Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Lạng Sơn: Họp báo công bố Quy hoạch tỉnh và Xúc tiến đầu tư năm 2024

Tuấn Trình - 18:23, 16/04/2024

Ngày 15/4, UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức họp báo công bố Quy hoạch tỉnh và Xúc tiến đầu tư năm 2024. Ông Dương Xuân Huyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Tham dự họp báo có lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Lạng Sơn và các cơ quan thông tấn báo chí trung ương, địa phương.

Ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại cuộc họp báo
Ông Dương Xuân Huyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại cuộc họp báo

Thông tin tại họp báo, UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, ngày 19/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 236/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Lạng Sơn, quy mô 831.018 ha, với 11 đơn vị hành chính gồm thành phố Lạng Sơn và 10 huyện.

Phía Đông Bắc giáp Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc; phía Bắc giáp tỉnh Cao Bằng; phía Nam giáp tỉnh Bắc Giang; phía Đông Nam giáp tỉnh Quảng Ninh; phía Tây giáp tỉnh Bắc Kạn; phía Tây Nam giáp tỉnh Thái Nguyên.

Trong quy hoạch nêu rõ, mục tiêu phát triển đến năm 2030: Xây dựng Lạng Sơn trở thành tỉnh biên giới có kinh tế phát triển, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái được bảo đảm, là một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng trung du và miền núi phía Bắc, là “cầu nối” ngày càng quan trọng trong kết nối kinh tế, thương mại giữa Việt Nam, các nước ASEAN, Trung Quốc và châu Âu.

Phóng viên đặt câu hỏi liên quan tới Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn năm 2024
Phóng viên đặt câu hỏi liên quan tới Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn năm 2024

Theo đó, các nhiệm vụ trọng tâm gồm: Đổi mới và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh hiện đại, minh bạch; Đầu tư nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng từng bước đồng bộ, hiện đại; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển du lịch trở thành một động lực tăng trưởng kinh tế lớn, ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới; phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp, nâng cao đạo đức xã hội, ý thức pháp luật, xây dựng văn hóa và con người Lạng Sơn; tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.

Đồng thời, xác định 4 khâu đột phá phát triển, gồm: Chuyển đổi số và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ và du lịch, phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, xanh, an toàn và hiện đại.

Tầm nhìn đến năm 2050, Lạng Sơn có nền kinh tế hiện đại, năng động, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống số. Lạng Sơn trở thành vùng đất XANH hấp dẫn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng sạch, nông nghiệp, công nghiệp và du lịch.

Về phương hướng phát triển ngành, lĩnh vực và phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội, UBND tỉnh Lạng Sơn thông tin, phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và năng lực cạnh tranh. Xây dựng tỉnh Lạng Sơn thành trung tâm dịch vụ cấp vùng, trung tâm giao thương kinh tế, đối ngoại giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc.

Phát triển Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn thành trung tâm kinh tế cửa khẩu hiện đại, năng động, trung tâm dịch vụ cửa khẩu và hậu cần Logistics quốc gia và quốc tế. Phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, có sức cạnh tranh cao, phát huy lợi thế đặc sản địa phương, gắn sản xuất nông nghiệp với du lịch.

Tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực: Dân số, lao động, việc làm; An sinh xã hội; Y tế; Giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp; Văn hóa, thể thao; Khoa học và công nghệ; Thông tin và truyền thông; Quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn được định hướng phát triển theo mô hình: 1 trục phát triển, 2 hành lang kinh tế và 3 vùng kinh tế - xã hội.

Đến năm 2030, toàn tỉnh có 17 đô thị gồm: 1 đô thị loại II (thành phố Lạng Sơn mở rộng); 3 đô thị loại IV; 13 đô thị loại V. Bên cạnh đó, về phương án phát triển các khu chức năng gồm các phương án phát triển: Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn; Hệ thống khu công nghiệp; Cụm công nghiệp; Khu du lịch; Các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; Khu quốc phòng, an ninh; Những khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Ông Vũ Hoàng Quý, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn trả lời câu hỏi của phóng viên trong buổi họp báo
Ông Vũ Hoàng Quý - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn trả lời câu hỏi của phóng viên trong buổi họp báo

Phát biểu tại họp báo, ông Vũ Hoàng Quý - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh, Quy hoạch tỉnh được phê duyệt là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, đóng vai trò như một bản thiết kế toàn diện, tổng quan, xác định tầm nhìn và mục tiêu phát triển dài hạn cho từng ngành, lĩnh vực và hình thành khung định hướng phát triển kinh tế - xã hội dài hạn giúp tỉnh Lạng Sơn nhận diện rõ tiềm năng, thế mạnh để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện đảm bảo phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, cụ thể hóa khát vọng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn.

Chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Dương Xuân Huyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, Lạng Sơn đặt mục tiêu không thu hút đầu tư bằng mọi giá mà xác định phát triển xanh, thu hút những doanh nghiệp vừa phát huy được thế mạnh của tỉnh, vừa gắn với bảo vệ môi trường, sinh thái.

Trong quá trình đó, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành một số cơ chế, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh trên các lĩnh vực cụ thể. Nghị quyết 16 của Hội đồng nhân dân tỉnh đã xác định rất rõ hỗ trợ các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông lâm nghiệp, thì hỗ trợ giảm giá thuê đất, hỗ trợ về kinh phí đầu tư hạ tầng… Còn thu hút vào các khu, cụm công nghiệp, tỉnh cũng đã có những định hướng để làm sao thu hút được những doanh nghiệp tăng trưởng xanh, bền vững.

Tin cùng chuyên mục
EVNNPC: Cảnh báo cuộc gọi mạo danh nhân viên điện lực hoàn tiền điện cho khách hàng

EVNNPC: Cảnh báo cuộc gọi mạo danh nhân viên điện lực hoàn tiền điện cho khách hàng

Trong thời gian gần đây, Trung tâm Chăm sóc khách hàng Điện lực miền Bắc (Tổng công ty Điện lực miền Bắc - EVNNPC) đã nhận được nhiều phản ánh về việc, khách hàng nhận được cuộc gọi mạo danh là nhân viên điện lực cung cấp thông tin do điện lực tính sai hóa đơn tiền điện trong kỳ thay đổi Lịch ghi chỉ số về những ngày cuối tháng nên liên hệ để hoàn tiền % theo hóa đơn, hoặc trả tiền điện thừa cho khách hàng.