Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn - Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS vùng lõi di sản (Bài 1)

Văn Hoa - Tào Đạt - 21:36, 03/11/2023

Trải qua gần 14 năm xây dựng và phát triển, với 3 lần được Hội đồng mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO đánh giá cao và tiếp tục công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu (lần thứ 3 vào đầu tháng 9/2023), Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá (CVĐCTCCNĐ) Đồng Văn đã trở thành điểm đến thứ 25 trong 52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới do Tạp chí New York Times (Mỹ) bình chọn. Kết quả đó là trái ngọt của những nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong việc bảo tồn di sản cao nguyên đá, đặc biệt là gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa các DTTS vùng lõi di sản.

Nghệ nhân dạy cách làm khèn Mông cho thế hệ trẻ
Nghệ nhân dạy cách làm khèn Mông cho thế hệ trẻ

Bức tranh văn hóa đa sắc màu

Cao nguyên đá Đồng Văn, bao gồm địa giới hành chính của 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc… là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc anh em: Mông, Dao, Tày, Nùng, Giáy, Bố Y, Lô Lô, Cờ Lao, Pu Péo..; trong đó, người Mông chiếm hơn 50% dân số. Điều kiện địa hình đặc thù của Cao nguyên đá, là sự thách thức lớn đối với đời sống đồng bào các dân tộc. Do đó, trong quá trình thích ứng với tự nhiên và xã hội, các dân tộc anh em ở đây đã sáng tạo nên những yếu tố văn hóa vô cùng độc đáo, từ trang phục, nhà ở, lễ hội…

Từ thành phố Hà Giang vượt dốc Bắc Sum, du khách sẽ bắt đầu trải nghiệm với rất nhiều điểm di sản địa chất - những chứng nhân lịch sử tiến hóa lâu đời, choáng ngợp với các giá trị văn hóa của đồng bào các DTTS đa sắc màu. Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, đồng bào các dân tộc vẫn giữ gìn những mô hình nhà truyền thống với mái ngói âm dương cổ kính; những người phụ nữ Mông, Lô Lô vẫn giữ được bản sắc về trang phục; những tiếng khèn Mông vẫn cất vang trên bản làng như mời gọi nhau đi chảy hội; các bé trai, bé gái với bộ trang phục truyền thống, những quẩy tấu hoa và nụ cười rạng rỡ bên đường…

Các bé gái người Mông rực rỡ bên những quẩy tấu hoa tại Thung lũng Sủng Là
Các bé gái người Mông rực rỡ bên những quẩy tấu hoa tại Thung lũng Sủng Là

Nếu được tham dự Lễ hội Chợ phong lưu khâu vai (thuộc xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc), du khách sẽ may mắn trải nghiệm một không gian văn hóa đa sắc màu với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, như: Trình diễn thổi khèn Mông; trình diễn múa kiếm của dân tộc Giáy xã Nậm Ban; múa, nhảy lửa của dân tộc Lô Lô xã Xín Cái; múa trống đồng, múa kéo nhị, điệu nhảy trên cây của dân tộc Lô Lô thị trấn Mèo Vạc; múa trống của dân tộc Giáy, thôn Nà Trào, xã Tát Ngà; hát dân ca dân tộc Nùng, xã Khâu Vai; hát đối giao duyên của dân tộc Nùng, Giáy; các trò chơi dân gian, như thi leo cột chinh phục tình yêu, tung còn giao duyên, đánh yến, ném pao, địu nước, bắn nỏ, giã bánh giày…

Các chàng trai người Giáy tham gia Lễ hội Chợ phong lưu Khâu Vai
Các chàng trai người Giáy tham gia Lễ hội Chợ phong lưu Khâu Vai

Trong thời gian lưu lại thung lũng Sủng Là, du khách có thể trải nghiệm các hoạt động trong cuộc sống thường ngày của đồng bào dân tộc Mông, Lô Lô, trải nghiệm các công đoạn làm bánh tam giác mạch, nấu rượu men lá, dệt lanh…

Bên cạnh việc thỏa sức ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, đã mắt với sắc màu văn hóa truyền thống các dân tộc, du khách còn được thưởng thức nhiều món ăn hấp dẫn của đồng bào các dân tộc như món thắng cố, bánh tam giác mạch, cháo ấu tẩu, phở Tráng Kìm; lạp sườn, thịt trâu, bò gác bếp…

Chị Nguyễn Thị Hồng, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh, khi tham dự Lễ hội hoa tam giác mạch năm 2023 tại huyện Đồng Văn bày tỏ, đây là lần thứ 4 chị về với Hà Giang, tuy nhiên chị vẫn thích quay trở lại. Theo chị Hồng, đến với vùng cao nguyên đá, chị được sống trong một không gian văn hóa vô cùng phong phú và đặc sắc, bởi bà con ở đây vẫn giữ được bản sắc văn hóa đặc trưng từ nhà ở, đến trang phục truyền thống và đặc biệt là các lễ hội, như Lễ hội hoa tam giác mạch chị đang tham dự.

Một buổi hoạt động ngoại khóa của học sinh trên địa bàn huyện Mèo Vạc
Một buổi hoạt động ngoại khóa của học sinh trên địa bàn huyện Mèo Vạc

Đặc biệt, tại các trường học, nhờ được tiếp cận với các hoạt động văn hóa truyền thống, học sinh có cơ hội nâng cao hiểu biết và giữ gìn được bản sắc của dân tộc mình, được giao lưu, biết và tôn trọng văn hóa của các dân tộc khác. Thông qua việc lồng ghép, giảng dạy văn hóa truyền thống giúp nhiều học sinh học và có thể trình diễn được nhiều điệu múa, hát dân gian, múa khèn Mông; góp phần nâng cao ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, từng bước cùng cấp ủy, chính quyền bài trừ hủ tục lạc hậu ở địa phương…

Theo ông Hà Đình Phong, Trưởng phòng Giáo dục huyện Đồng Văn, những giá trị văn hóa truyền thống được giảng dạy tại các nhà trường, đã tạo nền tảng, khơi dậy tình yêu văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ. Bên cạnh kiến thức cơ bản, đa số học sinh đều nhận thức đầy đủ về bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, biết hát các làn điệu dân ca, múa các điệu múa truyền thống, biết sử dụng nhạc cụ, chơi các môn thể thao dân tộc...

Có thể thấy, vùng cao nguyên đá Đồng Văn có phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, một bức tranh văn hóa đa sắc màu. Điều đó cho thấy, những nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền trong việc nâng cao nhận thức người dân, để đồng bào các DTTS tự hào tích cực gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Nỗ lực gìn giữ các giá trị văn hóa

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 (Nghị quyết số 07-NQ/ĐH, ngày 17/10/2020) xác định: “Văn hóa giữ một vị trí quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”.

Đồng bào người Mông đan các sản phầm thủ công phục vụ khách du lịch tại Làng văn hóa Du lịch cộng đồng dân tộc Mông xã Pả Vi
Đồng bào người Mông đan các sản phầm thủ công phục vụ khách du lịch tại Làng văn hóa Du lịch cộng đồng dân tộc Mông xã Pả Vi

Nhận thức được tầm quan trọng trong gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, trong những năm qua, công tác bảo tồn, gìn giữ văn hóa các dân tộc tại các huyện vùng Công viên địa chất đã có bước phát triển và đạt kết quả quan trọng. 

Để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp khôi phục, lưu giữ thông qua việc tổ chức, phục dựng những lễ hội truyền thống như: Lễ hội Khèn Mông, lễ cúng thần rừng của người Lô Lô xã Lũng Cú, lễ hội Gầu tào của dân tộc Mông; lễ đua cá chép ruộng của người Tày ở Yên Minh, Lễ cúng thần rừng của người Cờ Lao; bảo tồn, khôi phục những làn điệu dân ca của địa phương.

Cùng đó, tỉnh Hà Giang đã quan tâm đầu tư, nâng cấp các di tích, điểm du lịch quan trọng, thu hút du khách, đảm bảo giữ nguyên vẹn những giá trị văn hóa lâu đời. Tại các huyện, thành phố, phong trào văn hóa ở cơ sở phát triển mạnh, hoạt động ngày một đổi mới, đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và vật chất của Nhân dân trên địa bàn. Hệ thống Hội nghệ nhân dân gian hoạt động hiệu quả, góp phần tích cực trong việc truyền dạy, gìn giữ văn hóa truyền thống của đồng bào và thúc đẩy phong trào văn nghệ quần chúng…

Phụ nữ Mông vẫn gìn giữ được nghề dệt vải lanh của dân tộc
Phụ nữ Mông vẫn gìn giữ được nghề dệt vải lanh của dân tộc

Tại các xã, nhiều hợp tác xã, tổ, nhóm sở thích được ra đời như các tổ dệt vải lanh, vẽ sáp ong trên vải lanh, nhóm thêu thổ cẩm, may mặc trang phục truyền thống ngày càng thu hút đông đảo các thành viên tham gia. Đặc biệt, nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ về giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc, Đề án “Đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy tại các trường học trên địa bàn tỉnh” phát huy hiệu quả tích cực. Nhờ đó, các em học sinh đã nhận thức rõ nét về văn hóa truyền thống của cha ông, tạo sự lan tỏa tích cực trong thế hệ trẻ.

Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang cho biết, để tiếp tục gìn giữ, bảo tồn các giá trị di sản, tỉnh sẽ tập trung giải quyết từng lĩnh vực. Trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, nâng cao nhận thức cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là người đứng đầu về bảo tồn, phát triển các giá trị di sản theo hướng khai thác phát triển đi đôi với bảo tồn di sản văn hóa, di sản địa chất…

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.