Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Làng nghề khăn xếp độc nhất miền Bắc vào vụ Tết

Vũ Mừng - Chí Tín - 05:52, 22/01/2024

Với người dân làng Giáp Nhất nghề làm khăn xếp đã trở thành niềm tự hào, là nét đẹp văn hóa in sâu vào trong tiềm thức. Công việc ấy diễn ra quanh năm nhưng khoảng thời gian đông vui và nhộn nhịp nhất, luôn là những tháng cận kề Tết Nguyên đán.

Tinh hoa nghề truyền thống

Những đơn hàng khăn xếp chờ hoàn thiện để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn
Những đơn hàng khăn xếp chờ hoàn thiện để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn

Khăn xếp, áo the được biết đến là trang phục truyền thống trong đời sống của người Việt, xa xưa tới mức không ai có thể biết chính xác những sản phẩm văn hóa ấy đã có mặt tự bao giờ. Ngày hôm nay, người ta có thể tìm kiếm được vô vàn những cơ sở may áo the, song đối với khăn xếp thì có lẽ làng Giáp Nhất (Thị trấn Nam Giang, Nam Trực, Nam Định) là địa phương cuối cùng tại miền Bắc còn giữ được tinh hoa của nghề này!

Từ trước những năm 1945, chiếc khăn xếp đã theo gánh hàng của người Giáp Nhất ngược con sông Đào, qua bến Đò Quan có mặt tại khắp các tỉnh thành, nhưng sau đó lượng người mua cứ thưa dần… Mỗi ngày nghề khăn xếp càng thêm mai một! Không ít nghệ nhân tính chuyện dứt duyên với nghề. Một vài hộ vẫn còn “âm ỉ” lưu luyến với khung khăn, sấp lụa thì cũng chỉ làm cho có, bởi chẳng một ai có thể tìm được đường đưa khăn “ra chợ”. Lịch sử của thị trấn Nam Giang cũng ghi lại, thời điểm ấy, dường như chiếc khăn xếp chỉ còn là thứ sản phẩm vang bóng một thời!

Thế rồi khi đất nước bước vào thời kỳ mở cửa, việc giao lưu và quảng bá văn hóa truyền thống có điều kiện phát triển mạnh mẽ, thì nườm nượp thương lái từ Hà Nội về làng hỏi mua khăn xếp. Tìm được thị trường tiêu thụ, nghề làm khăn xếp bỗng chốc hồi sinh mạnh mẽ, dần dà một nhà, hai nhà rồi cả làng đồng loạt quay trở lại với nghề. 

Ông Đoàn Thanh Sơn tỉ mẩn thực hiện những công đoạn làm khăn
Ông Đoàn Thanh Sơn tỉ mẩn thực hiện những công đoạn làm khăn

Sinh ra trong gia đình có truyền thống 5 đời làm khăn xếp, ông Đoàn Thanh Sơn (73 tuổi) kể người xưa có để lại một lề lối cổ truyền về việc đội khăn xếp đối với đàn ông, ở tuổi khác nhau đàn ông sẽ đội khăn xếp theo màu khác nhau. Như đàn ông từ 50-60 tuổi sử dụng loại khăn xếp màu đen, có chữ Thọ hay không đều được. Từ 70-89 tuổi phải đội khăn xếp màu đỏ, cụ ông từ 90 tuổi trở lên phải đội khăn màu vàng có chữ Thọ ở trên.

Ở miền Bắc khăn xếp vẫn giữ nguyên hình dạng vốn có từ cổ xưa, còn miền Trung, miền Nam thì đã cách tân nhiều. Nếu kỳ công so sánh thì ta dễ thấy được phần lưỡi trai khăn xếp miền Bắc quấn, xếp thành hình chữ Nhân trong khi miền Trung, Nam là hình chữ Nhất. Điểm thứ hai là khăn miền Bắc có nếp quấn dày hơn và dựng ngang trong khi khăn của miền Trung, Nam thì dựng đứng. Tiếp theo là búi tó (búi để buộc tóc) khăn xếp phía Bắc đặt ở phần phía trên đỉnh đầu, trong khi khăn xếp miền Trung, Nam đặt thấp hơn, lùi xuống phía sau gáy.

Không sợ mai một

Để làm được một chiếc khăn xếp phải trải qua 7 công đoạn như cắt vải, cắt xốp, máy, quấn, vẽ hoa... Sau khi hoàn thành, chiếc khăn phải chắc chắn, có độ dày các lớp đều nhau, cao độ của từng lớp hợp lý. Khăn xếp Giáp Nhất hiện có các loại như khăn đen với 4 quấn, 7 nếp; khăn 5 quấn, 7 nếp; khăn 6 quấn, 9 nếp; khăn dùng trong tế lễ (nam giới đội), khăn hầu các giá đồng…

Anh Đoàn văn Thủy chủ cơ sở khăn xếp Thuỷ Loan chia sẻ: Rất khó có thể xếp được một chiếc khăn đẹp và như ý
Anh Đoàn văn Thủy chủ cơ sở khăn xếp Thuỷ Loan chia sẻ: Rất khó có thể xếp được một chiếc khăn đẹp và như ý

Khăn xếp được bán quanh năm nhưng thời điểm giáp Tết, trước khi bước vào các lễ hội mùa xuân, luôn được người làm nghề coi là “chính vụ”. Tranh thủ những ngày nắng nhẹ cuối năm, từng chồng khăn xếp đỏ, xanh, tím, vàng lại được người Giáp Nhất đem ra hong cho nếp hồ thêm cứng, thêm đanh lại. Khi ấy khung cảnh của cả một cộng đồng cư dân sau lũy trẻ làng bỗng trở nên lung linh, rực rỡ. Được chứng kiến khung cảnh ấy, Nhiếp ảnh gia Viết Dư, Hội viên Hội VHNT tỉnh Nam Định chia sẻ: “Hàng hàng, lớp lớp khăn xếp nằm ngay ngắn trong khoảng sân của những ngôi nhà mái ngói rêu phong, có lúc lại vắt vẻo bên những bờ tường trơ lớp gạch đượm màu thời gian, đôi khi chen cả vào hai bên đường đi trong các con ngõ khiến cho Giáp Nhất mang một vẻ đẹp khác hẳn với những làng nghề mà tôi đã từng đi qua”.

Nâng niu chiếc khăn trên tay, anh Đoàn văn Thủy chủ cơ sở khăn xếp Thuỷ Loan chia sẻ: “Chất liệu để làm khăn trước đây là vải lượt, nhiễu hay vải sa tanh cũ, cốt khăn làm bằng giấy. Bây giờ, khăn xếp được làm với chất liệu tốt hơn như lớp ngoài là sa tanh bóng, nhung, gấm... Bên trong là vải sợi lót, cốt khăn làm bằng mút. Không còn làm thủ công 100% như trước kia, người thợ đã từng bước đưa máy móc về phụ trợ, thay thế bàn tay con người ở một số công đoạn. Các hộ trong làng cũng dần phân chia sản xuất theo từng công đoạn khác nhau để nâng cao năng suất. Thế nhưng nếu không đủ kiên nhẫn, rất khó có thể xếp được một chiếc khăn đẹp và như ý”.

Nghề làm khăn xếp đem lại thu nhập 5 – 6 triệu đồng/người/tháng góp phần giải quyết công ăn, việc làm vùng nông thôn
Nghề làm khăn xếp đem lại thu nhập 5 – 6 triệu đồng/người/tháng góp phần giải quyết công ăn, việc làm vùng nông thôn

Ngay từ năm 2020, hưởng ứng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của UBND huyện Nam Trực, thị trấn Nam Giang đã mạnh dạn đăng ký sản phẩm khăn xếp của làng nghề Giáp Nhất. Bên cạnh đó, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định cũng thường xuyên mời các hộ gia đình còn giữ nghề tại thôn Giáp Nhất tham gia trình diễn, giới thiệu sản phẩm khăn xếp tại các sự kiện văn hoá và hội chợ hàng thủ công truyền thống của tỉnh Nam Định. Chính quyền địa phương xem đây là phương án hiệu quả để khuyến khích người dân tiếp tục sản xuất và giữ nghề.

Bà Lương Thị Thêu chủ một cơ sở sản xuất lạc quan: “Cái hay của nghề là sản phẩm làm ra nếu chưa bán ngay được có thể lưu lại trong kho chờ tới dịp để bán, do đó người thợ có thể làm thường xuyên quanh năm. Mỗi tháng thu nhập từ nghề ở mức 5 – 6 triệu đồng/người. Không chỉ có những người cao tuổi mới tâm huyết với nghề mà còn rất nhiều người trẻ cũng say mê và cháy bỏng ước mơ tiếp nối nghề làm khăn xếp”.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Rà soát các tiêu chí đối với huyện phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025

Quảng Nam: Rà soát các tiêu chí đối với huyện phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025

Việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới (NTM) ở các huyện phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM và NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 ở Quảng Nam còn tương đối chậm. Do đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan rà soát, báo cáo để có hướng chỉ đạo triển khai trong thời gian tới.