Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Lan tỏa văn hóa truyền thống đến cộng đồng

Đình Tuân - 09:19, 30/03/2021

Trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, âm nhạc dân gian đã có lúc nguy cơ bị mai một, lãng quên, thì ở đâu đó vẫn có những bạn trẻ đam mê, tìm tòi để bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống nhằm lan tỏa đến cộng đồng.


Các thành viên của nhóm yêu nhạc cụ dân tộc do anh Lương Văn Huỳnh (giữa) lập nên hiện có 10 thành viên tham gia, trong đó có nông dân, giáo viên, bảo vệ…
Các thành viên của nhóm yêu nhạc cụ dân tộc do anh Lương Văn Huỳnh (giữa) lập nên hiện có 10 thành viên tham gia, trong đó có nông dân, giáo viên, bảo vệ…

Vào những sớm ban mai hay khi bản làng đã lên đèn, bà con dân tộc Thái ở bản Mon, thị trấn Thạch Giám, huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An) dường như lắng lại để nghe tiếng khèn, tiếng sáo cất lên từ ngôi nhà nhỏ của anh Lương Văn Huỳnh. Từ thanh âm của những nhạc cụ được làm bằng tre, nứa, người nghe như cảm nhận được nỗi niềm của những “nghệ sĩ bản làng”.

Đam mê các làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Thái từ nhỏ, dành tình yêu sâu nặng cho tiếng khèn bè, tiếng sáo, tiếng pí, tiếng tùng tinh… nên hễ ở đâu có người chơi nhạc cụ dân tộc là Lương Văn Huỳnh lại tìm đến học hỏi và tự trau dồi ngón đàn cho mình.

Lớn lên, Huỳnh luôn khát khao theo học nghệ thuật nhưng vì hoàn cảnh gia đình, anh gác lại ước mơ ấy để chọn học ngành sư phạm. Thế nhưng khi âm nhạc đã trở thành niềm đam mê, đã ngấm vào máu thì không dễ gì dứt bỏ được. Bởi thế, khi còn là sinh viên ngành sư phạm, anh vẫn tích góp tiền để mua các nhạc cụ, trong đó có một chiếc đàn Mandolin rồi tự mày mò, nghiên cứu học cách chơi đàn. Với năng khiếu sẵn có, chỉ một thời gian ngắn, Huỳnh đã sử dụng thành thạo nhạc cụ có nguồn gốc Tây phương này.

Thả hồn vào tiếng sáo
Các thành viên trong nhóm thả hồn vào tiếng sáo

Lương Văn Huỳnh cho biết, trong thời gian học tập và sau này khi đã ra trường, anh đã dày công đi đến nhiều bản làng để tìm hiểu các loại nhạc cụ dân tộc. Anh còn vận động những người có khả năng sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc tập hợp lại thành nhóm yêu âm nhạc dân tộc để giao lưu và học hỏi lẫn nhau. Sau một thời gian ngắn, đã có gần 10 thành viên tham gia. Các thành viên mỗi người một hoàn cảnh, công việc khác nhau nhưng có chung niềm đam mê yêu âm nhạc dân tộc và họ mong muốn giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống cho mai sau.

Tấu lên giai điệu của khèn bè
Tấu lên giai điệu của khèn bè

Mỗi tuần 2-3 buổi tối, nhóm tập trung tại nhà anh Huỳnh cùng luyện tập, sưu tầm và chơi các nhạc cụ dân tộc. Mùa này vào ban đêm tiết trời vẫn giá lạnh nhưng các thành viên vẫn có mặt đông đủ để luyện tập.

Ông Lay Sông Thao, một thành viên của nhóm, nhà ở bản Lạ, xã Lượng Minh cho hay: “Năm nay, tôi đã 60 tuổi, không còn trẻ nữa, nhà lại ở xa nhưng mỗi khi anh em tập trung là tôi có mặt. Chúng tôi tập trung lại với nhau vừa thỏa nỗi đam mê vừa để các cháu nhìn vào gương của các chú, các bác mà học tập”.

Khi được hỏi dự định trong thời gian tới, anh Lương Văn Huỳnh chia sẻ: “Song song với việc duy trình đội hòa tấu nhạc cụ dân tộc, chúng tôi đang dự định mời một số chị em biết hát các làn điệu dân ca dân tộc Thái như xuối, khắp, lăm, nhuôn... cùng tham gia vào nhóm. Chúng tôi sẵn sàng truyền dạy miễn phí cho những ai yêu thích nhạc cụ dân tộc”.

Ngoài sưu tầm, nhóm cũng chú trọng sáng tác những làn điệu mới trên nền dân ca Thái.
Ngoài sưu tầm, nhóm cũng chú trọng sáng tác những làn điệu mới trên nền dân ca Thái.


Thiết nghĩ, chỉ có sự tâm huyết của anh Huỳnh, ông Thao, ông Cương, anh Pắn… thì chưa đủ, các cấp, các ngành có liên quan cần có những giải pháp căn cơ hơn để văn hóa dân gian, các nhạc cụ dân tộc được bảo tồn và sống với thời gian.

Tin cùng chuyên mục
Lễ hội Katê lung linh sắc màu văn hóa Chăm

Lễ hội Katê lung linh sắc màu văn hóa Chăm

Hằng năm, cộng đồng người Chăm ở 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận tổ chức 4 lễ lớn trên các đền tháp như Yuer Yang, Katê, Cambur và Peh Bimbeng Yang. Trong đó, Lễ hội Katê có sự tham gia của cả cộng đồng người Chăm và đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.