng lúa, hoa màu không đủ nuôi gia đình, nhất là khi hạn hán, dịch bệnh. Được chính quyền địa phương hướng dẫn và hỗ trợ vay vốn, gia đình anh Suối thay đổi mô hình sản xuất chuyển sang trồng cây mỳ và nuôi bò. Theo chia sẻ của anh Suối, từ khi trồng mỳ, trồng bắp, nuôi thêm heo, bò, gia đình anh đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, đủ tiền trả vay nợ và còn có vốn để tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất.

Hay như trường hợp của gia đình anh Pi Năng Quốc, thôn Đá Ba Cái, xã Phước Thành trước kia cũng từng chăn nuôi bò với số lượng nhỏ theo hướng tự phát, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên năng suất không mấy hiệu quả. Sau khi được hỗ trợ về nguồn vốn, kiến thức chăn nuôi, xây dựng chuồng trại và phòng dịch, gia đình anh có 5 - 7 con bò, mỗi năm bán ra 2 lứa bò lấy thịt thu lãi trên 35 triệu đồng.

Ở cùng thôn với gia đình anh Quốc, gia đình ông Pi Năng Cung trước đây cũng chỉ biết dựa vào nương rẫy, thu nhập bấp bênh, nhiều lúc mất mùa, dịch bệnh. Nay gia đình ông Cung được chính quyền địa phương động viên và hỗ trợ vốn để nuôi bò thịt. Ban đầu, ông Cung chỉ nuôi 2 con bò, sau đó bán bò và tích lũy vốn tái đầu tư tăng số lượng đàn bò. Bên cạnh việc sản xuất, mô hình nuôi bò thịt đã giúp gia đình ông có thêm thu nhập ổn định hơn 30 triệu đồng mỗi năm.

Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc kiểm tra mô hình hỗ trợ vật nuôi theo Chương trình MTQG 1719 ở huyện Bác Ái.
Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc kiểm tra mô hình hỗ trợ vật nuôi theo Chương trình MTQG 1719 ở huyện Bác Ái

Nâng cao toàn diện đời sống đồng bào DTTS

Đánh giá về các nội dung của Chương trình MTQG 1719 đang được thực hiện tại địa phương, bà Pi Năng Thị Thủy - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong những năm qua, tỉnh đã tích cực triển khai các Dự án, tiểu dự án về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS nhằm xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm... Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng cao, công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo cũng có những chuyển biến tích cực.

Đặc biệt, thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai Nghị quyết số 48 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 về việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư. Đến nay, đã đạt được những kết quả nhất định. Từ đó, giúp cho bà con sớm có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.

“Trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn được Nhà nước hỗ trợ từ đó tăng thu nhập, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và lồng ghép các chương trình, các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao toàn diện đời sống đồng bào DTTS và miền núi” - bà Pi Năng Thị Thủy nhấn mạnh.

Để thực hiện hiệu quả chính sách, từng bước chăm lo đời sống Nhân dân, UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, khắc phục những tồn tại, hạn chế khi thực hiện. Đến nay, việc giải ngân vốn các chương trình MTQG trên địa bàn Ninh Thuận đạt trên 37% kế hoạch. Kết quả này góp phần quan trọng phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và có tác động tích cực đến đời sống của người dân, đặc biệt là ở khu vực các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi.


Tin cùng chuyên mục
Đăk Tô (Kon Tum): Thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo

Đăk Tô (Kon Tum): Thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo

Bằng quyết tâm và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Đăk Tô (Kon Tum) đã phát huy hiệu quả, giúp hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên, nâng cao đời sống, thu nhập, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.