Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Lan toả, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào Khmer

Trương Vui - Ngọc Chí - 10:40, 10/11/2023

Những giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc và mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc của dân tộc là niềm tự hào mà bao thế hệ người Khmer nỗ lực giữ gìn và phát triển.

Đồng bào Khmer đến chùa thực hành các nghi lễ trong dịp lễ Sen Dolta (Ảnh: TL)
Đồng bào Khmer đến chùa thực hành các nghi lễ trong dịp lễ Sen Dolta (Ảnh: TL)

Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống qua lễ hội

Để gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, những năm qua, đồng bào Khmer luôn chú trọng thực hiện nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

Một trong số đó là tổ chức lễ Sen Dolta (lễ cúng ông bà), bắt nguồn từ tín ngưỡng xa xưa của người dân tại phum sóc Khmer, cho đến nay vẫn được đồng bào Khmer gìn giữ, xem là một nét văn hóa độc đáo, một lễ hội truyền thống in đậm bản sắc văn hóa của dân tộc.

Lễ Sen Dolta được tổ chức nhằm bày tỏ lòng biết ơn đối với ông bà, cha mẹ, tưởng nhớ công ơn và lên chùa hồi hướng cho linh hồn các bậc sinh thành, những người trong thân tộc đã quá cố, thể hiện truyền thống “Cây có cội, nước có nguồn”.

Đây còn là dịp để con cháu đền ơn, đáp nghĩa, nhắc nhở mọi người về lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, tri ân những bậc tổ tiên đã khai phá đất đai, phù hộ cho phum, sóc được bình an, thịnh vượng. Đồng thời cũng là cơ hội để mọi người gặp gỡ, sinh hoạt văn hóa tôn giáo, thắt chặt hơn tình đoàn kết trong cộng đồng.

Theo truyền thống, lễ Sen Dolta thường được tổ chức với 4 nghi thức chính: lễ đặt cơm vắt (Bos Bai Ben), lễ cúng ông bà (Sen Dolta), lễ rước ông bà (Phchum Ben) và lễ đưa tiễn ông bà (chun Đôn Ta). Ngày nay cuộc sống đã có nhiều đổi thay, để phù hợp với cuộc sống hiện đại, lễ Sen Dolta có sự thay đổi ít nhiều, nhưng những nét truyền thống, bản sắc vốn có của nghi lễ vẫn được gìn giữ, chú trọng.

Đồng bào Khmer làm lễ cầu siêu tại chùa trong dịp Lễ Sene Dolta (Ảnh: Như Tâm)
Đồng bào Khmer làm lễ cầu siêu tại chùa trong dịp Lễ Sene Dolta (Ảnh: Như Tâm)

Theo đó, năm nay, lễ Sen Dolta được diễn ra trong 3 ngày từ 29/8-1/9 âm lịch (ngày 13-15/10), với nhiều hoạt động mang đậm văn hóa dân tộc Khmer. Đây là sự kiện thường niên, có ý nghĩa sâu sắc nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer, tăng cường đoàn kết toàn dân, góp phần giới thiệu, quảng bá, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống đồng bào Khmer tới bạn bè trong nước và quốc tế.

Cùng với lễ Sen Dolta, đồng bào Khmer cũng có nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc, những phong tục, lễ hội đa dạng như: lễ hội Ok Om Bok (Cúng trăng), Tết Chôi Chnăm Thmây (Nguyên Đán), Lễ hội đua ghe ngo; nghệ thuật âm nhạc, múa như Răm vông, Lăm leo, Saravan, múa truyền thống Khmer…; nghệ thuật sân khấu Rô băm, Dù kê; hệ thống ngôn ngữ, chữ viết, các nghi lễ truyền thống, kho tàng văn học dân gian phong phú cùng bộ trang phục dân tộc độc đáo…được bảo tồn và kế thừa qua nhiều thế hệ.

Ngoài ra, gắn với đời sống sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật và kiến trúc chùa tháp được coi là di sản đặc sắc của văn hóa đồng bào Khmer. Trong đó có hệ thống kiến trúc chùa Phật giáo Nam Tông, với lịch sử hình thành lâu đời, mang nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa và kiến trúc. Đây vừa là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, vừa là nơi lưu giữ, trao truyền những giá trị truyền thống đặc trưng của đồng bào Khmer.

Dân tộc Khmer có nền văn hóa phát triển đa dạng gắn liền với những tín ngưỡng mang sắc thái riêng biệt
Dân tộc Khmer có nền văn hóa phát triển đa dạng gắn liền với những tín ngưỡng mang sắc thái riêng biệt

Chú trọng bảo tồn văn hóa dân tộc

Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, văn hóa truyền thống đồng bào Khmer đã khẳng định được vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, là kho tàng vô giá trong di sản văn hoá của quốc gia, dân tộc.

Cũng chính vì thế, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đồng bào Khmer, từ các loại hình nghệ thuật, tới văn hóa tín ngưỡng, văn hóa lễ hội…, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, các địa phương nỗ lực triển khai thực hiện. Đặc biệt là đồng bào Khmer cũng luôn mang trong mình ý thức, trách nhiệm trong bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Những năm qua, nhờ triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là trong giai đoạn hiện nay, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, đã góp thêm những nguồn lực quan trọng thúc đẩy quá trình gìn giữ bản sắc và phát huy văn hóa cộng đồng dân tộc Khmer.

Lễ hội đua ghe Ngo của đồng bào Khmer
Lễ hội đua ghe Ngo của đồng bào Khmer

Theo đó, hàng năm, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer đều được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao, tạo ra một không gian văn hóa ý nghĩa để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên được gặp gỡ, giao lưu; các lễ hội truyền thống cũng được chú trọng triển khai, tổ chức, góp phần nâng cao ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, đồng thời tôn vinh, lan tỏa những giá trị văn hóa của đồng bào.

Cùng với đó, tận dụng lợi thế văn hóa độc đáo, trong quá trình bảo tồn các giá trị truyền thống, đồng bào Khmer còn khai thác, tạo ra các sản phẩm văn hóa bền vững phục vụ du lịch. Từ đó vừa góp phần quảng bá, giới thiệu đến công chúng về nét đặc trưng trong đời sống, sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Khmer, vừa là một cách làm hiệu quả để lan tỏa tình yêu văn hóa dân tộc, đặc biệt là với thế hệ trẻ người Khmer.

Ngoài ra, nhiều địa phương vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đã tiến hành bảo tồn, trùng tu các ngôi chùa Khmer, phê duyệt nhiều đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn. Đồng thời lập hồ sơ khoa học về các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer tiêu biểu, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, tiếp nối nhiều giá trị văn hóa đặc sắc đã được công nhận như: Hát Aday; Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông; Lễ hội đua ghe ngo; Lễ hội Ok Om Bok; nghệ thuật sân khấu Rô băm; Nghệ thuật sân khấu Dù kê…

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự giao thoa, du nhập văn hóa diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Khmer đang ngày càng được chú trọng, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân. Từ đó góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa độc đáo, tạo nên sự phong phú, đa dạng trong đời sống tinh thần của đồng bào các DTTS trong tiến trình hội nhập và phát triển.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.