Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Lan tỏa hình ảnh văn hóa, con người Hà Giang qua âm nhạc

Văn Hoa - 00:16, 23/06/2024

Hà Giang là mảnh đất địa đầu của Tổ quốc với hơn 19 dân tộc anh em cùng sinh sống. Phong cảnh thiên nhiên độc đáo kết hợp với sự đa dạng về văn hóa các dân tộc khiến cho Hà Giang thu hút sự sáng tạo của giới văn nghệ sĩ, đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc. Những năm qua, giới văn nghệ sĩ đã sáng tác ra nhiều bài hát, MV âm nhạc đặc sắc, tạo tiếng vang trên các trang mạng xã hội, giúp lan tỏa hình ảnh, con người Hà Giang, thúc đẩy du lịch Hà Giang phát triển mạnh mẽ.

Một góc cao nguyên đá Hà Giang
Một góc cao nguyên đá Hà Giang

Gây thương nhớ

Với những ai chưa từng được đặt chân đến mảnh đất Hà Giang, khi vô tình nghe được ca khúc “Hà Giang ơi” của nhạc sĩ trẻ Quách Beem (tên thật là Đoàn Đông Đức), thì tin rằng, ai ai cũng muốn đến để trải nghiệm Hà Giang.

Thật vậy, khi nghe những ca từ ngọt ngào đắm say lòng người: “Đây Hà Giang nắng hồng gọi mây/ Bức tranh đẹp ngỡ là tiên cảnh/ Núi nghiêng mình yêu thương/ Cao nguyên đá sáng bừng kỳ vĩ/ Mùa tháng ba lòng ai thổn thức/ Tiếng khèn ơi xa mãi ngút ngàn/ Đường hạnh phúc nghĩa tình hoa máu/ Mã Pí Lèng hùng vĩ non sông/ Hà Giang ơi sao mà yêu thế/ Lúa vào mùa say cả thi nhân…” sẽ thôi thúc mọi người cố gắng đến với Hà Giang ít nhất một lần trong đời.

Ca khúc “Hà Giang ơi” của nhạc sĩ trẻ Quách Beem đã đã gây thương nhớ cho bao khán giả, tạo sức hấp dẫn thu hút khách du lịch của mọi miền Tổ quốc đến với Hà Giang
Ca khúc “Hà Giang ơi” của nhạc sĩ trẻ Quách Beem đã đã gây thương nhớ cho bao khán giả, tạo sức hấp dẫn thu hút khách du lịch của mọi miền Tổ quốc đến với Hà Giang

Ca khúc “Hà Giang ơi” của nhạc sĩ trẻ Quách Beem đã trở thành ca khúc nhạc quê hương đạt được 25 triệu lượt xem trên các trang mạng xã hội; khiến Hà Giang trở thành vùng đất gây thương nhớ với bao người, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Tài khoản YouTube “@nguyentungnhan5620” khi nghe bài hát “Hà Giang ơi” đã thốt lên rằng: “Nếu ai đó đã đặt chân tới mảnh đất Hà Giang rồi thì bật bài này lên nghe, sẽ thấm từng câu, từng chữ và muốn đi thêm 1 lần. 2 lần và nhiều lần nữa. Tôi là người miền Tây sông nước, nghe bài này xong mê quá, xách balo lên và đi, đi xong không muốn về, khi về rồi thì lúc nào cũng nhớ Hà Giang. Sẽ sớm quay lại thôi Hà Giang ơi, đợi tớ nhé!”.

Hay tài khoản “@DongQuangThieu6790” cũng nói, vì bài hát này của Quách Beem mà tôi đã quay trở lại Hà Giang du lịch lần thứ 2 trong 1 năm. Cảnh đẹp tự nhiên bao la hùng vĩ, con người thân thiện, thật thà. Hà Giang 23 mãi đỉnh.

Âm nhạc đã lan tỏa hình ảnh văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc và khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của Hà Giang tới gần hơn với khán giả
Âm nhạc đã lan tỏa hình ảnh văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc và khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của Hà Giang tới gần hơn với khán giả

Mới đây, tác giả Ngô Sỹ Ngọc (A Páo) - được mệnh danh là người thổi hồn vào đá, một nhạc sĩ, ca sĩ trẻ, Youtuber nổi danh với hơn 3.000 MV ca nhạc, trong đó các ca khúc, MV anh thể hiện tại Hà Giang đều gây được tiếng vang lớn, được khán giả đón nhận. Các ca khúc được anh thể hiện một cách mộc mạc, đậm chất người vùng cao, khỏe khoắn, hào sảng, vô tư, trong sáng, lạc quan, yêu đời, quên đi cái vất vả về cuộc sống vùng cao với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt. 

Nhiều ca khúc, MV của A Páo được khán giả yêu thích, đạt hàng triệu lượt xem, góp phần lan tỏa hình ảnh về văn hóa, con người Hà Giang tới mọi miền Tổ quốc, tạo sự tò mò, thôi thúc mọi người đến Hà Giang để trải nghiệm. Tiêu biểu có thể kể như ca khúc: “Người vùng cao là thế” đạt 2,2 triệu lượt xem; MV “Phiên chợ ngày xuân” đạt 247 ngàn lượt xem; “Mù say say thẩm mã đèo” đạt 48 ngàn lượt xem;…

Bài hát về Hà Giang của A Páo luôn đón nhận được sự yêu mến của khán giả
Bài hát về Hà Giang của A Páo luôn đón nhận được sự yêu mến của khán giả

Đưa Hà Giang gần hơn với mọi người

Hà Giang là mảnh đất đầy bản sắc với đa dạng văn hóa các dân tộc thiểu số, là nguồn cảm hứng sáng tác của biết bao thế hệ các nhạc sĩ Việt Nam. Nhiều tác giả, ca khúc, MV về Hà Giang đã được công chúng đón nhận, yêu quý. 

Tiêu biểu phải kể đến nhạc sĩ Nguyễn Thanh Phúc, một nhạc sĩ của núi rừng Hà Giang, ông đã có hơn 60 ca khúc viết về quê hương Hà Giang đi vào lòng người rất đặc sắc. Tiêu biểu như ca khúc “Hà Giang quê hương tôi” (sáng tác năm 1972), là tiếng lòng của nhạc sĩ Nguyễn Thanh Phúc với Hà Giang. Bài hát này là huyền thoại trong lòng người dân Hà Giang, đưa Hà Giang đến gần hơn với tất cả mọi người gần xa.

Biểu diễn múa kiếm của đồng bào dân tộc Giáy được biểu diễn tại Chợ phong lưu Khâu Vai, huyện Mèo Vạc
Biểu diễn múa kiếm của đồng bào dân tộc Giáy được biểu diễn tại Chợ phong lưu Khâu Vai, huyện Mèo Vạc

Hay ca khúc “Người Mèo ơn Đảng”, là hình ảnh những đoàn cán bộ tuyên truyền cho cách mạng lặn lội đến tận những bản làng của đồng bào Mông xa xôi, để vận động bà con không nghe lời kẻ xấu, không đốt rẫy làm nương, xuống núi, sống quây quần ở những bản mới định cư. Bài hát được biểu diễn ở hầu khắp các chương trình nghệ thuật lớn, nhỏ tại địa phương và Trung ương và là bài hát được nhiều người Việt thuộc lòng.

Nhạc sĩ Nguyễn Thanh Phúc còn được biết đến với nhiều ca khúc nổi tiếng về mảnh đất Hà Giang như: “Nhớ mãi quê em Hoàng Su Phì”, “Xín Mần quê em”, “Một thoáng Bắc Quang”, “Hát về Quản Bạ quê tôi”, “Hoan hô Lò Giàng Páo”…; Ông đã đưa vào bài hát những gì đặc trưng nhất của Hà Giang như hình ảnh núi đồi, rừng cây, nương chè, đoàn ngựa thồ hàng, những phiên chợ đầy màu sắc…

Bên cạnh đó, nhiều bài hát hay về Hà Giang được khán giả đón nhận, yêu thích và thuộc lòng như: “Mùa hoa tam giác mạch” của Anh hùng lao động, GS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí; “Chuyện tình Khâu Vai”, âm nhạc Trọng Đài (lời thơ Nguyễn Thế Kỷ). “Về Hà Giang” của nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn (thơ Hồ Đức Phớc); “Hà Giang quê mình”, nhạc Đoàn Thu Trà (thơ Lại Quốc Tính); “Phiên chợ vùng cao” sáng tác Phạm Tịnh; “Tình ca cao nguyên đá”, nhạc Lê An Tuyên (thơ Đoàn Sinh Hưởng);…

Nhờ âm nhạc đã thúc đẩy du khách đến với Hà Giang, góp phần nâng cao giá trị, vật chất và tinh thần cho Nhân dân các dân tộc trong tỉnh
Nhờ âm nhạc đã thúc đẩy du khách đến với Hà Giang, góp phần nâng cao giá trị, vật chất và tinh thần cho Nhân dân các dân tộc trong tỉnh

Nhờ âm nhạc đã lan tỏa hình ảnh về vùng đất, con người Hà Giang, thôi thúc khách du lịch từ mọi miền Tổ quốc hướng về Hà Giang. Nhờ đó, năm 2023, Hà Giang ước đón trên 3 triệu lượt du khách, trong đó có 282 nghìn lượt khách quốc tế, trên 2,7 triệu lượt khách nội địa (tăng 33% so với cùng kỳ năm 2022). Tổng thu từ du lịch ước đạt gần 7.100 tỷ đồng, tăng 56,3% so với cùng kỳ 2022. GDP năm 2022 của Hà Giang đạt gần 30.600 tỷ đồng, doanh thu du lịch 4.306 tỷ đồng.

Có thể nói, Hà Giang là vùng đất đậm sắc màu văn hóa với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, là chất liệu, là vùng đất màu mỡ để các văn, nghệ sĩ thỏa sức sáng tác và cho ra nhiều tác phẩm âm nhạc có giá trị. Và chính âm nhạc đã gây thương nhớ cho bao người, bao thế hệ, lan tỏa hình ảnh về vùng đất, con người Hà Giang, tạo sức bật cho du lịch phát triển.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.