Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bản sắc và hội nhập

“Làng Việt xưa và nay” và những câu chuyện giản dị

PV - 10:24, 01/08/2021

“Làng Việt xưa và nay” là một trang facebook thu hút được khá đông các thành viên tham gia, là sự quan tâm theo dõi của những người yêu văn hóa làng và những ký ức đẹp đẽ của cả một quá trình phát triển làng xã ở Việt Nam. Người tham gia nhóm sẽ được đăng tải, chia sẻ và chiêm ngưỡng nhiều bức ảnh đẹp về phong cảnh làng quê cũng như những câu chuyện giản dị, gần gũi mà họ vô tình bắt gặp đâu đó trên đường.

Trẻ em làng gốm
Trẻ em làng gốm

Câu chuyện của những đồ vật cũ

Không khó để bắt gặp trên nhóm những bức ảnh về những đồ vật cũ, những đồ dùng gắn bó với cả một giai đoạn của sự phát triển nền nông nghiệp, từ khi khoa học kỹ thuật chưa phát triển như bây giờ.

Đó là những chiếc cày, cái liềm cắt lúa, cái máy tuốt, hay những chiếc gầu tát nước… mà nếu không tái hiện lại bằng hình ảnh, có lẽ nhiều thế hệ sau này sẽ không tưởng tượng ra được đã có những giai đoạn ông bà, cha mẹ ta đã phải vất vả như thế nào khi làm nông nghiệp. Gắn với những đồ vật lao động thô sơ ấy là những ngôi nhà đơn sơ, mộc mạc, nền nhà đất, mái tranh và tường đất với những đồ đạc hết sức đơn sơ: Chiếc chõng tre, cái cối giã gạo, tấm liếp che cửa, đèn dầu…

Hình ảnh những gian bếp với khói rơm, mái rạ là những chiếc chạn bát bằng tre, nồi niêu xoong chảo nhôm, chiếc thìa bằng nhôm méo mó… Tất cả những đồ vật đó đã ăn sâu vào ký ức của một lớp người đã trải qua một thời tuổi thơ nghèo khó. Nhưng có một điều rất lạ, tất cả những ai đã trải qua những năm tháng khó khăn ấy, giờ nhìn lại thì họ vẫn luôn cảm thấy gần gũi và ấm cúng.

Những hình ảnh thân thương ấy được người ta lưu lại và chia sẻ lên không gian mạng, không chỉ để lưu lại cho thế hệ sau, mà để cho chính những thế hệ đã từng trải qua có được những khoảnh khắc ôn lại những kỷ niệm của thời thơ ấu, khốn khó nhưng không thể nào quên được.

Bằng chứng là khi một ai đó đưa hình ảnh ấy lên mạng, rất nhiều người đã bình luận, sẻ chia và tương tác. Đó là những thế hệ 6X, 7X trở về trước, những người đã trực tiếp sống trong những thời điểm đó. Mỗi khi một món đồ được chia sẻ, thì rất nhiều ký ức lại ùa về. Những ký ức của tuổi thơ, ký ức của thời nhỏ gắn với gia đình, với ông bà cha mẹ…

Còn với thế hệ trẻ ngày nay, xem và biết được những hình ảnh đó để thấy được sự đổi thay của xã hội, sự phát triển của khoa học kỹ thuật cũng như máy móc, cũng như thấy được văn hóa, xã hội của cả một thời kỳ chỉ bằng những hình ảnh cũng như trân trọng những giá trị đang có.

Đến những câu chuyện ngày nay

Tham gia nhóm “Làng Việt xưa và nay”, nhiều người rất thích thú khi bắt gặp những câu chuyện, mà chỉ xuất hiện ở những góc khuất rất sâu trong cuộc sống, nếu ta không quan sát thì rất khó có thể nắm bắt.

Tác giả Nguyễn Quý Dương chia sẻ về câu chuyện nhân một lần anh về Thái Bình. Khi nghỉ chân, vô tình vào xin nước ven đường Quốc lộ lúc trưa nắng. Anh bắt gặp hai cụ bà. Qua câu chuyện, anh biết hai cụ không phải là ruột thịt nhưng đã ở với nhau từ lúc còn trẻ trong ngôi nhà cũ từ mấy chục năm rồi. Giờ về nhà hai cụ vẫn nương tựa vào nhau để sống. Một cụ thì to béo, tóc trắng, một cụ thì nhỏ người và tóc vẫn đen. Hai cụ nhiều tuổi nhưng vẫn đều khỏe mạnh và minh mẫn, nói chuyện vui và hóm hỉnh.

Đó cũng là những hình ảnh, những câu chuyện rất giản dị, vẫn tồn tại ở đâu đó trong những góc khuất của cuộc sống. Người thôn quê vốn dân dã. Câu chuyện của hai cụ già khiến người ta liên tưởng đến nhiều câu chuyện gần gũi khác. Ở vùng quê nhà tôi cũng có những câu chuyện gần giống như thế này.

Thời các cụ ngày xưa có nhiều cụ ông có đến 2, 3 bà vợ, và có khi vợ cả, vợ hai sống cùng với nhau một nhà. Khi già, cụ ông mất, còn lại hai cụ bà. Hai cụ bà lại sống vui vẻ cùng con cháu. Hay có những gia đình có hai chị em gái sống cùng nhau, đều không lập gia đình và sống với nhau từ trẻ cho đến già. Chị em gái vốn thương yêu nhau, càng về già khi không có con cháu lại càng thương yêu nhau hết mực.

Câu chuyện của tác giả Nguyễn Quý Dương về hai cụ già tuy không phải là chị em hay có họ hàng máu mủ gì, nhưng hai cụ đã sống với nhau từ trẻ cho đến già, chia sẻ với nhau mọi điều trong cuộc sống, thì cũng có thể coi tình cảm của hai cụ dành cho nhau như chị em gái ruột thịt trong nhà.

Tác giả có tên facebook Thu Vàng lại mang đến một câu chuyện khác. Với những bức ảnh chụp một cụ ông Phí Xuân Giao ở xã Ngọc Tảo, Phúc Thọ, Hà Nội. Mặc dù đã có tuổi (cụ sinh năm 1938), nhưng mỗi buổi chiều mùa hạ, cụ vẫn một mình đạp chiếc xe đạp chở theo một con diều đi thả. Khi trở về, cuộn dây diều cụ buộc gọn để trên ghi đông chiếc xe đạp, còn con diều to với màu sặc sỡ, cụ chở ở đằng sau. Dắt chiếc xe đạp có chở theo cánh diều đi ven triền đê, có lẽ cụ đã gửi mọi sự vào niềm đam mê không có tuổi của mình.

Nếu những đồ vật xưa đã đi vào dĩ vãng, thì ta cũng không khó để bắt gặp hoặc được giới thiệu đến những làng nghề còn làm ra những nông cụ, như sàng, nong, nia hoặc những chiếc cối xay gạo, phục vụ cho những ai đam mê hoặc những người làm công tác bảo tồn.

Giữa cuộc sống hối hả, bất chợt gặp những hình ảnh gần gũi, đời thường, ta như được sống chậm lại, để nhớ về một thời xưa cũ, với những ký ức không quên.

Tin cùng chuyên mục
Bắc Hà (Lào Cai): Chuẩn hóa du lịch cộng đồng từ thành quả xây dựng nông thôn mới

Bắc Hà (Lào Cai): Chuẩn hóa du lịch cộng đồng từ thành quả xây dựng nông thôn mới

Nếu như Lào Cai là địa phương đứng đầu cả nước về phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) thì huyện Bắc Hà là điểm sáng của tỉnh trong khai thác giá trị loại hình này để bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Bắc Hà đang phát huy thành quả xây dựng nông thôn mới, từng bước chuẩn hóa các điểm DLCĐ trên địa bàn, theo định hướng của UBND tỉnh Lào Cai tại Quyết định số 2247/QĐ-UBND ngày 05/9/2024.