Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Lạng Sơn: Khai thác giá trị “đặc sản” nông nghiệp trong phát triển du lịch trải nghiệm

La Mai - 09:41, 18/11/2023

Phát triển du lịch xanh - bền vững đang là mục tiêu mà du lịch nước ta hướng tới. Trong đó du lịch nông nghiệp cũng là hình thức thú vị góp phần phát huy lợi thế vốn có cũng như thúc đẩy kinh tế vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng nông thôn nước ta phát triển. Những năm gần đây, nhận thấy rõ lợi thế từ việc kết hợp phát triển nông nghiệp với du lịch, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân ở Lạng Sơn đã thực hiện nhiều sáng kiến trong việc xây dựng các mô hình như: Du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch trải nghiệm gắn với đặc sản nông nghiệp (đào, na, quýt, hạt dẻ, cam, bưởi, dâu tây...), mang đến nhiều trải nghiệm thú vị, hấp dẫn, thu hút du khách.

Du khách tham quan, trải nghiệm tại vườn dẻ xã Quảng Lạc, TP. Lạng Sơn
Du khách tham quan, trải nghiệm tại vườn dẻ xã Quảng Lạc, TP. Lạng Sơn

Những trải nghiệm thú vị

Dù mới triển khai từ đầu tháng 7/2023, nhưng tuyến du lịch trải nghiệm tại vườn na Lũng Than, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đã đón trên 1.000 lượt khách. Chị Yuri, du khách đến từ nước Nga cho biết: “Tôi rất vui khi đã lựa chọn được tour hấp dẫn và ý nghĩa này. Ở đây, ngoài được thưởng thức đồ ăn ngon, tận hưởng cảnh đẹp, tôi còn được tự tay hái na và vận chuyển na bằng “Cáp treo” của các bạn. Tôi sẽ giới thiệu với bạn bè biết đến điểm du lịch này để có những trải nghiệm thú vị như tôi”.

Nói về việc làm du lịch gắn với sản phẩm nông nghiệp, bà Đinh Thị Thao, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Chi Lăng cho biết: Đầu tháng 7/2023, huyện Chi Lăng đã lựa chọn Lũng Than (vườn na số 6), thuộc khu Lũng Cút, thị trấn Đồng Mỏ, đưa vào thí điểm xây dựng mô hình du lịch sinh thái. 

Lũng Than được chọn, bởi đây là địa bàn trồng na rộng có phong cảnh đẹp, hùng vĩ. Nơi đây sở hữu 12.500 cây na trên tổng diện tích 25ha. Để thu hút du khách, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Chi Lăng đã phối hợp xây dựng tiểu cảnh, pano lớn có gắn mã QR quảng bá du lịch và một số chỗ ngồi bằng xích đu dọc lối đi để phục vụ du khách trải nghiệm, chụp ảnh check-in tại đây.

Cùng với huyện Chi Lăng, các huyện, thành phố trong tỉnh Lạng Sơn bước đầu đã hình thành một số mô hình du lịch nông thôn, thu hút khách du lịch, tiêu biểu như: Điểm du lịch vườn quýt Hang Hú, xã Chiến Thắng và du lịch vườn đào xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn; mô hình vườn dẻ, quýt, nho, dâu tây (TP. Lạng Sơn), mô hình trải nghiệm vườn na tại huyện Chi Lăng…

Ông Hoàng Quang Phiệt, chủ vườn quýt Hang Hú, xã Chiến Thắng cho biết: Từ đầu năm 2023 đến nay, gia đình ông đã đón trên 10.000 lượt khách. "Để chuẩn bị tốt nhất các điều kiện đón khách, chúng tôi đã đầu tư vào dịch vụ ăn uống, làm các homestay, cắm trại qua đêm, xây mới 5 chòi nghỉ, trồng các loại hoa đẹp và bố trí thêm một số tiểu cảnh hòn non bộ, xích đu, bập bênh bằng gỗ ngay trong khuôn viên vườn quýt để du khách chụp ảnh, trải nghiệm", ông nói.

Tương tự, làng du lịch cộng đồng Hữu Liên, huyện Hữu Lũng đã phát huy rất tích cực thế mạnh nông nghiệp, nông thôn với nhiều mô hình sinh thái trải nghiệm đa dạng, ngày càng hấp dẫn du khách. Nhiều hoạt động nông nghiệp được tận dụng triệt để cho du khách trải nghiệm như: Gặt lúa, cấy lúa, hái mận, hái quýt, hái bưởi, hái na, hồng, câu cá…

Du khách tham quan, trải nghiệm tại vườn na Lũng Than, Thị Trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng
Du khách tham quan, trải nghiệm tại vườn na Lũng Than, Thị Trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng

Tiêu biểu như gia đình chị Nguyễn Thị Trang, thôn Ba Lẹ, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng đã tận dụng vườn hồng để phát triển du lịch. Chị Trang cho biết: Từ đầu tháng 8 đến nay, gia đình tôi mở cửa cho du khách tham quan và chụp ảnh trải nghiệm tại vườn hồng, với mức phí 20.000 đồng/người. Nếu như vụ hồng năm ngoái, gia đình chị chỉ bán được trung bình từ 5.000 đến 10.000 đồng/1kg hồng thì năm nay, cũng ngay tại vườn gia đình tôi bán được 25.000 đồng/1 kg, thu nhập ổn định hơn trước rất nhiều.

Nhiều hoạt động kinh tế phát triển theo du lịch nông nghiệp

Được biết, các mô hình du lịch trải nghiệm nông sản gắn với cây ăn trái đặc sản, hoặc trải nghiệm sinh hoạt ẩm thực hằng ngày gắn với phát huy giá trị các sản phẩm OCOP của người nông dân được nhiều địa bàn trong tỉnh Lạng Sơn lựa chọn và được đầu tư xã hội hóa với nhiều hình thức. 

Cụ thể, Lạng Sơn hiện có nhiều sản phẩm đặc trưng nổi tiếng đã được công nhận là sản phẩm OCOP như: thạch đen (Tràng Định), cao khô Chợ Bãi (Văn Quan), cao khô Vạn Linh (Chi Lăng), bánh phở (Lộc Bình)… Tính đến nay, Lạng Sơn đã có 114 sản phẩm được đánh giá xếp hạng đạt từ 3 sao trở lên (gồm 21 sản phẩm 4 sao, 93 sản phẩm 3 sao). Việc lồng ghép xây dựng sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn gắn với du lịch sẽ tận dụng được tối đa nguồn lực đầu tư trong phát triển du lịch.

Bà Trần Thị Bích Hạnh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh cho biết: Du lịch nông nghiệp được xem là một mũi tên trúng nhiều đích, bởi hoạt động du lịch này vừa giúp phát triển, quảng bá du lịch địa phương, đồng thời đem lại giá trị to lớn về sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó giúp tăng nhu cầu tiêu thụ, hỗ trợ giải quyết đầu ra cho nông sản, cũng như thúc đẩy thương mại nông nghiệp phát triển.

Bên cạnh đó, du lịch nông nghiệp còn mang lại công ăn việc làm cho nông dân, cải thiện đời sống người dân vùng nông thôn. Thực tế cho thấy rằng, các hộ nông dân sau khi chuyển sang làm du lịch nông nghiệp đều có mức thu nhập cao hơn nhiều lần so với canh tác nông nghiệp truyền thống.

 Thời gian qua, chúng tôi đã xây dựng một số tour, tuyến du lịch gắn với nông nghiệp như: Tuyến du lịch sinh thái tại một số điểm trồng quýt (Bắc Sơn); tuyến du lịch cộng đồng tại các xã Hữu Liên, Yên Thịnh (Hữu Lũng).

 Ngoài ra, trong tất cả các gian hàng tham gia các sự kiện hợp tác, xúc tiến, quảng bá du lịch trong nước và quốc tế, trung tâm đều dành riêng 1 gian để trưng bày về các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP của xứ Lạng.

Bên cạnh đó, ngành Du lịch tỉnh Lạng Sơn kết hợp với ngành Nông nghiệp đưa các sản phẩm OCOP cấp tỉnh vào các tour du lịch trải nghiệm phục vụ du khách. Đồng thời, nỗ lực khai thác những giá trị nổi trội và khác biệt của từng nơi để tạo ra sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc sắc, góp phần thu hút khách du lịch đến với Lạng Sơn.


Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.