Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Lặng lẽ tỏa hương

PV - 10:46, 02/03/2018

Biên cương của Tổ quốc đẹp hơn, thiêng liêng hơn, yên bình hơn bởi ở đây có những con người bình dị luôn tâm niệm góp sức mình bảo vệ đường biên, mốc giới. Họ là những “chiến sĩ không mang quân hàm”, như cây hồi, cây quế, lặng lẽ tỏa hương nơi biên ải.

Toàn huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) có 43km đường biên, 6 xã biên giới với 41 cột mốc, thì ở bản biên giới Ngàn Phe, xã Đồng Tâm có 2 mốc; ngoài ra còn có hàng trăm người dân, là đồng bào dân tộc Dao được ví như những “cột mốc sống” bao đời nay sinh sống và bảo vệ từng tấc đất nơi biên cương này.

Con đường bê tông lên bản Ngàn Phe, men theo những thửa ruộng bậc thang xen lẫn những cánh đào rừng khoe sắc dẫn chúng tôi đến nhà ông Voòng Phúc Niệp-Người có uy tín tiêu biểu nhất trong phong trào bảo vệ đường biên, cột mốc của huyện Bình Liêu. Ông hiện là Phó Bí thư Chi bộ thôn Ngàn Phe, năm nay đã bước vào tuổi 61.

Cán bộ Đồn Biên phòng Hoành Mô trao đổi công tác với ông Niệp và bà Múi ngay trên biên giới. Cán bộ Đồn Biên phòng Hoành Mô trao đổi công tác với ông Niệp và bà Múi ngay trên biên giới.

 

Thật may, khi chúng tôi đến thì ông Niệp cũng vừa đi rừng về. Như “cảnh báo” trước của Thượng tá Bùi Đức Hạnh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô, sẽ rất khó gặp được ông Niệp nếu không hẹn trước.

Theo lời ông Niệp kể, hầu như ngày nào ông cũng lên rừng, khi thì chích nhựa thông, khi thu hoạch hồi. Khoảng một tháng lại theo cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hoành Mô đi tuần tra dọc biên giới. Đến nay đã là 39 năm, ông gắn bó với những cột mốc biên cương với lý do theo ông bảo “phần vì trách nhiệm, nhưng phần nhiều là vì sự gắn bó, tình yêu mảnh đất biên ải quê hương nơi sinh ra, lớn lên”.

Để “mục sở thị” cột mốc biên cương Đông Bắc, chúng tôi theo ông Niệp ngược núi. Hai cột mốc mang số hiệu 1301, 1302 ở Ngàn Phe nằm trên độ cao hơn 1 nghìn mét so với mực nước biển, cách bản khoảng 5km. Ông bảo, hai cột mốc 1301, 1302 phân định ranh giới giữa nước ta với nước bạn Trung Quốc. Đường lên là tuyến đường mòn, chừng nửa tháng không có người qua là cây rừng đã phủ kín mặt.

Trên đường tuần tra biên giới. Trên đường tuần tra biên giới.

Đi nhiều, nên người đàn ông Dao này đã thuộc từng tảng đá, bờ cỏ nơi biên cương, khiến nhiều lúc chúng tôi theo không kịp. Vừa đi, ông vừa đưa lưỡi dao quắm sắc nhọn vạt từng đám cỏ tranh cao hơn đầu gối. “Hôm nào đi biên, tôi cũng giắt con dao quắm bên mình. Tới cột mốc kiểm tra xem có bị hư hại không, khu vực biên giới xung quanh có còn nguyên trạng rồi mới về”, ông nói.

Trải qua nhiều cương vị, từ Chủ nhiệm hợp tác xã, rồi trưởng bản, bí thư chi bộ, phó bí thư chi bộ, công việc nào ông Niệp cũng tâm huyết. Ông lọ mọ tới từng nhà, trò chuyện, vận động dân bản, bảo rằng, việc bảo vệ đường biên, cột mốc không phải chỉ của riêng bộ đội, mỗi người dân Ngàn Phe cũng là một chiến sĩ biên phòng, là một “cột mốc vô hình” trong bảo vệ an ninh biên giới.

Ông nói, một, hai chục năm nữa sức khỏe yếu, không đi được sẽ có con mình, cháu mình, rồi những người trách nhiệm ở thôn bản tiếp tục nhiệm vụ, sẵn sàng gìn giữ ranh giới biên cương.

Trao đổi với Thượng tá Bùi Đức Hạnh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô, chúng tôi được biết, cũng như ông Voòng Phúc Niệp, đội ngũ Người có uy tín ở huyện Bình Liêu đã và đang khẳng định vị trí, vai trò gương mẫu của mình; tích cực tham gia phong trào tự quản đường biên, cột mốc; phát huy được sức mạnh chính trị tổng hợp trong việc bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới.

Thượng tá Hạnh chia sẻ thêm, như ông Niệp, bà Chìu Nhì Múi, 55 tuổi dân tộc Dao, ngụ bản Nà Pò, xã Đồng Văn cũng đã có gần hai chục năm gắn bó với đường biên, cột mốc. Chẳng cần đến khi bộ đội biên phòng yêu cầu, bà Múi cũng sẵn sàng đóng góp cho phong trào bảo vệ đường biên cột mốc tự nhiên như cây đào, cây sở trên rừng vậy!

“Hai chục năm qua, bà Múi đã lội không biết bao lần qua bờ suối, con khe cùng các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng bảo vệ từng tấc đất quê hương. Những dấu hiệu bất thường trên cột mốc, những biểu hiện xâm canh, xâm cư đều được bà Múi báo ngay cho cán bộ biên phòng để kịp thời xử lý. Đã có hàng chục tin tức liên quan đến an ninh trật tự được bà cung cấp cho lực lượng chức năng trên địa bàn huyện Bình Liêu; góp phần bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn, bảo vệ đường biên, cột mốc biên cương” Thượng tá Bùi Đức Hạnh cho hay.

Ông Niệp, bà Múi là hai tấm gương tiêu biểu trong hàng chục Người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Bình Liêu đã và đang ngày đêm đóng góp công sức, mồ hôi của mình cho biên giới. Họ xứng đáng là những “cột mốc sống”-“chiến sĩ không quân hàm” trên biên giới, trở thành cánh tay nối dài giữa Đảng, Nhà nước, bộ đội với dân bản.

MINH THU

Tin cùng chuyên mục
Vĩnh Châu (Sóc Trăng): Cơ hội để đồng bào vươn lên thoát nghèo

Vĩnh Châu (Sóc Trăng): Cơ hội để đồng bào vươn lên thoát nghèo

Với đặc thù là địa phương có đông đồng bào DTTS, trong đó hơn 52% là người Khmer và 17% người Hoa, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn khá cao, thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) xác định, công tác dạy nghề và giải quyết việc làm là cứu cánh giúp bà con vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Trong đó, nguồn lực từ Tiểu dự án 3 - Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) sẽ là đòn bẩy giúp địa phương thực hiện mục tiêu này.