Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Langbiang, mùa trẩy hội

PV - 09:34, 30/06/2018

Hàng trăm nam thanh, nữ tú, già, trẻ, gái, trai nắm chặt tay nhau đi quanh đống lửa cùng hát vang lời ca “Rừng núi giang tay nối liền biển xa, ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà”. Tất cả đều có chung một cảm xúc, tự hào, hãnh diện, vui tươi được sống lại một thời tuổi trẻ dưới chân núi Langbiang (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) huyền thoại giữa cao nguyên lộng gió.

Nghệ nhân Winh Hil Lạch trong nghi thức gọi thần rừng Nghệ nhân Winh Hil Lạch trong nghi thức gọi thần rừng

 

Khách nườm nượp đổ về

Theo chân đoàn khách lữ hành từ thành phố biển Vũng Tàu, chúng tôi đến Langbiang huyền thoại sau gần 1 ngày đường. Con đường dẫn vào núi Langbiang dường như bị “nghẹt thở” vì hàng trăm xe khách nối đuôi nhau đến đây du lịch. Chập choạng tối, dòng người khắp nơi đổ về nhiều hơn. Tất cả các quán ăn, nhà hàng dưới chân núi đều chật cứng. Để có một suất ăn tối cho mỗi người, chúng tôi phải nhờ hướng dẫn viên đặt bữa từ chiều hôm trước.

Nguyễn Tuấn Anh, người hướng dẫn viên cho biết, không chỉ ngày cuối tuần, mà ngày thường Langbiang vẫn “nghẹt thở” vì lượng khách đến đây rất đông. “Anh nhìn đấy, tất cả các quán hàng đều chật cứng. Nếu không đặt bữa ăn trước, thì không có, khách có thể phải ăn bánh mì”, Tuấn Anh, cho biết.

Sau giây lát định vị phương hướng, cả đoàn di chuyển về sát chân núi Langbiang. Người hướng dẫn viên bảo: “Đến đây không trèo lên đỉnh thì coi như chưa đến Langbiang”. Chúng tôi quyết định leo đỉnh Langbiang dẫu đã khá mệt.

Giữa không trung lộng gió, thật không thể tả hết hàng ngàn ánh đèn đêm hắt bừng sáng từ những ngôi nhà của người dân. Con đường dẫn vào núi Langbiang lúc chiều ken đặc người xe, giờ thêm vào đó ánh đèn đường tỏa sáng. Chị Y Ner Điêng, một trong nhiều người dân địa phương sống dưới chân núi Langbiang kinh doanh hàng ăn trên đỉnh núi bảo: “Chỉ trừ trời mưa thôi, còn Langbiang quanh năm có dấu chân người. Người Langbiang chúng tôi một năm có hai mùa đón khách đông nhất là Tết và mùa hè. Bây giờ Langbiang là mùa trẩy hội, khách lúc nào cũng nườm nượp kéo về”.

Là người địa phương sinh ra lớn lên và lấy vợ sinh con dưới chân núi Langbiang, anh Wiyhla Clao cho biết, hơn 90% người dân sống quanh núi Langbiang là người Cơ-ho. 10 năm trở lại đây, đời sống bà con thôn bản ngày càng đổi mới. “Tất cả cũng nhờ núi Langbiang cả đấy. Khách đến đây du lịch là bà con dân bản no cái bụng hơn. Bây giờ, những nhà ở mặt đường đều làm du lịch. Ngày bán hàng, dẫn khách khách thăm quan, đêm tổ chức cho khách múa hát vui chơi. Mô hình “gia đình tổ chức đêm hội cồng chiêng” đang phát triển mạnh và đem lại thu nhập khá cao cho nhiều hộ gia đình”, Wiyhla Clao, chia sẻ.

Đêm hội cồng chiêng dưới chân núi Langbiang

Con đường đến “Đêm hội cồng chiêng” là một hẻm nhỏ ngoằn nghèo giữa các ngôi nhà của người dân địa phương. Khác biệt với với nhà phố xây bê tông cốt thép, khác với nhà ở nông thôn miền xuôi to rộng “hoành tráng”, hàng trăm căn nhà của người Cơ-ho làm bằng gỗ đan xếp kề nhau ẩn mình dưới thân cây pơlang.

Sau khi nhiều đoàn khách được các hướng dẫn viên đưa vào vị trí ngồi đã được đặt sẵn, đêm hội cồng chiêng chính thức được bắt đầu. Nghệ nhân Winh Hil Lạch-người dẫn chương trình mặc khố cầm micro ra phía cây nêu nói: “Đêm nay, giữa đất trời Langbiang cao nguyên lộng gió, chúng ta-những người con đất Việt hãy nắm tay nhau cùng vui trong men rượu cần, cùng hát bài ca kết đoàn thân ái. Không phân biệt già trẻ, gái, trai, nam, nữ, dân tộc; hãy “cháy” hết mình. Nào hãy đứng lên xin phép thần linh”. Lời nói vừa dứt, tất cả du khách đứng lên hướng về cây nêu. Winh Hil Lạch dõng dạc: “Hỡi thần linh của núi rừng Langbiang, hãy chứng giám cho chúng con. Hãy ban cho chúng con sức mạnh để cùng nhau xây dựng quê hương, lúa, ngô tươi tốt, cuộc sống yên bình hạnh phúc ấm no”, ắt thì hàng ngàn cánh tay đưa lên cao theo nghi thức văn hóa cầu nguyện của người Cơ-ho.

Sau phút giây linh thiêng ấy, là nghi thức đốt lửa và mời rượu cần. 12 trưởng đoàn du lịch cầm 12 ngọn đuốc, 12 thiếu nữ Cơ-ho cầm ché rượu cần quì hướng vào đống lửa phía cây nêu. Nam châm đuốc vào đống củi, nữ đem rượu cần mời khách. Hàng trăm người nắm tay chặt nhau đi quanh đống lửa bập bùng. Lời bài hát “Rừng núi giang tay nối liền biển xa, ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà” vang vọng xé tan màn đêm Langbiang.

Anh Hoàng Long, du khách đến từ Bà Rịa Vũng Tàu chia sẻ: “Với tôi, đây là chuyến đi vô cùng ấn tượng. Được nhảy múa cùng các bạn nam nữ người địa phương, cảm giác như được trẻ lại”.

Đến từ Bình Định, nhóm thanh niên Trần Văn Sơn, Cao Tiến Dũng, Nguyễn Hồng Ánh nhận ché rượu cần từ một cô gái dân tộc Cơ-ho mời uống. Hút một ngụm rượu cần, anh Trần Văn Sơn tươi cười nói: “Đi du lịch Đà Lạt không được uống rượu cần, ăn gà nướng thì tiếc lắm. Langbiang là điểm đến đầu tiên trong hành trình của nhóm chúng tôi. Tất cả đều hài lòng”.

Hàng trăm du khách cùng múa hát trong đêm hội cồng chiêng. Hàng trăm du khách cùng múa hát trong đêm hội cồng chiêng.

 

Chuyện tình huyền thoại trên đỉnh núi

Khách du lịch đến núi Langbiang, ngoài thăm thú phong cảnh hữu tình, thưởng thức những món ăn độc, lạ của người bản xứ, không quên khám phá câu chuyện tình lãng mạn đã trở thành truyền thuyết của đồng bào xứ cao nguyên này.

Nghệ nhân Winh Hil Lạch kể lại, xưa kia, tại vùng núi này, có người con trai tên K’lang, tù trưởng bộ tộc Lát, thương người con gái tên H’biang, con gái tù trưởng bộ tộc Chil. Tình yêu của họ chớm nở đẹp đẽ như hoa rừng, lãng mạn như dòng suối ngày đên róc rách chảy dưới chân núi. Sự khắc nghiệt văn hóa, ngăn cấm người bộ tộc này không được lấy người bộ tộc khác, khiến tình duyên của đôi trai gái trắc trở. Để giữ tình chung thủy, hai người đã quyết định đi đến cái chết để phản đối luật tục hà khắc lạc hậu.

Chứng kiến cảnh đau thương con gái chết do tục nguyền cổ hủ cùng chàng trai bộ tộc Lát tên K’lang, bố của nàng H’biang ngày đêm hối hận, Để chuộc lỗi với con gái, ông đã thống nhất các bộ tộc người Lát, Chil, Sré... thành chung một dân tộc Cơ-ho. Ngọn núi cao ở làng La Ngư Thượng, nơi chàng K’lang và nàng H’biang chết được đặt lên là Langbiang-tên ghép của đôi trai gái, để tưởng nhớ hai người và tình yêu của họ. Mộ của K’lang và H’biang được đặt trên hai ngọn núi, đó chính là núi Ông và núi Bà ngày nay. “Câu chuyện tình của chàng K’lang và nàng H’biang ngày xưa như một nét đẹp văn hóa, xóa đi nhiều tập tục lạc hậu. Bây giờ ở bản làng người Cơ-ho không lạc hậu nữa, đời sống phát triển nhiều rồi, thanh niên bản này được giao lưu, lấy vợ, lấy chồng bản khác”, nghệ nhân Winh Hil Lạch cho biết.

Núi Langbiang không quá lớn để chứa nhiều người, nhưng cũng đủ để hàng vạn, hàng ngàn lượt khách du lịch thập phương đến đây thưởng ngoạn, vui chơi. Đến với Langbiang là đến vùng đất huyền thoại và những người con “da cà phê” thật thà chất phác. Rời Langbiang, ai cũng có cảm giác gần gũi thân thương và không quên hẹn một ngày không xa sẽ quay trở lại.

Câu chuyện tình của chàng K’lang và nàng H’biang ngày xưa như một nét đẹp văn hóa, xóa đi nhiều tập tục lạc hậu. Bây giờ ở bản làng người Cơ-ho không lạc hậu nữa, đời sống phát triển nhiều rồi, thanh niên bản này được giao lưu, lấy vợ, lấy chồng bản khác”

Nghệ nhân Winh Hil Lạch

  Trần Mạnh Tuấn

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.