Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên DTTS ở Lai Châu

Trọng Bảo - 14:15, 26/04/2024

Thời gian qua, với nỗ lực của bản thân và được hỗ trợ về nguồn vốn chính sách, nhiều thanh niên DTTS trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã xây dựng được những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, tạo sự lan lỏa tinh thần khởi nghiệp tuổi trẻ. Qua đó, góp phần cải thiện thu nhập tiến tới làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Mô hình trồng dâu tây của gia đình Giàng A Chứ đã và đang cho thu nhập cao hơn hẳn so với trồng ngô, lúa
Mô hình trồng dâu tây của gia đình Giàng A Chứ đã và đang cho thu nhập cao hơn hẳn so với trồng ngô, lúa

Năm 2009, Giàng A Chứ ở bản Lèng Chư, xã Dào San, huyện Phong Thổ đi làm thợ xây ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau. Công việc vất vả, thu nhập bấp bênh, anh quyết định trở về quê lập nghiệp. Năm 2020, Giàng Chứ được anh trai cho ít giống cây dâu tây về trồng. Thấy loại cây này dễ trồng và chăm sóc, phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng địa phương; cây nhanh cho thu hoạch, quả mọng, nhiều dinh dưỡng, giá bán trên thị trường cao, anh quyết định đưa vào trồng thử nghiệm, nếu hiệu quả sẽ nhân giống và mở rộng diện tích.

“Khi mới trồng dâu tây, do không có kiến thức về cách trồng và chăm sóc loại cây này, mình vừa làm vừa rút kinh nghiệm, rồi học thêm trên mạng Internet… Muốn cây dâu sinh trưởng và phát triển tốt cần đắp luống cao, cây không úng nước, tỉa bớt lá giúp cây tập trung ra nhiều quả và sử dụng nylon phủ bên ngoài gốc cây cho đất ẩm, tạo lớp ngăn cách quả với đất, hạn chế được sâu bệnh gây hại…”, anh Chứ chia sẻ.

Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, dám nghĩ, dám làm đã giúp chàng thanh niên 9X Giàng A Chứ biến những mảnh ruộng bậc thang khô cằn thành vườn dâu tây xanh tốt, sai quả và thành công trên con đường lập thân, lập nghiệp. Vụ đầu tiên, vườn dâu tây cho quả sai, to; với giá bán từ 100.000-120.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư gia đình anh thu về trên 10 triệu đồng.

Thành công bước đầu tạo động lực, khích lệ gia đình mở rộng diện tích. Năm 2022, anh Chứ trồng tiếp 500m2 dâu tây, thu được trên 60 triệu đồng. Đến năm 2023, gia đình anh tiếp tục trồng 800m2 và mang lại thu nhập trên 300 triệu đồng. Đầu vụ năm nay, vườn dâu của gia đình anh Chứ bình quân mỗi ngày thu về 6 triệu đồng, đem lại hiệu quả ngoài mong đợi. Tận dụng thời gian dâu nở hoa, anh Chứ còn nuôi ong lấy mật, giúp tăng thêm thu nhập cho gia đình.

“Ngoài thu hoạch bán quả, mình còn mở cửa đón du khách vào trải nghiệm, thu hái dâu tây. Có thời điểm, vườn nhà mình không đủ sản phẩm cho khách đến tham quan mua về làm quà. Với mô hình trồng dâu tây của gia đình, đã và đang tạo việc làm ổn định cho 6 lao động địa phương với mức lương bình quân 6 triệu đồng/tháng”, ”, anh Chứ cho biết thêm.

Bắt đầu triển khai từ năm 2022, mô hình trồng chanh leo của anh Giàng A Nủ, ở bản Dền Thàng B, xã Dào San, huyện Phong Thổ bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Nủ cho biết, được Đoàn xã Dào San và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cho đi tham quan mô hình chanh leo tại huyện Tam Đường (Lai Châu). Anh Nủ thấy đây là mô hình phát triển tốt, hiệu quả, có thể áp dụng tại địa phương nên đã trồng thử nghiệm. Thấy cây chanh leo hợp khí hậu, anh đã mạnh dạn trồng 2ha. Lúc đầu triển khai, anh được Đoàn xã hỗ trợ vay vốn 70 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và hỗ trợ 100% giống.

“Sau năm thu hoạch đầu tiên, mình thấy hiệu quả cây chanh leo cao hơn hẳn so với trồng ngô, sắn trước đây. Năm nay, gia đình mình tiếp tục mở rộng thêm 2ha để có thêm thu nhập cũng như giúp thanh niên và bà con trong bản đến tham quan học hỏi, áp dụng”, anh Nủ tâm sự.

Năm 2023, từ trồng chanh leo đã cho gia đình anh Nủ (bên trái ảnh) thu nhập trên 100 triệu đồng
Năm 2023, từ trồng chanh leo đã cho gia đình anh Nủ (bên trái ảnh) thu nhập trên 100 triệu đồng

Tỉnh Lai Châu hiện có gần 113 nghìn thanh niên, trong đó, 98 nghìn thanh niên là người DTTS, chiếm hơn 87%. Thời gian qua, Tỉnh đoàn Lai Châu luôn đồng hành với đoàn viên, thanh niên trong phát triển kinh tế, khởi nghiệp, lập nghiệp thông qua phong trào “Tuổi trẻ Lai Châu chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”.

Đến thời điểm này, Tỉnh đoàn Lai Châu đã hỗ trợ 40 dự án thanh niên phát triển kinh tế; nhận ủy thác trên 920 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội; tổ chức 7 lớp tập huấn cho 2.260 lượt đoàn viên, thanh niên; tư vấn hướng nghiệp cho gần 83 nghìn lượt đoàn viên, thanh niên; giới thiệu việc làm cho hơn 26 nghìn lượt đoàn viên, thanh niên, trong đó, 8.273 đoàn viên, thanh niên đã có việc làm. Cùng với đó, hỗ trợ hiện thực hóa 260 ý tưởng khởi nghiệp. Nhờ đó, 44 câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên hoạt động hiệu quả, thu nhập bình quân thành viên đạt 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Thời gian tới, Tỉnh Đoàn Lai Châu thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nêu gương, truyền cảm hứng cho đoàn viên, thanh niên thông qua những tấm gương làm kinh tế giỏi, trong đó, tập trung vào thanh niên DTTS.

Tin cùng chuyên mục
Giữ được rừng không ai khác chính là Nhân dân

Giữ được rừng không ai khác chính là Nhân dân

Giữ được rừng, không ai khác, chính là Nhân dân. Những cánh rừng được bảo vệ tốt, chỉ khi nào lợi ích của kinh tế rừng gắn liền với đời sống của mỗi hộ gia đình. Đó là những gì mà chúng tôi đã ghi nhận được ở tỉnh miền núi cực Bắc Hà Giang đã ngút ngàn màu xanh của rừng...