Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Làm nông nghiệp “lười” để trả lại dinh dưỡng cho đất

Hương Trà - 18:53, 12/04/2020

Với thói quen và kỹ thuật canh tác cũ, nông nghiệp đã và đang làm chết dần các hệ sinh thái trong đất. Những năm qua, nhiều nông dân và các nhà khoa học đã tìm tòi hướng canh tác nông nghiệp ngược lại với truyền thống, đó là nông nghiệp “lười”, nông nghiệp thuận tự nhiên, hay nông nghiệp sinh thái. Với mô hình này, đất luôn được bồi đắp, để trả lại dinh dưỡng, sự giàu có cho đất.

Sản phẩm rau sạch từ mô hình nông nghiệp “lười” của chị Nguyễn Thị Thu, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Sản phẩm rau sạch từ mô hình nông nghiệp “lười” của chị Nguyễn Thị Thu, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Chị Nguyễn Thị Thu, Giám đốc Công ty Tâm An, thôn Đan Nhiễm, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín (TP. Hà Nội) đang rất thành công với mô hình nông nghiệp “lười”. Chia sẻ với chúng tôi, chị Thu cho biết, sau nhiều lần vấp ngã bởi canh tác theo cách truyền thống, chị tìm đến nông nghiệp “lười”. Theo chị Thu, nông nghiệp truyền thống tốn kém nhất là nhân công, còn nông nghiệp “lười” cắt bỏ đi những công đoạn canh tác đã thành lối mòn nhưng thừa thãi và lãng phí của nhà nông. 

Nhằm tiết kiệm nhân công trong vấn đề cải tạo đất, chị Thu đã thả bèo tây ở khắp các mương để lấy vật liệu che phủ luống. Cỏ trước kia phải đi làm tay thủ công thì giờ chỉ cần lấy máy cắt cỏ lia một lần rồi dùng thân che phủ và làm phân luôn. Cùng với đó, chị mua vừng đen về gieo đều trên đất. Rễ cây vừng đen tạo cho đất tơi xốp, thân và lá đổ tạo thành lớp mùn và phân xanh giá trị, vừa hạn chế được cỏ dại phát triển. 

Về cách trồng cây, người nông dân thường ươm giống ra cây con rồi lại nhổ lên để trồng lại… Còn đối với chị Thu, sau khi vừng và cỏ được xới lên, ủ với vi sinh, chị gieo mỗi luống 2 gói hạt xà lách. Thời gian gieo chỉ mất khoảng 10 phút, tiết kiệm được tiền công cả ngày để trồng rau. 

“Không phải loại cây trồng nào cũng có thể áp dụng kiểu lười được. Tôi tìm hiểu, thí nghiệm để lựa chọn các loại rau màu phù hợp với quy trình độc đáo này. Một số loại rau không thích hợp thì cải tiến, trồng sau khoảng 15 ngày là gieo hạt đậu xanh, vừng, đậu tương lên luống. Khi cây đậu ra hoa, hàm lượng dinh dưỡng trong thân cao nhất thì phạt xuống, tấp luôn vào gốc su hào, bắp cải, vừa tạo nguồn phân xanh ngay tại chỗ, vừa hạn chế cỏ dại mọc”, chị Thu chia sẻ.

Thời gian đầu trồng thử nghiệm trên tổng diện tích gần 4 sào, chị Thu đã thu hoạch được hơn 600 củ su hào, hơn 500 cây bắp cải, hơn 100kg cải bó xôi, 150kg cải cúc… Ước tính mỗi sào thu nhập đạt khoảng 3,8 triệu đồng. Chưa tính nguồn thu từ các cây trồng khác. 

Để tiết kiệm thời gian, diện tích đất, trồng rau chỉ là cách chị Thu lấy ngắn nuôi dài, trồng thêm các loại dược liệu khác như chùm ngây, đinh lăng, sả… Rau màu thu hoạch đến đâu được đưa về xưởng đến đó để sơ chế rồi sấy lạnh, giữ màu và Vitamin… Sau khi sấy lạnh, rau được chuyển sang máy nghiền để ra các loại bột rau củ rồi mới đưa ra thị trường. 

Theo các chuyên gia, nhà khoa học về nông nghiệp, nông nghiệp sinh thái được xem là phương thức trồng trọt bền vững. Phương thức này cho phép tái tạo và giữ gìn hệ sinh thái của đất, không cày bừa, làm đất, trồng đa canh, thuận theo tự nhiên, giúp đất luôn được bồi đắp giàu dinh dưỡng. Nông nghiệp sinh thái hoàn toàn không sử dụng phân hóa học hay thuốc trừ sâu, nên chú ý đến yếu tố cân bằng của tự nhiên và không ảnh hưởng đến môi trường. Có thể canh tác bằng cách giữ lại cỏ để che phủ đất, rễ cỏ có khả năng giữ ẩm cho đất rất tốt. Đây là hình thức xen canh các loại cây trồng nhằm hạn chế dịch hại do nấm bệnh gây nên.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên cho biết: Mô hình nông nghiệp “lười” hay còn gọi nông nghiệp sinh thái là mô hình khá bền vững. Mô hình này phù hợp với việc canh tác tại vùng đồng bào DTTS và miền núi, ở cả quy mô nhỏ hộ gia đình và quy mô lớn. Mô hình này cần được các địa phương nhân rộng.

Tin cùng chuyên mục
Nhật Bản trồng cỏ biển để thu giữ carbon giúp phòng, chống biến đổi khí hậu

Nhật Bản trồng cỏ biển để thu giữ carbon giúp phòng, chống biến đổi khí hậu

Nhằm giúp chống biến đổi khí hậu khi Nhật Bản đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, Nhật Bản đã triển khai dự án khôi phục hệ sinh thái tự nhiên dọc bờ biển của thành phố cảng Yokohama, phía Nam Tokyo, bằng cách trồng rong lươn - loại cỏ biển màu xanh nhạt.