Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Làm giàu từ sản vật địa phương

Hồng Minh - 10:53, 11/05/2020

Với tính cách quyết đoán, thức thời trước nhu cầu thị trường, chị Nguyễn Thị Hoan, xã Côn Minh, huyện Na Rì (Bắc Kạn) đã thành lập Hợp tác xã (HTX) sản xuất miến dong Tài Hoan, trở thành Giám đốc. HTX có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm và tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

Sản phẩm miến dong Tài Hoan được sản xuất bằng quy trình khép kín.
Sản phẩm miến dong Tài Hoan được sản xuất bằng quy trình khép kín.

Côn Minh là vùng làm miến dong lâu đời nhất Bắc Kạn, miến dong Côn Minh được làm hoàn toàn từ tinh bột củ dong riềng và bằng phương pháp thủ công, không sử dụng hóa chất nên sợi miến dai, vị thơm ngon rất đặc trưng. Nhận thấy tiềm năng của cây dong riềng, chị Hoan đã nảy sinh ý tưởng làm giàu bằng chính nghề truyền thống của địa phương và quyết tâm biến ý tưởng thành hiện thực.

Năm 1991, chị Hoan cùng gia đình bắt tay vào trồng cây dong riềng, sắm dụng cụ để nghiền bột làm miến theo phương pháp thủ công truyền thống. Sản phẩm miến dong của chị Hoan làm ra rất ngon, chất lượng và không sử dụng chất bảo quản.

Thời gian đầu, do làm thủ công, nên công suất mỗi ngày chỉ đạt được 40 - 50kg, không đủ đáp ứng nhu cầu của người mua. Năm 2007, chị thành lập HTX sản xuất miến dong Tài Hoan. Nhờ được Hội Liên hiệp Phụ nữ hỗ trợ, chị Hoan mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư mua thêm máy móc, thuê nhân công, mở rộng sản xuất. Đến nay, HTX đã có dây chuyền sản xuất đồng bộ, gồm 1 máy nghiền củ, 1 máy lọc tách bột có công suất 10 tấn/ngày, 1 máy tráng, 1 máy cắt và hệ thống đóng gói bao bì khép kín.

Sau hơn 10 năm khẳng định thương hiệu, miến dong Tài Hoan đã được nhiều người biết đến. Năm 2013, sản phẩm miến dong Tài Hoan đã lọt vào top 100 sản phẩm, dịch vụ uy tín chất lượng, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Đến thời điểm này, miến dong Tài Hoan đã có đủ bao bì, nhãn mác, mã vạch, chứng nhận về chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định. Sản phẩm đã có mặt tại 20 điểm giao hàng bán buôn, bán lẻ, cửa hàng tiện ích trong và ngoài tỉnh, góp mặt tại siêu thị Hapro, Big C ở Hà Nội và các kênh bán hàng Online...

Mỗi năm, HTX miến dong Tài Hoan giúp người trồng dong riềng ở địa phương tiêu thụ được trên 1.500 tấn củ dong riềng; sản xuất trên 225 tấn bột và khoảng 150 tấn miến dong. Bình quân mỗi năm, HTX sản xuất được gần 150 tấn miến, đem lại doanh thu trên 5 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho hàng chục người dân địa phương. Sản phẩm miến dong Tài Hoan đã được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Kạn và được đánh giá 4 sao.

Để nghề làm miến dong phát triển bền vững cũng như đưa dong riềng trở thành cây trồng chủ lực ở địa phương, theo chị Hoan, rất cần có một chính sách quy hoạch vùng trồng hợp lý, chính quyền địa phương cần hỗ trợ và tìm đầu ra ổn định cho doanh nghiệp; có những giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định thương hiệu và bảo vệ nhãn hiệu tập thể. Có như vậy mới giúp người dân yên tâm trồng và sản xuất miến dong, đưa sản phẩm vươn xa hơn nữa.

Tin cùng chuyên mục
Chính sách dân tộc làm thay đổi đời sống đồng bào DTTS ở Mường Nhé

Chính sách dân tộc làm thay đổi đời sống đồng bào DTTS ở Mường Nhé

Những năm gần đây, các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đã được huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần quan trọng giúp đồng bào DTTS trên địa bàn huyện thúc đẩy kinh tế phát triển, cải thiện cuộc sống.