Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Làm giàu từ nuôi gà VietGAP

PV - 16:06, 20/05/2019

Sống trên địa bàn có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, chàng trai Quách Văn Bộ, dân tộc Mường, sinh năm 1989, thôn Đồng Mọc, xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) luôn nuôi khát vọng khởi nghiệp làm giàu từ nghề nông. Tốt nghiệp Đại học Tài nguyên-Môi trường năm 2017, Bộ không đi xin việc làm mà lựa chọn quay về quê để triển khai mô hình nuôi gà sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng rừng và nuôi cá.

Mô hình chăn nuôi gà sạch theo tiêu chuẩn VietGAP của anh Quách Văn Bộ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình chăn nuôi gà sạch theo tiêu chuẩn VietGAP của anh Quách Văn Bộ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Quách Văn Bộ kể, cách đây hai năm, thời điểm bắt đầu khởi nghiệp, khó khăn lớn nhất là thiếu vốn. Do đó, khi được tiếp cận với Chương trình hỗ trợ vốn cho đoàn viên xây dựng mô hình chăn nuôi gà sạch theo tiêu chuẩn VietGAP của Huyện đoàn Như Thanh, Quách Văn Bộ đã đăng ký và được vay 10 triệu đồng.

Với số tiền này, Bộ mạnh dạn vay mượn thêm của người thân, tiến hành xây dựng khu nuôi gà trên diện tích 300m2, xung quanh được bao bằng thép lưới; chuồng nuôi gà thoáng mát, khép kín, ánh sáng và độ ẩm được thiết kế phù hợp với từng giai đoạn phát triển của gà con.

Để có nguồn thức ăn chất lượng, Bộ thuê thêm 1,5ha đất của xã trồng ngô; trong đó, hạt ngô được làm thức ăn cho gà, còn lá và thân cây ngô dùng làm thức ăn cho cá. Sau khi xây dựng chuồng trại và có được nguồn thức ăn cho gà, Bộ đã nhập 2.000 con gà giống chất lượng tốt, có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền về nuôi.

Trong quá trình nuôi gà, Bộ luôn tuân thủ các kỹ thuật chăn nuôi, thường xuyên vệ sinh chuồng trại để hạn chế phát sinh dịch bệnh, theo dõi và ghi chép lại quá trình sinh trưởng của gà. Nhờ sự cố gắng, chăm chỉ, lứa gà đầu tiên nuôi trong 5 tháng phát triển tốt. Sau khi bán ra thị trường, anh đã thu về 200 triệu đồng tiền lãi.

Từ lứa gà đầu tiên sản xuất thành công, năm 2018, Bộ quyết định vay thêm vốn của ngân hàng để mở rộng trang trại, mua thêm máy móc phục vụ sản xuất. Đồng thời, cải tạo diện tích 0,5 ha ao và thêm 2 vạn cá giống, trồng 5ha rừng, nuôi nấm trong nhà lưới. Hiện, trang trại của chàng thanh niên này đang có khoảng 3.000 con gà sạch. Trung bình một ngày, gà đẻ khoảng 500 trứng, mỗi năm trang trại của Bộ xuất bán 12.000 con gà con. Sản phẩm gà sạch của gia đình Quách Văn Bộ được các cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh nhập về bán.

Hiện nay, Bộ đang đầu tư, xây thêm hệ thống nhà lưới, lắp đặt theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 200m2 để trồng nấm linh chi, mỡ, sò yến...; Tổng thu nhập bình quân của Quách Văn Bộ từ các nguồn đạt khoảng 500 triệu đồng/năm. Trang trại của anh đang tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương, với mức lương 3-4 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài làm kinh tế giỏi, Quách Văn Bộ còn là Bí thư Chi đoàn năng động, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đi đầu trong mọi hoạt động tại cơ sở. Chàng Bí thư Đoàn luôn giúp đỡ thanh niên trong xã về kỹ thuật, kinh nghiệm phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển nông nghiệp sạch để các thanh niên có thêm ý chí vươn lên thoát nghèo.

Anh Bùi Văn Lãm, Bí thư Đoàn xã Mậu Lâm nhận xét, anh Quách Văn Bộ là tấm gương sáng để thanh niên các xã vùng cao học tập. Anh sẵn sàng giúp đỡ người nghèo, và luôn tham gia các hoạt động tình nguyện, hiến máu nhân đạo…

Tại các hội nghị, cuộc họp của Đoàn xã, Quách Văn Bộ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, vận động hướng dẫn thanh niên chủ động tham gia các mô hình phát triển kinh tế phù hợp để thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Nhờ có nhiều thành tích trong phát triển kinh tế và công tác Đoàn, Quách Văn Bộ đã nhận được nhiều phần thưởng của các cấp Đoàn. Đặc biệt, tháng 11/2018, Quách Văn Bộ là gương mặt tiêu biểu, đại diện cho hàng nghìn thanh niên tỉnh Thanh Hóa được nhận Giải thưởng Lương Định Của lần thứ 13, do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng.

QUỲNH CHI

Tin cùng chuyên mục
Chuyển đổi số ở các bản làng vùng DTTS Quảng Ninh

Chuyển đổi số ở các bản làng vùng DTTS Quảng Ninh

Đến nay không chỉ ở thành thị, mà người dân ở các thôn, bản vùng cao, vùng DTTS tỉnh Quảng Ninh cũng đã nắm bắt thời cơ, bắt nhịp chuyển đổi số để trở thành những "công dân số". Nhờ đó, người dân tiếp cận các chính sách dân tộc nhanh chóng; đồng thời ứng dụng hiệu quả trong đời sống xã hội và trong lao động, sản xuất