Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

­Lặng Art - nơi gặp gỡ của những tấm lòng giàu trắc ẩn

Tiêu Dao - 11:28, 31/07/2023

Nằm nép mình bên con đường Pasteur (TP. Đà Lạt, Lâm Đồng), Quán cà phê Lặng Art lâu nay đã trở thành chốn đi về của rất nhiều em học sinh Trường Khiếm thính Lâm Đồng. Ở đó, những học sinh khiếm thính được hòa mình vào không gian “động” nhưng lại rất “tĩnh” của những tấm lòng giàu trắc ẩn.

Lặng Art nằm bình yên trên một con đường ở Đà Lạt.
Lặng Art nằm bình yên trên một con đường ở Đà Lạt

Quán cà phê không tiếng động

Chủ nhân của Lặng Art là anh Võ Anh Tuấn (39 tuổi, nhân viên một công ty du lịch lữ hành) có tấm lòng giàu trắc ẩn với những em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn vì những khuyết tật bẩm sinh. Tuấn chia sẻ, quán cà phê Lặng Art ra đời từ một sự tình cờ. Trong một lần đến thăm Trường Khiếm thính Lâm Đồng, anh cảm động trước tấm lòng của các thầy cô với 120 học sinh đang học tại đây. Đồng thời, thán phục bàn tay khéo léo của các em khi làm ra những món đồ chơi, quà lưu niệm từ cây cỏ Đà Lạt.

Thời điểm ấy, những khó khăn cũng chồng chất với cán bộ, giáo viên tại Trường Khiếm thính Lâm Đồng. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Ngọc Minh chia sẻ những trăn trở lòng mình với anh Tuấn: “Các em ở đây khéo tay lắm. Các em vẽ tranh, làm đồ handmade từ những vật tái chế thành những vật xinh xắn, hữu ích cho cuộc sống. Nhưng sản phẩm của các em chưa đến được với nhiều người. Trong khi đó ở ngoài kia, rất nhiều người đang quan tâm tới những đồ vật trang trí được làm từ đồ tái chế nhưng lại chưa tiếp cận được?”.

Anh Tuấn (đeo kính ở giữa) nhiều năm dành tâm huyết của mình cho các em khuyết tật.
Anh Võ Văn Tuấn (đeo kính ở giữa) nhiều năm dành tâm huyết cho các em khuyết tật.

Mang nỗi niềm trăn trở của cô trò trở về, ấp ủ ý tưởng, đến năm 2020, anh Tuấn quyết định đem số tiền hơn 200 triệu đồng dành dụm được đầu tư, cải tạo phần mái hiên của Trường Khiếm thính Lâm Đồng trở thành nơi trưng bày, giới thiệu các sản phẩm hand made của học sinh, kết hợp bán cà phê để các em có thể sống được bằng nghề. Lặng Art ra đời từ “cơ duyên” đó. Quán vừa là nơi các em bán trà, bánh, cà phê, vừa là không gian trưng bày các sản phẩm thiên nhiên, sản phẩm handmade.

Lặng Art -
Lặng Art -

Tại Lặng Art có bạn Nguyễn Lương Quang (22 tuổi) bị khiếm thính bẩm sinh. Sau khi học xong lớp 9 tại Trường Khiếm thính tỉnh Lâm Đồng, Quang trở về sống với gia đình. Trong lúc hoang mang chưa biết làm gì để tạo ra thu nhập, tự nuôi sống bản thân thì Quang được nhận vào làm việc tại Lặng Art. “Tôi mơ ước sau này tự mình có thể mở được một quán cà phê như “Lặng Art” để tạo thêm công việc cho những người cùng cảnh ngộ”, Quang bộc bạch.

Nhiều sản phẩm thêu tay rất đẹp tại tại ­Lặng Art đều do các em khiếm thính sáng tạo nên
Nhiều sản phẩm thêu tay rất đẹp tại ­Lặng Art đều do các em khiếm thính sáng tạo nên
Lặng Art là nơi các bạn khiếm thính làm việc.
Lặng Art là nơi các bạn khiếm thính làm việc.

Hay như Hương, cô bé 16 tuổi ước mơ trở thành giáo viên để sau này được dạy học cho các em ở chính trường khiếm thính này. Hương làm việc tại quán và ấp ủ giấc mơ đi học sư phạm như thế.

Khi quyết định mở quán, anh Tuấn lặng lẽ đóng từng chiếc bàn, tự tay đắp từng viên gạch. Từ từ tìm kiếm, kết nối thêm với những nhà sản xuất để đa dạng thêm hàng hóa. Tìm nơi học và dạy cách pha cà phê ngon, trà ngọt. Học cách vận hành, tổ chức quán. Rồi học cả cách kết nối với các em khiếm thính. Quán cà phê ra đời với mặt bằng rộng chưa đầy 100 m2, mặt tiền hướng ra đường để tiện cho du khách. Các học sinh lớn trong trường tự nguyện tham gia vào việc bài trí cho quán bằng những sản phẩm tự tay làm ra.

Tại Lặng Art, các em vẽ tranh, làm đồ handmade từ những vật tái chế thành những vật xinh xắn, hữu ích cho cuộc sống.
Tại Lặng Art, các em vẽ tranh, làm đồ handmade từ những vật tái chế thành những vật xinh xắn, hữu ích cho cuộc sống.

Hiện nay, Lặng Art đã trở thành một địa điểm hẹn hò thường trực của các bạn trẻ. Các bạn ghé đến đợi bạn của mình tan giờ làm để hẹn nhau đi chơi, đi ăn. Các bạn ghé đến để hỏi bạn mình về bài vở, gặp gỡ. Các bạn ghé đến để xem tranh, xem quà, và để níu thêm những yêu thương cho cuộc đời này. “Từ những trái tim yêu thương của khách hàng, Cafe Lặng Art đã tạo ra nguồn thu để các em có thể tự nuôi sống được bản thân mình”, anh Tuấn chia sẻ.

Nơi này, có “những bàn tay biết nói” giúp những người khiếm thính chiến thắng số phận.
Nơi này, có “những bàn tay biết nói” giúp những người khiếm thính chiến thắng số phận.

Sức lan tỏa của sự tĩnh lặng

Nhiều người khi lần đầu tiên đến Lặng Art đều vô cùng ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp đầy hoài cổ của địa điểm này. Nơi ấy không chỉ là một địa chỉ để giải trí, thư giãn mà còn là nơi chắp cánh cho những ước mơ không thể nói bằng lời. Nơi có thể chứng kiến, tận hưởng vẻ đẹp của cuộc sống được kiến tạo từ sự chân thành, tình thương yêu, không bao giờ từ bỏ niềm hy vọng cùng niềm tin mãnh liệt vào khả năng kỳ diệu của con người.

Trong cuốn sổ lưu niệm đặt tại Lặng Art, có rất nhiều người khi đến đây đã để lại những cảm xúc, những sự khâm phục và nhiều lời động viên. Rằng “Hãy luôn giữ vững trong mình luồng suy nghĩ tích cực, lạc quan yêu đời cho dù khó khăn vẫn luôn túc trực song hành”; “Hãy tin vào những phép màu kỳ diệu sẽ luôn xuất hiện trong cuộc sống nhiều mảnh ghép này. Giữ vững đức tin và gắng bước tiến tới một tương lai tươi sáng phía trước...”.

Tại Lặng Art, vào mỗi tối thứ 7 hằng tuần đều có một đêm nhạc được trình diễn bởi những “nghệ sĩ đặc biệt” là những bạn khiếm thị tại Đà Lạt.
Tại Lặng Art, vào mỗi tối thứ 7 hằng tuần đều có một đêm nhạc được trình diễn bởi những “nghệ sĩ đặc biệt” là những bạn khiếm thị tại Đà Lạt.

Tại Lặng Art, hằng tuần, mỗi tối thứ 7 còn có một đêm nhạc được trình diễn bởi những “nghệ sĩ đặc biệt” là những bạn khiếm thị tại Đà Lạt. Đêm nhạc là chuỗi bài hát về cha, về mẹ, về gia đình. Bởi gia đình là mãi mãi, là điều tuyệt vời nhất với mỗi chúng ta. Với các em, các bạn có hoàn cảnh đặc biệt thì gia đình càng là điều gì đó thiêng liêng, là điểm tựa để các em dựa vào.

Đà Lạt mùa này lắc rắc mưa rơi. Anh Tuấn trầm tư bên khung cửa, anh đang suy tính đến việc làm sao phát triển được Lặng Art. Sắp tới, Trường Khiếm thính Lâm Đồng sẽ sáp nhập với Trường trẻ em thiểu năng Hoa Phong Lan. Trường sẽ chuyển về địa điểm mới trên đường Nguyễn Khuyến. Nếu được Ban Giám hiệu mời phối hợp, anh sẽ kêu gọi thêm các nhà tài trợ, xây dựng nơi đây thành một làng nghề của trẻ khuyết tật, tạo việc làm cho các em đã ra trường và là địa điểm dạy nghề cho các em đang theo học. Với lợi thế của một người làm trong ngành du lịch lữ hành, anh Tuấn sẽ xây dựng địa điểm này trở thành một điểm du lịch để thu hút du khách tới tham quan trải nghiệm, tiêu thụ sản phẩm cho trẻ khuyết tật.

 Chế Nguyễn Quỳnh Châu, Á hậu 1 Miss Grand Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam để lại lưu bút khi đến Lặng
Á hậu 1 Miss Grand Vietnam (Hoa hậu Hòa bình Việt Nam) Chế Nguyễn Quỳnh Châu để lại lưu bút khi đến Lặng Art

Còn đối với nhà trường vẫn còn một niềm trăn trở là con đường học tập lên cao của các bạn khiếm thính vẫn còn gian nan. Trường Khiếm thính Lâm Đồng không có cấp học THPT dành cho học sinh khiếm thính. Những học sinh có điều kiện kinh tế gia đình khá giả, muốn đi học tiếp bậc THPT thì phải xuống Đồng Nai. Nhưng đa số học sinh của trường đều có gia cảnh khó khăn. Bởi vậy, cô trò nơi đây luôn mong muốn được mở thêm 1 lớp ở cấp học THPT ngay tại Lâm Đồng để các học sinh chuyên biệt được trang bị đủ kiến thức trước khi bước ra xã hội. 

Tin cùng chuyên mục
Gặp nghệ nhân “xứ ta” gần 60 năm gắn bó với nghề làm kèn Tây

Gặp nghệ nhân “xứ ta” gần 60 năm gắn bó với nghề làm kèn Tây

Ở Nam Định người chơi được kèn Tây không hiếm. Hầu hết các giáo xứ, giáo họ trong tỉnh có đến 25% dân số theo đạo Công giáo này đều có hội kèn, mỗi hội có từ vài chục đến cả trăm người. Nhưng vừa chơi được kèn vừa làm ra được những chiếc kèn đồng vốn có xuất xứ từ phương Tây, thì chỉ có người dân xứ đạo Phạm Pháo (xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định).