Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thái Nguyên: Củng cố niềm tin của Nhân dân thông qua các chính sách giảm nghèo

Thảo Khánh - 19:04, 30/09/2024

Cuộc sống ấm no, ổn định đã và đang đến với các hộ nghèo, hộ cận nghèo khi các chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững phát huy hiệu quả. Với nguồn vốn được sử dụng hợp lý trong giải quyết việc làm cho người lao động kết hợp với việc triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế đã cho thấy khi chính sách thực sự đi vào cuộc sống cũng là lúc diện mạo bản làng và đời sống người dân nhiều đổi thay.

Anh Hoàng Văn Chung (xóm Tiến Bộ, xã Hợp Thành, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) được hỗ trợ 1 con trâu từ Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững.
Anh Hoàng Văn Chung (xóm Tiến Bộ, xã Hợp Thành, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) được hỗ trợ 1 con trâu từ Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững

Để triển khai sâu rộng các chính sách về công tác giảm nghèo đến mọi tầng lớp Nhân dân, hằng năm, tỉnh Thái Nguyên đã chủ động xây dựng Kế hoạch cũng như triển khai thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhằm đảm bảo an sinh xã hội ở vùng đồng bào DTTS. Thông qua các chính sách này đã giúp đời sống người dân có nhiều chuyển biến tích cực, tạo nền tảng phát triển kinh tế và giảm nghèo.

Tại huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, xác định công tác giảm nghèo là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, huyện Phú Lương đã tập trung tuyên truyền, phổ biến nội dung đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo tới tất cả các xã, thị trấn. Đồng thời, yêu cầu các địa phương rà soát đối tượng đủ điều kiện, đăng ký nhu cầu và dự kiến hình thức hỗ trợ dự án.

Được hỗ trợ từ nguồn ngân sách Dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo năm 2022 – 2023 hơn 3 tỷ đồng, huyện Phú Lương đã phê duyệt 6 dự án, thực hiện 07 mô hình tại 5 xã (nuôi bò lai Sind tại xã Yên Trạch, Động Đạt; nuôi trâu sinh sản tại xã Phủ Lý, Ôn Lương; Nuôi dê lai sinh sản tại xã Yên Đổ). Trong đó, có 05 dự án thực hiện tại 5 xã theo phương thức cộng đồng; 01 dự án thực hiện tại 02 xã Yên Trạch và Phủ Lý theo phương thức giao nhiệm vụ cho Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện. Tổng số hộ được hỗ trợ thụ hưởng 111 hộ (81 hộ nghèo, 19 hộ cận nghèo, 11 hộ mới thoát nghèo trong vòng 36 tháng), gồm: 43 con trâu sinh sản cho 43 hộ, 52 con bò sinh sản cho 52 hộ, 160 con dê sinh sản cho 16 hộ.

Anh Hoàng Văn Chung (xóm Tiến Bộ, xã Hợp Thành, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) là một trong những hộ được nhận hỗ trợ từ Dự án. Anh Chung cho biết: Tháng 6 năm 2023, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ cho một con trâu giống. Với lợi thế chuồng trại rộng, nguồn thức ăn sẵn có, chăn nuôi trâu rất phù hợp với điều kiện tại địa phương, nên chi phí đầu tư, chăm sóc không đáng kể. Đối với những hộ nghèo như chúng tôi, được hỗ trợ trâu giống như này là rất ý nghĩa, tạo cơ hội cho gia đình có thêm nguồn thu nhập, từ đó có thể thoát nghèo và phát triển kinh tế của gia đình.

Bà Ma Thị Quý (xóm Làng Giai, xã La Hiên, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) là một trong những hộ được nhận hỗ trợ bò từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững
Bà Ma Thị Quý (xóm Làng Giai, xã La Hiên, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) là một trong những hộ được nhận hỗ trợ bò từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững

Tương tự như anh Chung, bà Ma Thị Quý là hộ mới thoát nghèo của xã La Hiên, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Vào cuối năm 2023, bà Ma Thị Quý được nhận hỗ trợ từ Dự án chăn nuôi bò lai shind sinh sản, thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) về giảm nghèo bền vững.

Bà Quý vui mừng chia sẻ với cán bộ xã La Hiên về tài sản quý của gia đình. Bà Quý phấn khởi, cho biết: Trước đây, gia đình tôi khó khăn quá nên không đủ điều kiện mua bò về nuôi. Khi được Nhà nước hỗ trợ một con bò sinh sản thì gia đình mừng lắm. Đây là tài sản lớn của gia đình. Để bò phát triển tốt và sinh sản ra bê con, tôi đã trồng thêm cỏ chăn nuôi. Đến nay, trong chuồng có con bò béo tốt, chẳng mấy chốc gia đình sẽ có nguồn thu nhập ổn định, từ đây, cuộc sống cũng bớt khó khăn hơn trước rất nhiều.

Ông Tầm Văn Cử (Chủ tịch UBND xã La Hiên, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên), cho biết: Năm 2023, xã La Hiên được giao thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025. Dự án nuôi bò lai shind sinh sản của Tổ sản xuất cộng đồng xã La Hiên, gồm có 12 thành viên thuộc 3 xóm, trong đó có 1 thành viên là Trưởng xóm, 1 thành viên là người làm kinh tế giỏi, 6 hộ là hộ nghèo, 3 cận nghèo và 1 hộ thoát nghèo dưới 36 tháng.

Thông qua việc triển khai thực hiện Dự án sẽ giúp cho các hộ dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trong vòng 36 tháng nâng cao năng lực sản xuất,  thoát nghèo bền vững.

Khu vực trồng cỏ, phục vụ chăn nuôi của gia đình bà Ma Thị Quý, xóm Làng Giai, xã La Hiên, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên
Khu vực trồng cỏ, phục vụ chăn nuôi của gia đình bà Ma Thị Quý, xóm Làng Giai, xã La Hiên, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, bà Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Năm 2024 là năm thứ tư thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Công tác quán triệt, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình tiếp tục nhận được sự quan tâm, kịp thời của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, UBMTTQ tỉnh. Công tác tham mưu của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố được kịp thời, đảm bảo Chương trình được tổ chức triển khai, thực hiện theo đúng quy định.

Để hoàn thành mục tiêu giảm nghèo năm 2024, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch số 85/KH-UBND ngày 08/5/2024 về thực hiện Chương trình MTQG  giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên với mục tiêu tỉnh phấn đấu giảm 3.486 hộ, trong đó, hộ nghèo là 2.710 hộ, với tỷ lệ giảm là 0,8%; 776 hộ cận nghèo, với tỷ lệ giảm 0,23%; giải quyết kịp thời mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Cũng theo bà Nguyễn Quỳnh Hương, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo được triển khai trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống của người dân. Đó là cơ sở để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện công khai, dân chủ để tạo sự đồng thuận trong thực hiện các chính sách. Số hộ nghèo được giảm xuống từng năm, đời sống của Nhân dân ngày được nâng cao đã một lần nữa khẳng định, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đang đi vào cuộc sống, thực sự mang lại động lực để đồng bào thoát nghèo bền vững.