Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Làm giàu từ mô hình chăn nuôi khép kín

Phan Thị Anh Thư - 08:36, 28/05/2021

Tại xã Thuận Thới, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long có một mô hình chăn nuôi khép kín trùn quế - bò Pháp - lục bình (gọi tắt là T - B - L) của người thanh niên trẻ Nguyễn Văn Thảo, 31 tuổi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Thảo trong trang trại nuôi trùn quế
Anh Nguyễn Văn Thảo trong trang trại nuôi trùn quế

Nhiều năm nay, người dân vùng quê Thuận Thới nuôi rất nhiều gia súc (bò, dê) và gia cầm, chất thải được thải trực tiếp xuống kênh, rạch dẫn đến ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc mở rộng, phát triển giao thông đường bộ khiến giao thông đường thủy thu hẹp dần, các kênh mương bị lục bình phủ kín rất lãng phí. Trước thực trạng trên, anh Thảo đã lựa chọn mô hình chăn nuôi khép kín: Trồng lục bình - nuôi bò - sản xuất trùn quế nhằm tận dụng tối đa nguồn cỏ dồi dào của địa phương.

Anh Thảo chia sẻ: “Nuôi bò Pháp vỗ béo lãi rất cao, lại nhẹ công chăm sóc. Bình quân mỗi con sau 9 tháng nuôi, lãi từ 30 đến 35 triệu đồng, sau khi đã trừ chi phí. Hiện, tôi đang nuôi 20 con bò, sau 9 tháng nuôi sẽ có lãi khoảng 700 triệu đồng; riêng 800 mét vuông nuôi trùn quế, sau 4 tháng thu hoạch sẽ có lãi trên 200 triệu đồng. Đó là chưa kể nguồn lục bình thiên nhiên mang về mỗi năm trên 20 triệu đồng, nguồn phân hỗn hợp từ phân bò, trùn quế, lục bình trộn lẫn bán ra được 100 triệu đồng. Như vậy, mỗi năm từ các nguồn, tôi đã có lãi trên 1 tỷ đồng”.

Trang trại nuôi bò Pháp của HTX Thuận Thới
Trang trại nuôi bò Pháp của HTX Thuận Thới

Ông Tô Văn Em, Chủ tịch HND xã Thuận Thới cho biết: Thấy cách làm hiệu quả của anh Thảo, 17 nông dân ở địa phương đề xuất thành lập HTX Nông nghiệp Thuận Thới vào năm 2018 với 17 thành viên tham gia. HTX chuyên nuôi bò Pháp - trùn quế - phân hỗn hợp - dịch vụ kinh doanh tư vấn, thiết kế chuồng trại chăn nuôi bò - trùn. Dù mới thành lập nhưng mỗi năm, HTX đã có lãi trên 300 triệu đồng”.

Chưa dừng lại ở đó, hiện nay chính quyền địa phương đã giao cho HTX trên 30 ha mặt nước để triển khai mô hình du lịch xanh kết hợp với tham quan, thực hành nông nghiệp tại chỗ cùng thao tác tại các làng nghề rất hấp dẫn, dự kiến sẽ ra mắt vào đầu năm 2022.

Chúng tôi còn bất ngờ khi được biết bản thân anh Nguyễn Văn Thảo đã trực tiếp chuyển giao kỹ thuật cho trên 1.000 nông dân trong và ngoài tỉnh Vĩnh Long trên nhiều lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao có liên quan đến bò và trùn quế. Theo anh Thảo, việc nuôi bò chất lượng cao trong điều kiện đất ít, chuồng trại khan hiếm như ở Trà Ôn là rất hợp lý. Bò Pháp có mức tăng trọng nhanh, giá bán cao, mỗi con từ lúc nuôi đến bán từ 14 đến 15 tháng sẽ có lãi từ 30 đến 35 triệu đồng.

Về nguồn trùn quế hiện đang là mặt hàng quý hiếm luôn trong tình trạng cung không đủ cầu, giá bán cao. Ngoài việc bán trùn quế còn sống, anh Thảo còn bán phân hỗn hợp bao gồm: Phân bò khô, trùn quế, lá lục bình phơi khô có hàm lượng hữu cơ rất cao nên được nhiều người ưa chuộng. Ngoài ra, anh còn dùng trùn quế để thủy phân chế biến thành một số dược liệu quý hiếm khác.

Thành viên HTX Thuận Thới đang thu hoạch lục bình
Thành viên HTX Thuận Thới đang thu hoạch lục bình

Anh Thảo kể thêm: “Rau xanh ở Trường Sa cực kỳ quý hiếm, ra đó rồi mới thấy sự thiếu thốn của bộ đội. Bình quân mỗi tháng, chiến sĩ chỉ được ăn rau xanh khoảng 8 ngày, thời gian còn lại phải dùng rau khô. Từ đó tôi đã mang 10 tấn phân hữu cơ sản xuất từ trùn quế, phân bò, lục bình từ quê ra Trường Sa trồng rau để cải thiện bữa ăn, bảo đảm an toàn vệ sinh, sức khỏe cho bộ đội. Tôi cũng đang ấp ủ làm nhà máy đóng lon nước cam sành, loại đặc sản thơm ngon đặc biệt của Trà Ôn để tăng thu nhập cho nông dân”.

Năm 2020, anh Thảo đạt cùng lúc 3 giải thưởng danh giá cấp quốc gia: “Nhà Khoa học của Nhà nông”; “Giải thưởng Lương Định Của”; “Bằng sáng tạo khoa học kỹ thuật” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng.