Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Lạng Sơn : Phát huy nguồn lực xã hội hóa trong bảo tồn văn hóa dân tộc

Nghĩa Hiệp - 17:45, 23/09/2019

Trong thời kỳ hội nhập và phát triển, các hoạt động văn hóa nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc đứng trước những nguy cơ bị mai một. Để bảo tồn văn hóa, tỉnh Lạng Sơn đã đẩy mạnh xã hội hóa (XHH) hoạt động văn nghệ quần chúng. Từ những câu lạc bộ (CLB) nhỏ với quy mô ít, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có trên 400 CLB văn hóa với hơn 12.000 hội viên tham gia, góp phần bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa các dân tộc trên địa bàn.

Lạng Sơn : Phát huy nguồn lực xã hội hóa trong bảo tồn văn hóa dân tộc

Hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng không thể thiếu trong những dịp lễ, Tết.

Những năm trước đây, hoạt động văn hóa dân tộc thường chỉ được tổ chức, thực hiện thông qua những lễ hội chính của các dân tộc và được lưu giữ bởi các nghệ nhân, già làng tại từng thôn bản. Nhận thấy việc vận động XHH trong bảo tồn văn hóa là hết sức cần thiết, từ năm 2014, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai vận động XHH để thành lập 3 mô hình điểm về CLB văn hóa, Đội Văn nghệ quần chúng (VNQC), như: CLB Hát Then TP. Lạng Sơn, CLB Trầu văn huyện Cao Lộc và CLB Đàn tính huyện Bắc Sơn.

Bà Hoàng Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao tỉnh cho biết: “Chúng tôi nhận thấy ngay từ cơ sở, Nhân dân đã tự tổ chức các hoạt động bảo tồn, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống, khai thác sưu tầm, lưu giữ các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, thông qua các hoạt động lễ hội tại địa phương và các ngày kỷ niệm. Việc thành lập CLB giúp bà con hoạt động có quy củ và thúc đẩy hoạt động CLB thông qua các cuộc thi liên tỉnh”.

Các CLB hoạt động hoàn toàn bằng kinh phí tự đóng góp, mỗi hội viên đóng góp 100-200 nghìn đồng/tháng và duy trì trên tinh thần “Hoạt động để sống khỏe-Khỏe để giữ gìn bản sắc”.

Bà Nông Thị Thu Trà, Chủ nhiệm CLB Hát Then TP. Lạng Sơn cho biết: “CLB chúng tôi được thành lập từ năm 2014, đến nay đã có 100 thành viên tham gia. Mọi người trong CLB luôn đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, cùng tập luyện các tiết mục đặc sắc của dân tộc mình”.

Ông Bùi Thế Tố, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện Bắc Sơn cho biết trên địa bàn huyện có 120 CLB văn hóa hoạt động tại 20 xã, thị trấn. Các CLB tiêu biểu như: CLB Hát dân ca liên xã, CLB Đàn Tính, hát Then… Các CLB trên địa bàn huyện luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng ủy, UBND huyện.

Từ 3 CLB điểm ban đầu, với cách làm XHH, sau 5 năm hoạt động, đến nay, Lạng Sơn đã có trên 400 CLB văn hóa lớn, nhỏ với trên 12.000 hội viên. Hoạt động của các CLB đã góp phần bảo tồn, phát huy trên 90% các làn điệu dân ca, điệu hát, nhạc cụ truyền thống… trên địa bàn tỉnh.

Nhằm lưu giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh, đồng thời đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, văn nghệ ngày càng cao của người dân, Lạng Sơn đã tạo ra nhiều “sân chơi” bổ ích cho hoạt động văn nghệ phát triển. UBND tỉnh tổ chức liên hoan văn nghệ quần chúng cấp tỉnh định kỳ 2 năm/lần, tổ chức các cuộc liên hoan dân ca, khiêu vũ, nghệ thuật đường phố… dịp đầu Xuân. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã có trên 40 chương trình được tổ chức với nguồn XHH trên 200 triệu đồng.

Việc phát huy nguồn lực XHH trong hoạt động bảo tồn văn hóa dân tộc tại tỉnh Lạng Sơn đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đây là cách làm hay, phát huy sức mạnh của Nhân dân và các nguồn lực xã hội trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
Mãn nhãn màn tranh tài của 64 nài ngựa ở thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái

Mãn nhãn màn tranh tài của 64 nài ngựa ở thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái

Giải Đua ngựa Shanrila Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) được diễn ra với sự tham gia thi đấu của 64 nài ngựa, đến từ 5 tỉnh: Điện Biên, Lào Cai, Tuyên Quang, Sơn La, Yên Bái. Đây là sự kiện thể thao Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2024).