Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Lạng Sơn triển khai mô hình điểm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Sông Lam - 15:06, 31/08/2021

Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT) trong vùng DTTS của tỉnh, Ban Dân tộc Lạng Sơn đã triển khai, thực hiện một số mô hình điểm, đem lại kết quả khả quan.

Triển khai thực hiện “Đề án giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng DTTS, giai đoạn 2015 - 2020”, Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án của tỉnh xây dựng mô hình điểm tại xã Nhượng Bạn (nay là xã Thống Nhất), huyện Lộc Bình. Theo đó, UBND xã đưa nội dung giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT vào quy ước, hương ước thôn, bản. Đồng thời, thành lập Ban Vận động phòng chống TH&HNCHT của xã, 5 câu lạc bộ vận động phòng chống TH&HNCHT tại các thôn, bản. Kết quả, giai đoạn 2015 - 2020, toàn xã có 70 cặp kết hôn nhưng chỉ có 2 cặp tảo hôn, chiếm 2,8%, giảm 9,7% so với giai đoạn 2010 - 2015.

Tiếp tục triển khai Đề án giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng DTTS, giai đoạn 2021 - 2025, Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã chọn xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình để triển khai mô hình điểm. Đây là một xã có đông đồng bào Dao sinh sống, trong giai đoạn 2016 - 2020, xã Ái Quốc vẫn còn 6 cặp  tảo hôn; 1 cặp kết hôn cận huyết thống.

Mục tiêu của mô hình điểm là phấn đấu đến năm 2025 xã Ái Quốc không còn tình trạng TH&HNCHT trên địa bàn. Nâng cao nhận thức và kỹ năng về phòng ngừa TH&HNCHT cho các đoàn viên, thanh niên, học sinh nam, nữ là người DTTS đang trong độ tuổi chuẩn bị kết hôn trên địa bàn xã Ái Quốc thông qua tư vấn và khám sức khỏe; 100% cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, văn hóa - xã hội, Người có uy tín trong đồng bào DTTS và cộng tác viên các câu lạc bộ được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về TH&HNCHT trong vùng đồng bào DTTS...

Các hoạt động cụ thể của mô hình điểm gồm: Hoạt động truyền thông; hoạt động vận động, tư vấn pháp luật về hôn nhân và gia đình và hoạt động can thiệp, triển khai mô hình. Cụ thể là biên soạn, cung cấp tài liệu và tổ chức tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động, tư vấn pháp luật, đối thoại chính sách về hôn nhân và gia đình tại địa bàn đồng bào DTTS; tổ chức tập huấn, xây dựng các tiểu phẩm, ấn phẩm, tờ rơi, pa nô, áp phích,... để quảng bá, tuyên truyền; tổ chức các hội nghị tuyên truyền, hội thảo, hội thi, tọa đàm, giao lưu văn hóa, văn nghệ; tổ chức các lễ hội truyền thống của dân tộc, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt văn hóa, họp thôn; tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và huy động sự tham gia của đồng bào các DTTS…