Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Du lịch

Lạng Sơn: Từng bước khẳng định thương hiệu du lịch cộng đồng

Minh Anh - 17:07, 26/05/2025

Những năm qua ngành Du lịch tỉnh Lạng Sơn đã tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách, đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch, đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng dịch vụ để phát triển du lịch cộng đồng. Với các giải pháp quan trọng, các điểm du lịch cộng đồng của Lạng Sơn đã từng bước khẳng định được thương hiệu, thu hút đông đảo du khách đến thăm quan, trải nghiệm, góp phần tạo thu nhập ổn định cho người dân.

Làng du lịch cộng đồng Bắc Quỳnh
Làng du lịch cộng đồng Bắc Quỳnh

Điểm đến hấp dẫn

Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn thuộc xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn là điểm đến quen thuộc được du khách lựa chọn khi đến du lịch tại Lạng Sơn. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi với dãy núi đá vôi nhiều hang động và dòng suối trong xanh uốn lượn bao quanh. Đặc biệt, vào thu, nước sông đổi màu xanh, uốn lượn như dải lụa vắt qua từng thửa ruộng đang độ chín vàng.

Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn hiện có trên 400 hộ người Tày, Nùng sinh sống. Các ngôi nhà sàn trong làng có kiến trúc đồng nhất, độc đáo với cửa nhà quay về hướng Nam, tạo không gian thoáng mát, hài hòa với thiên nhiên. Hiện trong làng đã có gần chục hộ cung cấp dịch vụ homestay, đáp ứng chỗ ăn nghỉ cho hàng trăm du khách mỗi ngày. Mỗi năm Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn thu hút khoảng 15.000 lượt khách tham quan trải nghiệm và khoảng 4.000 khách lưu trú mỗi năm.

Làng du lịch cộng đồng Bắc Quỳnh là điểm đến hấp dẫn đối với du khách
Làng du lịch cộng đồng Bắc Quỳnh là điểm đến hấp dẫn đối với du khách

Là một trong 5 hộ đầu tiên tham gia mô hình du lịch cộng đồng, ông Dương Công Chài cho biết: Ngôi nhà sàn của gia đình tôi đã gần 100 năm tuổi, đến bây giờ chưa thay đổi gì cả ngoài tôn tạo nền, công trình phụ. Từ khi tham gia mô hình du lịch cộng đồng, gia đình tôi đã đón rất nhiều lượt khách từ trong nước lẫn nước ngoài.

Đến với Bắc Quỳnh điều không thể bỏ qua, đó là ẩm thực. Ẩm thực nơi đây nổi tiếng trong và ngoài tỉnh với các món ăn rất đặc trưng như: bánh chưng đen, thịt nướng ống lam, xôi cẩm, lạp xưởng… được làm từ những nguyên liệu có sẵn tại địa phương.

Anh Trần Văn Dưỡng - một du khách đến từ Hà Nội cảm nhận: “Đến Làng du lịch Bắc Quỳnh được trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương và đắm mình trong các làn điệu hát ví, hát then, thưởng thức các món ăn truyền thống nơi đây khiến tôi rất thích thú.

Du khách trải nghiệm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc ở Quỳnh Sơn
Du khách trải nghiệm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc ở Quỳnh Sơn

Một trong những địa điểm thu hút khách du lịch và có cảnh quan đẹp, đặc biệt nhất tại huyện Hữu Lũng đó là thảo nguyên Đồng Lâm ở xã Hữu Liên. Đến với Đồng Lâm, du khách sẽ vô cùng choáng ngợp trước một thảo nguyên rộng lớn, với cảnh đẹp “sơn thuỷ hữu tình”.

Làng sinh thái cộng đồng Hữu Liên không chỉ thu hút du khách bởi vẻ đẹp tự nhiên mà còn bởi sự bền vững trong phát triển du lịch. Cộng đồng địa phương nơi đây đã chung tay xây dựng và phát triển mô hình du lịch sinh thái, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống và sản phẩm địa phương đặc trưng theo tiêu chuẩn ASEAN.

Chỉ tính riêng trong quý I/2025 đã có gần trên 295.000 lượt khách đến huyện Hữu Lũng. Riêng khách trải nghiệm, lưu trú tại Làng du lịch cộng đồng xã Hữu Liên và xã Yên Thịnh ước đạt trên 45.000 lượt. Tổng doanh thu du lịch toàn huyện ước đạt 61 tỷ đồng.

Từng bước định vị thương hiệu du lịch cộng đồng

Theo ông Lưu Bá Mạc, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, nhằm phát triển du lịch cộng đồng trở thành thương hiệu du lịch đặc trưng, tiêu biểu, từ năm 2023, tỉnh đã triển khai xây dựng du lịch cộng đồng theo tiêu chuẩn ASEAN tại Làng du lịch Bắc Quỳnh (Bắc Sơn) và Hữu Liên (Hữu Lũng).

Đầu năm 2025, điểm du lịch cộng đồng Hữu Liên đã đạt Giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN - CBT ASEAN
Đầu năm 2025, điểm du lịch cộng đồng Hữu Liên đã đạt Giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN - CBT ASEAN

Theo đó, ngành chức năng đã tiến hành xây dựng hệ thống bảng biển chỉ dẫn nội bộ tại các điểm du lịch cộng đồng; mở lớp tập huấn cho học viên là thành viên ban quản lý các nghiệp vụ về quản lý điểm du lịch, điều hành chương trình du lịch; hỗ trợ 12 bộ công cụ dụng cụ để chuẩn hóa dịch vụ ăn uống; hỗ trợ xây dựng mô hình dịch vụ trải nghiệm cho du khách…

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6 điểm du lịch cộng đồng đã được UBND tỉnh công nhận. Thu nhập bình quân các hộ làm dịch vụ du lịch lưu trú (homestay) trung bình đạt 70 - 90 triệu đồng/năm, có những hộ đạt doanh thu trên 100 triệu đồng/năm. Đầu năm 2025, điểm điểm du lịch cộng đồng Hữu Liên đã đạt Giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN.

Anh Ngô Ất Mão, xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng cho biết: Gia đình tôi cũng rất vui và tự hào khi trở thành một trong những homestay được nhận giải thưởng homestay ASEAN. Đây là sự khích lệ lớn lao để chúng tôi tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, mang đến cho du khách những trải nghiệm đáng nhớ về văn hóa và con người Lạng Sơn.

Văn hóa ẩm thực cũng là một trong yếu tố hấp dẫn du khách
Văn hóa ẩm thực cũng là một trong yếu tố hấp dẫn du khách

Trong năm 2025, Lạng Sơn đặt mục tiêu đón 4,4 triệu lượt khách du lịch. Theo đó, ngành Du lịch tỉnh đã xây dựng kế hoạch với những nhiệm vụ trọng tâm thu hút du khách như: tiếp tục tăng cường bố trí vốn đầu tư hạ tầng hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn; vận động mở rộng quy mô, số hộ tham gia mô hình du lịch cộng đồng, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc… Hướng tới đưa Lạng Sơn trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế, góp phần “định vị” thương hiệu du lịch cộng đồng cho vùng biên xứ Lạng.

Tin cùng chuyên mục
Niềm hân hoan trên đỉnh Hải Vân Quan

Niềm hân hoan trên đỉnh Hải Vân Quan

Tôi đã nhiều lần xuôi Nam ngược Bắc trên tuyến Quốc lộ 1, đây là con đường xương sống của đất nước ta. Có một khúc quanh lượn mình giữa mây trời và biển cả - đó là đèo Hải Vân. Mỗi lần xe bắt đầu leo lên cung đường ngoằn ngoèo ấy, tim tôi lại rộn ràng. Và khi chạm tới đỉnh - nơi có Hải Vân Quan đứng sừng sững giữa trời cao, tôi không khỏi bồi hồi. Ở đó, người ta không chỉ “bốc được mây” như câu hát “Qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi” trong bài hát "Tàu anh qua núi" của nhạc sĩ Phan Lạc Hoa, mà còn có thể lắng nghe được hơi thở lịch sử, cảm được từng “hòn đá to, hòn đá nhỏ”, mang nặng vết tích của bao cuộc chiến.