Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Làng triệu phú giữa đại ngàn

Lê Hường - 07:40, 14/02/2021

Nằm giữa thung sâu, bao quanh đồi núi bạt ngàn, những ngôi nhà sàn truyền thống khang trang đỏ tươi màu ngói của người Nùng An (thuộc dân tộc Nùng), làng Quảng Hòa, thôn Tam Điền, xã Ea Tam, huyện Krông Năng (Đăk Lăk) sáng cả góc trời, minh chứng cho cuộc sống ấm no, sung túc của người dân nơi đây. Chẳng thế mà người trong vùng gọi làng Quảng Hòa bằng cái tên rất ấn tượng “làng triệu phú chân đất”.

Một góc làng Quảng Hòa.
Một góc làng Quảng Hòa.

Làng triệu phú

Thôn Quảng Hòa giữa mùa cà phê chín, người dân tất bật với công việc thu hoạch, cà phê phơi kín sân, chất đầy từ mái hiên nhà đến kho. Trong ngôi nhà sàn rộng rãi khang trang, nguyên bản kiến trúc của người Nùng An, ông Nông Văn Minh (SN 1970) cho hay, ở làng này, trung bình mỗi nhà 2 - 3ha đất trồng cây công nghiệp xen canh cây ăn quả. Nhà thu nhập thấp nhất cũng khoảng 200 triệu đồng; nhiều nhà thu 400 - 500 triệu đồng/năm.

Gia đình ông Minh có 2ha cà phê, cách đây 4 năm ông trồng xen canh bơ, sầu riêng và mắc ca, đến nay tất cả đều đã cho thu hoạch. Vụ mùa cà phê năm nay, gia đình ông thu khoảng 8 tấn cà phê nhân tương đương khoảng 250 triệu đồng.

“Ở đây khí hậu thổ nhưỡng rất tốt, hợp với nhiều loại cây trồng có giá trị. Hơn nữa, Đảng, Nhà nước cũng như chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện, người dân chỉ cần chăm chỉ làm ăn thì ắt sẽ giàu. Bây giờ gia đình nào cũng đầy đủ tiện nghi chẳng kém gì dân thành phố”, ông Minh phấn khởi.

Ngược thời gian về những năm cuối thập niêm 80 của thế kỷ trước, khi bà con dân tộc Nùng An từ huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng vào đây lập nghiệp. Rừng núi hoang vu rậm rạp, đường sá đi lại không có, cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Bà con bắt đầu học cách trồng cà phê, mạnh dạn đầu tư mua giống, cải tạo đất, trồng các loại cây giá trị kinh tế cao này.

Năm 1991, cà phê cho thu hoạch vụ đầu, nhận thấy vùng đất phù hợp với loại cây trồng này, bà con dần mở rộng diện tích. Nhanh nhạy nắm bắt thị trường, bà con làng Quảng Hòa trồng xen các loại cây ăn quả và cây mắc ca để tăng thu nhập. Nhờ đó, người người ấm no, nhà nhà khấm khá.

Đứng trước căn nhà 2 tầng khang trang như biệt thự, anh Hoàng Đình Tân, Bí thư Chi bộ thôn Tam Điền nói: “Nhà sàn truyền thống tôi mới sửa sang, thay ngói mới để bố mẹ ở. Ngôi nhà này làm thêm hết gần 2 tỷ đồng ở riêng cho tiện sinh hoạt gia đình”.

Vợ chồng anh Tân được bố mẹ cho 4ha cà phê, anh trồng xen tiêu, bơ, sầu riêng và mắc ca để tăng thêm giá trị sản xuất. Năm 2006, anh mua thêm 2,5ha đất trồng cao su và làm thêm 6 sào ruộng để có gạo ngon cho cả đại gia đình ăn cả năm. Trung bình mỗi năm gia đình anh thu nhập 600 - 700 triệu đồng, 3 năm trước anh Tân tậu về chiếc xe hơi 7 chỗ trị giá gần 1 tỷ đồng. Đến nay, làng Quảng Hòa có 57 hộ thì có hơn 50 căn nhà sàn truyền thống, nhiều nhà sắm ô tô.

Kinh tế phát triển, đời sống sung túc bà con sẵn sàng đóng góp xây dựng nông thôn mới, làm đường bê tông, bà con càng quan tâm hơn đến giữ gìn bản sắc văn hóa. Đến nay, người dân Quảng Hòa đã đóng góp khoảng 700 triệu đồng và hàng trăm ngày công để làm đường bê tông.

Trồng cà phê theo hướng theo hướng thâm canh đem lại thu nhập cao cho nhiều gia đình ở Quảng Hòa.
Trồng cà phê theo hướng theo hướng thâm canh đem lại thu nhập cao cho nhiều gia đình ở Quảng Hòa.

Giữ bản sắc riêng

Dù xa quê lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng nay người Nùng An làng Quảng Hòa vẫn giữ được những nếp nhà sàn truyền thống theo kiến trúc nguyên bản 4 mái, trang phục truyền thống, nghề dệt vải chàm và các sinh hoạt văn hóa tâm linh còn bảo tồn nguyên vẹn.

Anh Hoàng Đình Tân, Bí thư Chi bộ thôn Tam Điền cho biết: Cả thôn có 113 hộ, 525 khẩu chia làm 2 làng gồm làng Quảng Hòa 100% người Nùng An và làng Cốc Xoài toàn người Tày sinh sống. Riêng làng Quảng Hòa có 57 hộ, với 270 khẩu. Người dân có điều kiện xây nhà khang trang nhưng họ vẫn giữ nếp nhà sàn truyền thống như một nét văn hóa đặc sắc để truyền lại cho muôn đời sau. Những ngôi nhà đều do chính tay bà con trong làng phụ nhau dựng lên theo kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Nùng An 4 mái. Các nhà sàn có 30 - 56 cột, bếp trong nhà và bàn thờ gia tiên đặt giữa nhà… Đối với bà con nơi đây, họ coi nhà sàn là “báu vật” vô giá của dân tộc mình.

Người dân làng Quảng Hòa thu nhập mỗi năm vài trăm triệu đồng, ai cũng có thể xây dựng những căn nhà hiện đại khang trang. Vậy nhưng, gia đình nào cũng muốn sống dưới mái nhà sàn truyền thống nên thanh niên chuẩn bị lấy vợ được gia đình làm sẵn cho căn nhà sàn.

“Chúng tôi sinh ra từ nhà sàn, gắn bó cả cuộc đời với nếp nhà sàn nên dù ở đâu, làm gì cũng phải xây cho tổ ấm của mình một ngôi nhà giống vậy. Có như thế, truyền thống của gia đình và nét văn hóa của người Nùng An sẽ không bị biến mất”, ông Nông Văn Lòong (SN 1952), bậc cao niên trong làng chia sẻ.

Theo bà La Bế Thủy Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tam, toàn xã có 19 dân tộc cùng sinh sống, chủ yếu là các dân tộc phía Bắc, trong đó người Tày – Nùng chiếm gần 90%. Hơn 30 năm thành lập, xã luôn chú trọng phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc.

“Chúng tôi luôn tự hào và khuyến khích các gia đình người Nùng chủ động gìn giữ, sửa chữa, làm mới căn nhà sàn của mình; đồng thời chú trọng bảo tồn, khôi phục các đặc trưng văn hóa khác. Hiện nay, làng Quảng Hòa là không gian văn hóa đặc sắc để địa phương phát triển du lịch làng bản”, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tam phấn khởi nói.

Tin cùng chuyên mục
Top 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước

Top 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2023. Đây là tài liệu chính thức của Bộ Công Thương về tình hình xuất nhập khẩu của từng nhóm mặt hàng, thị trường, tình hình tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu.