Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Lâm Đồng: Nhiều hộ đồng bào DTTS thoát nghèo nhờ các mô hình khuyến nông hiệu quả

Nhật Minh - 15:20, 18/06/2021

Để người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu, tỉnh Lâm Đồng đã không ngừng nhân rộng các mô hình khuyến nông hiệu quả. Hiện, những mô hình này đã bước đầu gặt hái những “trái ngọt”.

Trồng chuối Laba, người dân thu về hàng trăm triệu đồng/năm.
Trồng chuối Laba, người dân thu về hàng trăm triệu đồng/năm.

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế nhằm hỗ trợ người dân vùng đồng bào DTTS. Theo đó, Trung tâm tập trung xây dựng các mô hình theo hướng phát huy thế mạnh của các sản phẩm có lợi thế, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Hướng dẫn người dân chuyển đổi những diện tích sản xuất kém hiệu quả sang các mô hình sản xuất có giá trị thu nhập cao hơn.

Cụ thể, các mô hình như sản xuất chuối Laba tại huyện Đam Rông; thâm canh giống cà phê chè THA1, chăn nuôi ong mật theo hướng an toàn sinh học ở Lâm Hà và mô hình trồng nấm linh chi đỏ áp dụng công nghệ IoT ở Lạc Dương đều phát triển tốt và có sức ảnh hưởng lớn, lan tỏa trong cộng đồng.

Được biết, với mô hình sản xuất chuối Laba tại huyện Đam Rông, Trung tâm Khuyến nông đã hỗ trợ 2 hộ gia đình ở xã Đạ K’Nàng với quy mô 2ha. Kết quả chuối tại đây sinh trưởng tốt, năng suất khoảng 29,4 tấn/ha (cao hơn năng suất chuối sản xuất đại trà 2 tấn/ha).

Vào tháng 8/2021, 2 hộ dân này đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Hợp tác xã Laba Banana Đạ K’Nàng với mức giá ổn định 5.500 đồng/kg. Việc sản xuất chuối Laba đã giúp 2 hộ dân tham gia mô hình có nguồn thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm. Nhận thấy có hiệu quả kinh tế, các hộ dân lân cận cũng đã tìm hiểu và chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang chuối Laba.

Còn ở thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương), Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng đã hỗ trợ gia đình bà Nguyễn Thị Kim Dung sản xuất nấm linh chi đỏ áp dụng công nghệ IoT. Mô hình nhà nấm 72m2 được thực hiện từ đầu năm 2020 và phát triển tốt. “So với mô hình trồng nấm linh chi đỏ thông thường, mô hình trồng nấm linh chi đỏ áp dụng công nghệ IoT đạt chất lượng cao hơn. Hiện nay, mô hình đạt năng suất 250kg/10.000 phôi nấm; với giá bán 450.000 đồng/kg, mô hình 72m2 cho thu nhập trên trăm triệu đồng mỗi năm”, bà Dung chia sẻ.

Mô hình nuôi ong mật an toàn theo hướng sinh học đang được triển khai tại vùng đồng bào DTTS huyện Lâm Hà.
Mô hình nuôi ong mật an toàn theo hướng sinh học đang được triển khai tại vùng đồng bào DTTS huyện Lâm Hà.

Bên cạnh đó, mô hình nuôi ong mật an toàn theo hướng sinh học cũng thu về những thành quả nhất định. Cụ thể, tại xã Đạ Đờn (huyện Lâm Hà), gia đình chị K’Dung là một trong những hộ đồng bào DTTS làm nghề nuôi ong. Đầu năm 2020, gia đình chị được Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng hỗ trợ 80% vốn trong việc phát triển mô hình ong mật theo hướng an toàn sinh học. Ngoài việc hỗ trợ vốn lên đến 80%, Trung tâm cũng tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi ong hướng an toàn sinh học cho người thực hiện mô hình và những người có nhu cầu tìm hiểu.

Chị K’Dung cho biết: “Từ nguồn vốn hỗ trợ và số lượng ong xây dựng từ nhiều năm trước, đến 6/2021, gia đình có tổng cộng trên 200 đàn ong. Số lượng này bao gồm mô hình nuôi ong lấy mật và lấy sữa. Trước đây, vì chỉ nuôi ong lấy mật nên thường xuyên phải di chuyển, đưa ong đi lấy mật khắp nơi, rất vất vả. Từ năm ngoái, gia đình nhận được sự hỗ trợ nên chuyển qua nuôi ong lấy mật kết hợp lấy sữa. Mô hình này hiệu quả, lợi nhuận cao và cũng nhàn hạ hơn. Trong mùa hoa cà phê vừa qua, gia đình thu về hơn 2 tấn mật và bán sỉ với giá 60.000 đồng/kg, bán lẻ 90.000 - 100.000 đồng/kg”.

Qua đó có thể thấy, việc nhân rộng và áp dụng những mô hình khuyến nông hiệu quả đã thu về nhiều thành quả đáng khích lệ. Những mô hình này không chỉ giúp người đồng bào DTTS thoát khỏi đói nghèo mà còn trở thành mô hình giúp nông dân vươn lên làm giàu.

Trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng và hướng đến toàn diện bền vững, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, ngành nông nghiệp địa phương cũng tổ chức các cuộc hội thảo tư vấn kỹ thuật cho nông dân trên địa bàn, đặc biệt là người dân vùng đồng bào DTTS, nhằm hỗ trợ về kỹ thuật trên từng đối tượng cây trồng, vật nuôi và giải quyết các khó khăn vướng mắc thường hay gặp phải trong sản xuất.