Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông ở Pả Vi - Một điểm đến nhiều ấn tượng

Văn Hoa - 11:30, 28/06/2022

Làng văn hóa (LVH) du lịch cộng đồng dân tộc Mông, xã Pả Vi (Mèo Vạc, Hà Giang) - một không gian mang đậm bản sắc văn hóa Mông hiện đang là điểm du lịch nổi tiếng mà mỗi du khách khi đến Mèo Vạc đều muốn trải nghiệm.

Toàn cảnh Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông xã Pả Vi (Ảnh Homstay A Sên)
Toàn cảnh Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông xã Pả Vi (Ảnh Homstay A Sên)

Làm giàu từ du lịch

Những năm gần đây, Mèo Vạc nổi lên là một điểm đến hấp dẫn, bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, bản sắc văn hóa các dân tộc đa dạng, các dịch vụ du lịch dần hoàn thiện hơn. Đặc biệt Mèo Vạc có một điểm lưu trú mới tạo được ấn tượng cho du khách khi đến với miền cao nguyên đá, đó chính là LVH du lịch cộng đồng dân tộc Mông xã Pả Vi.

Xuôi đèo Mã Pí Lèng hùng vĩ, đến địa phận xã Pả Vi, nhìn từ xa, tôi bị choáng ngợp bởi kiến trúc độc đáo từ những ngôi nhà truyền thống dân tộc Mông tại LVH. Sự độc đáo ngay từ cổng với hai chiếc khèn lớn, một biểu tượng cho văn hóa Mông. Từ con đường sạch sẽ được lát bằng đá, hai bên đường trồng cây đào làm cảnh quan, nếu đi vào dịp cuối năm, chắn chắn sẽ là góc chụp ảnh rất đẹp. Cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, không gian văn hóa Mông hấp dẫn, kết hợp thêm tiếng nhạc vùng cao khiến cho mỗi người đến đây đều có tâm trạng phấn chấn, vui tươi.

Cổng LVH là hai chiếc khèn lớn, biểu tượng cho văn hóa dân tộc Mông
Cổng LVH là hai chiếc khèn lớn, biểu tượng cho văn hóa dân tộc Mông

Chị Nguyễn Ngân, du khách đến từ Hà Nội bày tỏ, đây là lần đầu tiên chị đến với Mèo Vạc, và chị thực sự ấn tượng với không gian của LVH. Ngôi làng quy hoạch rất bài bản, có nhà văn hóa thôn, nhà trưng bày, có khu sân chơi được dùng làm nơi biểu diễn văn hóa, văn nghệ và tất cả đều theo mẫu truyền thống của người Mông… Đặc biệt là ở đây, góc nào cũng đẹp, giúp cho chị và gia đình có nhiều bức ảnh đẹp, mang đậm bản sắc văn hóa vùng cao.

Tại LVH, rất đông khách du lịch tập trung và chụp ảnh ông Già Dóng Lình, 73 tuổi, dân tộc Mông đang mải miết đan những chiếc quẩy tấu, một dụng cụ phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày đặc trưng của người Mông. Ông Lình cho biết, khoảng 2 ngày là ông hoàn thành được 1 chiếc quẩy tấu, bán được khoảng 150 nghìn đồng. Theo ông Lình, giờ tuổi đã cao, đan quẩy tấu ngoài giúp ông có thêm thu nhập còn phục vụ khách du lịch, bởi du khách rất thích các sản phẩm ông làm ra, do đó, ông cảm thấy thêm yêu và tự hào về văn hóa truyền thống dân tộc mình.

Theo ông Già Dóng Lình, đan quẩy tấu không chỉ giúp ông có thu nhập mà còn phục vụ khách du lịch
Theo ông Già Dóng Lình, đan quẩy tấu không chỉ giúp ông có thu nhập mà còn phục vụ khách du lịch

Ngoài ông Lình đan quẩy tấu, còn có nhiều chị em phụ nữ se sợi, dệt vải, đan các sản phẩm thủ công truyền thống. Ấn tượng khác là, trong khuôn viên LVH được bố trí nhiều trò chơi truyền thống, đu dây, bập bênh…; các gian hàng trưng bày các sản vật địa phương và đặc biệt, tất cả nhân viên bán hàng, phục vụ đều mặc bộ trang phục Mông đẹp mắt.

Nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn tại LVH
Nhiều trò chơi dân gian cũng được đưa vào trong các hoạt động của LVH

Đặc biệt, trong làng hiện có 28 gia đình làm homstay kinh doanh dịch vụ lưu trú và ăn uống. Các hộ rất chú trọng bày biện, trang trí tạo điểm nhấn đẹp mắt, đậm bản sắc văn hóa Mông ở vùng cao núi đá cho ngôi nhà của mình.

 Để tạo dấu ấn thêm sức hấp dẫn thu hút khách lưu lại địa phương lâu hơn,  thứ 7 hàng tuần, đội văn nghệ của LVH sẽ biểu diễn miễn phí tại nhà cộng đồng thôn. Đặc biệt, LVH còn tổ chức nhiều chương trình, chợ phiên vào các ngày nghỉ lễ của đất nước, lễ hội của huyện, của tỉnh; bày bán nhiều loại sản vật đặc trưng như bánh ngô, mèn mén, thắng cố, thịt nướng, trải ngiệm nấu rượu tại làng, tổ chức gian trưng bày thổ cẩm…

Anh Hoàng Văn Sên, dân tộc Giáy, chủ Homstay A Sên chia sẻ: Homstay của anh được làm từ nguyên liệu chủ yếu là gỗ, mái ngói âm dương, tường rào trước cửa bằng đá xếp, trong nhà có trang trí thêm các vật dụng, dụng cụ lao động, váy hoa người Mông, treo ngô bắp, trồng hoa ngoài sân… Nhờ đó, mà ngày càng nhiều khách du lịch biết đến Homstay của gia đình. 

"Với giá thuê khoảng 400 - 600 nghìn/phòng, tháng cao điểm vào mùa đông, doanh thu khoảng 60 triệu đồng, trừ chi phí lãi được khoảng 25-30 triệu. Nếu khách có nhu cầu xem biểu diễn văn nghệ dân tộc, anh đều nhiệt tình liên hệ đáp ứng yêu cầu cho khách", anh Sên cho biết

Khách du lịch trải nghiệm nghề dệt vải truyền thống người Mông tại LVH (Ảnh Mỹ Yên)
Khách du lịch trải nghiệm nghề dệt vải truyền thống người Mông tại LVH (Ảnh Mỹ Yên)

Sự hỗ trợ đặc biệt

Ông Lương Đình Cảnh, Phó giám đốc Trung tâm văn hoá, thông tin và Du lịch huyện Mèo Vạc, cũng là cơ quan quản lý LVH cho biết, LVH khởi công vào cuối năm 2016 và đi vào hoạt động từ năm 4/2019. 

Nhằm tạo điều kiện, động viên các hộ tham gia kinh doanh du lịch, địa phương đã thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ như: Hỗ trợ mặt bằng 50 năm không lấy phí đối với các hộ dân; hỗ trợ 80 triệu đồng/hộ kinh doanh; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội có cơ chế giảm lãi suất đối với các hộ tham gia kinh doanh dịch vụ tại Làng.

Đồng thời, địa phương thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn về nghiệp vụ đón khách du lịch cho các chủ hộ, phục vụ buồng phòng, lễ tân, đầu bếp; Yêu cầu, nhắc nhở hướng dẫn các hộ kinh doanh chú trọng đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm, thường xuyên kiểm tra sức khoẻ định kỳ đối với đầu bếp tại các hộ; niêm yết giá các mặt hàng…

Mái ngói âm dương tạo nên nét cổ kính cho LVH.
Mái ngói âm dương tạo nên vẻ đẹp cổ kính cho những ngôi nhà sàn trong LVH.

Ông Nguyễn Văn Lưu, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Mèo Vạc chia sẻ: Những năm gần đây, LVH du lịch cộng đồng dân tộc Mông xã Pả Vi, được đánh giá là mô hình điển hình trong phát triển du lịch cộng đồng tại huyện biên giới Mèo Vạc, thu hút rất đông khách du lịch tìm đến Mèo Vạc tham quan, nghỉ dưỡng. Hoạt động của LVH đang góp phần quan trọng bảo tồn bản sắc văn hóa; thúc đẩy du lịch địa phương phát triển, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. 

"Kể từ khi LVH hoạt động, doanh thu từ hoạt động, dịch vụ du lịch của huyện tăng đáng kể, từ chỗ đạt vài chục tỷ đồng, đến nay, riêng doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống của huyện đã ước đạt khoảng 130 tỷ đồng/năm", ông Lưu thông tin. 

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.